|
Đạo diễn Phạm Văn Nhận |
Trong khuôn khổ năm chéo Việt Nam - Pháp, mùa hè qua Viện phim Pháp đã tổ chức tại Paris Toàn cảnh điện ảnh Việt Nam ở quy mô chưa từng có, với 36 phim truyện, tài liệu có bản nhựa 35 li ở Pháp, của nhiều thế hệ đạo diễn từ các lão thành như Phạm Kỳ Nam, Hồng Sến, Phạm Văn Khoa... đến các tác giả mới như Đoàn Hồng Lê, Trần Phương Thảo, Nguyễn Thị Thắm...
Gây chú ý nhất về mặt lịch sử là phim Hai thế giới do Phạm Văn Nhận thực hiện ở Pháp năm 1953.
Có lẽ do tuổi đời phim cao, lại là phim Việt Nam quay ở Pháp, nên phòng chiếu hơn 200 chỗ trong thời điểm bóng đá thế giới gần như đầy khách. Khán giả Pháp, ngoài tình cảm với Việt Nam hẳn thú vị có dịp nhìn/nghe ký ức. Những người Việt như chúng tôi - con em của diễn viên, đạo diễn... thì đến xem vì ruột thịt, vì bộ phim mà khi công chiếu mình còn quá nhỏ hoặc chưa sinh ra.
Đến xem phim, con gái tôi (21 tuổi) không dám mời bạn bởi e phim “khó xem”. Tôi cũng có tâm trạng e dè như thế, nhưng thật... bất ngờ. Khán giả hẳn cũng bất ngờ qua những tràng pháo tay kéo dài sau phim, và tiếng xuýt xoa thán phục khi biết tác giả 95 tuổi hiện vẫn đang sống ở miền nam nước Pháp.
Thật khó tin một người ngoại đạo, chỉ theo phụ việc cho đạo diễn Léo Joannon mấy năm mà có thể làm ra bộ phim như vậy. Nhiều người tiếc tác giả không có mặt trong buổi chiếu để chứng kiến sự ái mộ của công chúng, nhưng ông đã từ chối lời mời của viện phim, lời năn nỉ của con cháu với lý do “quá khứ hết rồi”.
Nói vậy, nhưng khi nghe tôi kể lại không khí buổi chiếu, ông liền viết mail chia sẻ: “Quay phim đó chỉ có mình chú, chân máy DEBRIS bằng gỗ khoảng 20kg. Nặng quá! Máy giống như hòm thợ cạo quay manivel kim loại cũng gần chục ký. Mỗi lần di chuyển là chẹo lưng.
Hôm quay tại Théâtre des Champs Elysée, người ta cho mượn sân khấu đúng một ngày. Chú phải mướn thêm người quay và đèn để một ngày cho xong. Dùng toàn thân nhân và bạn hữu làm diễn viên (*), figurants”.
Vừa rồi có dịp, chúng tôi tới miền nam thăm ông. Ông bảo không nhớ rõ cốt truyện vì làm nhiều phim có tựa na ná nhau. Khi tôi kể đó là chuyện sinh viên Tân bị bệnh lao cố ý trốn người yêu nhưng cô gái vẫn thủy chung thì nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn, quay phim, dựng phim và kiêm... culi nhớ ra hàng loạt chi tiết.
Không phải của phim - rất chuyên nghiệp - mà của việc làm phim, rất... tài tử! Ông nói do máy quay thuê tính ngày nên ông cố tình thuê thứ bảy để “thâm canh” luôn chủ nhật, vừa có diễn viên rảnh. Hỏi vì sao các diễn viên nữ Việt Nam trong phim đều “điệu” áo dài khi ra phố, ông nói thời đó đúng như vậy - một cách chị em khẳng định tính dân tộc.
Truyện phim buồn nhưng đạo diễn biết khôi hài, thí dụ cảnh bệnh nhân cùng phòng hụt chân cầu thang vì mải mê nhìn bạn gái Tân. Cảnh anh ta đưa tang Tân trong nghĩa trang - “giấc mơ ích kỷ” qua đó phim có thêm bối cảnh nghĩa trang Pháp.
Chủ định phim chiếu ở Việt Nam nên đạo diễn tận khai những hình ảnh ông tin lý thú, ví như cận cảnh xe ép rác tự động mà để quay ông phải “rình trên cửa sổ căn hộ, thấy xe tới vác máy chạy xuống”. Hay cảnh các nhân vật đi xe buýt, xe lửa...
Rình rập vậy nên phim có không khí tài liệu - một khuynh hướng lớn của phim đương đại. Kịch bản cũng hiện thực khi chọn căn bệnh phổ biến giai đoạn đó, đặc biệt tấn công người Việt do sống khắc khổ. Ông nói nhờ tất cả sự lạ lẫm nhưng gần gũi nêu trên, phim chiếu ở Sài Gòn năm 1954 “thu tiền như nước”.
|
Đạo diễn Phạm Văn Nhận ra biển bằng chiếc xe đạp năng lượng mặt trời tự chế - Ảnh nhân vật cung cấp |
Phim có tên Hai thế giới vì bệnh viện nội trú như thế giới cách ly, nhưng những ngày xem phim ta dồn dập ở viện phim Tây, tôi cứ liên tưởng, tự hỏi tại sao một sinh hoạt tôn vinh điện ảnh Việt Nam chính thức, kỳ công đến thế lại không được truyền thông Việt Nam lưu ý?
Bao giờ tác phẩm đáng hãnh diện này mới được viện phim ta đón nhận như một trong những phim truyện đầu tiên của Việt Nam? Ông, chú ruột đạo diễn Phạm Kỳ Nam, không bận tâm điều đó. Lạc quan, Hai thế giới của ông có kết hậu.
Lạc quan, 95 tuổi ông vẫn ngày ngày chăm lo hàng trúc trong sân, ra biển bằng chiếc xe đạp năng lượng mặt trời tự chế. Nhiều năm nay ông sống một mình, mỗi khi mệt ông thay quần áo đẹp “sẵn sàng” cho thế giới bên kia. Vậy rồi sáng ra lại sống, lại ra biển...
Trên đầu giường ông luôn có tờ giấy in chữ vi tính, rằng nếu ông không thức dậy thì xin gọi các số này... Bên dưới là hàng chữ to hơn, màu đỏ, từ chối nhà thương dứt khoát mà khôi hài: Pas d’hopital = Zéro! (tạm dịch: Có vào bệnh viện cũng như không!).
Xuất thân là lính thợ, Phạm Văn Nhận đã cùng họa sĩ Mai Thứ quay những thước phim lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Pháp năm 1946. Ông cũng là người Việt đầu tiên sau khi đất nước độc lập làm phim truyện, trong đóTrang nhật ký quay năm 1948, tiếp sau làGiá hạnh phúc, Vì đâu nên nỗi, Hai thế giới. Cả bốn phim đều được Viện phim Pháp bảo quản, phục chế. |
(*): Phùng Thị Nghiệp, Lê Hùng, Vũ Ngọc Tuấn, Yana Gani, Phạm Ngọc Tuấn, Phạm Văn Cương, Đoàn Túy, Đặng La Sáng...