Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ tư như trên và đề nghị Việt Nam hết sức thận trọng, không để rơi vào cái bẫy xuất khẩu. Diễn đàn năm nay có chủ đề "Từ CPTPP đến EVFTA - Cùng nông dân đi chợ thế giới”, diễn ra sáng 11-10 tại Hà Nội.
Tại diễn đàn, ông Phạm Mạnh Thiêm, nông dân xuất sắc tỉnh Bình Phước, nêu lo lắng: "Hiện đang xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Cuộc chiến thương mại này sẽ tác động như thế nào đến tình hình xuất khẩu nông sản nước ta? Đặc biệt gần đây đang có chuyện hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt để xuất khẩu sang Mỹ".
Ông Phạm Mạnh Thiêm, nông dân xuất sắc tỉnh Bình Phước. Ảnh: DÂN VIỆT
Trả lời câu hỏi, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết: "Tôi xin khẳng định việc hàng nông sản Trung Quốc mượn đường Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ là chưa có bằng chứng nào, cũng như chưa có vụ việc thực tế nào. Hệ thống hải quan Việt Nam đã có những quy định, chế tài kiểm soát nghiêm ngặt nên hàng Trung Quốc hầu như không có khả năng đội lốt hàng Việt".
Chia sẻ thêm, ông Thái cho biết hiện Bộ Công Thương đã ban hành các cảnh báo cũng như trình lên Chính phủ các đề án kiểm soát những bất thường trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang. Tuy nhiên, cho đến nay theo đánh giá của Bộ Công Thương, tác động của thương chiến đến Việt Nam là hầu như chưa rõ ràng, chưa cụ thể.
Nguyên nhân chính là do các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam hầu như không trùng với nông sản Mỹ xuất khẩu cho Trung Quốc và ngược lại. Một số mặt hàng thủy sản mà Việt Nam đang cùng với Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hiện bị Mỹ đánh thuế chống bán phá giá, do đó tác động không quá lớn.
Toàn cảnh phiên đối thoại tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ tư. Ảnh: AH
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho rằng kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra đã có rất nhiều cảnh báo về vấn đề hàng Trung Quốc mượn đường Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó, đáng lưu ý là sản phẩm gỗ dán.
"Mỗi năm Trung Quốc xuất khẩu khoảng 80 tỉ USD gỗ dán sang Mỹ, gồm có gỗ dán gỗ cứng và gỗ dán gỗ mềm. Việt Nam hiện chưa xuất khẩu gỗ dán gỗ mềm. Cần chú ý, thuế xuất khẩu gỗ dán gỗ cứng sang Mỹ lên tới 183% nhưng gỗ dán gỗ mềm thì chỉ 0%. Do đó, Việt Nam cần đề cao cảnh giác việc bị lợi dụng để xuất khẩu mặt hàng này" - ông Quyền nói.
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán Việt Nam sang Mỹ chỉ đạt 50 triệu USD, nhưng đến năm 2018 con số này đã tăng vọt tới 290 triệu USD. Đây là sự bất thường đáng báo động.
Bộ Công Thương sau đó đã tiến hành thanh tra, rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán trong nước nhưng chưa phát hiện nghi vấn. Một thực trạng đáng nói là có tới 70% trong số hơn 800 doanh nghiệp gỗ dán Việt nhận vốn đầu tư từ Trung Quốc hoặc Đài Loan.
Bản thân các cơ quan hải quan Mỹ hiện đã siết chặt cơ chế kiểm soát, đồng thời triệu tập nhiều doanh nghiệp nhập khẩu gỗ dán để quán triệt các vấn đề kiểm định nguồn gốc, xuất xứ.
Từ đó, chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng: "Tựu chung lại, các cảnh báo về nguy cơ gỗ dán Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam là có thật, các bộ, ban, ngành cần có trách nhiệm giải quyết bài toán này để tránh nguy cơ trừng phạt từ Mỹ cũng như tạo cơ hội cho doanh nghiệp gỗ dán Việt Nam cạnh tranh và phát triển".
Kết luận, ông Lương Hoàng Thái cho biết: "Bộ Công Thương hiện đã làm việc với các bộ, ban, ngành liên quan để kiểm soát, quản lý kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Thủ tướng Chính phủ hiện cũng đã có chỉ đạo đến từng địa phương cụ thể để siết chặt chế tài kiểm soát trong thời gian tới".