Tại Saigon Skydeck, đài quan sát đầu tiên của Việt Nam ở độ cao 180 mét, tọa lạc tại tầng 49 của tòa nhà Bitexco Financial Tower TP HCM, vé xem bắn pháo hoa đêm giao thừa và tiệc nhẹ được bán 569.000 đồng. Trẻ em cao dưới 1,3m giá mềm hơn, 449.000 đồng một vé.
Tính đến ngày 7/2, đài quan sát Saigon Skydeck đã bán được 350 vé, chiếm gần 80% trên tổng số vé chào bán, chủ yếu là nhóm bạn trẻ và gia đình người Việt. Sức chứa của tầng 49 này khoảng 450 khách.
Trong khi đó, ở vị trí cao hơn cùng tòa nhà Bitexco, các nhà hàng, quán bar cao cấp ở tầng 50, 51, 52 giá cả còn "khủng" hơn. Dịch vụ đa dạng: thấp nhất 500.000 đồng và cao nhất 1,5 triệu đồng một chỗ xem bắn pháo hoa với không gian riêng tư và các dịch vụ kèm theo. Nhà hàng ở tầng 50 chỉ giới hạn 60 chỗ trong khi cả nhà hàng và bar ở tầng 51-52 cũng chỉ phục vụ tối đa 500 người và đã được đặt chỗ trên 70%.
Nếu khách mua gói thư giãn, ăn nhẹ và thức uống tùy chọn để xem pháo hoa giá 500 nghìn đồng chưa tính các phí dịch vụ kèm theo. Trường hợp ngắm pháo hoa kèm tiệc tối tự chọn không giới hạn thức uống giá lên đến 1,5 triệu đồng cho một người lớn, trẻ em tính nửa giá.
Nếu ngắm pháo hoa ngoài trời miễn phí thì dịch vụ tiệc tùng xem pháo hoa trên các cao ốc, nhà hàng, quán bar, cà phê hạng sang lên đến vài triệu đồng. Ảnh: An Nhơn
Một nhà hàng trên đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 tận dụng vị trí gần Bến Nhà Rồng còn hét giá tiệc ngắm pháo hoa đêm giao thừa lên đến 2 triệu đồng. Nhà hàng này giải thích, giá cao vì có chỗ ngồi riêng biệt, thuận tiện nhất dành cho khách VIP. Vé phổ thông là 200.000 đồng một người.
Nếu ngắm pháo hoa trên "nóc" nhà Sài Gòn lên đến bạc triệu thì các hàng quán bình dân lại có giá khá mềm. Từ vài chục nghìn đến 100.000 đồng khách có thể tìm một chỗ ngồi vừa nhâm nhi cà phê, bia, nước ngọt, bánh trái vừa ngắm pháo hoa dọc theo đường Nguyễn Tất Thành, Đại lộ Đông Tây...
Ở Hà Nội giá đặt chỗ xem bắn pháo hoa đêm giao thừa dù thấp hơn TP HCM nhưng cũng không hề rẻ. Các quán cà phê quanh hồ Gươm "chém" 300-490 nghìn đồng một ghế trong khi đó một số quán nước tại hồ Tây yêu cầu đặt cọc 200.000 đồng một bàn. Mở bán vé xem pháo hoa đêm giao thừa từ sáng 26 Tết, nhưng 90% chỗ ngồi vị trí đẹp tại quán Café City View Hà Nội cạnh hồ Gươm đã kín.
Theo nhân viên của City View, mức giá năm nay ấn định 300.000 đồng mỗi người, cao hơn năm ngoái 50.000 đồng, bao gồm một đồ uống và một khẩu phần ăn nhỏ. Khách hàng chủ yếu là giới tuổi teen, cũng có số ít du khách nước ngoài đặt chỗ cho đêm giao thừa.
Tòa nhà Hàm cá mập cao 6 tầng ở ngay sát hồ Gươm luôn là tâm điểm của những người muốn thưởng thức pháo hoa trong đêm giao thừa hàng năm. Một quán ăn nằm ngay tầng dưới của City View Hà Nội thu phí khoảng 300.000 đồng một người. Vé phải mua từ trước, bao gồm một đồ uống, nếu sát giờ mới mua sẽ không bán.
Riêng Highland Café nằm ở tầng 3 Hàm cá mập chào giá thức uống và chỗ ngồi xem pháo hoa là 450.000 đồng một người, dự kiến phục vụ 100 khách, chỉ bao gồm một đồ uống đi kèm.
Còn Illy’s Café, ngụ tại tầng thượng của tòa nhà đối diện Hàm cá mập, "hét" giá 490.000 đồng một vé vào cửa. Theo nhân viên tại đây, quán đã bán vé hơn 10 ngày và lượng khách đến mua rất đông. Từ hôm 26 Tết, số bàn ngoài trời đã được đặt hết.
Việc bỏ vài trăm nghìn đến bạc triệu để thưởng thức 15 phút xem bắn pháo hoa đối với một số người là bình thường song cũng không ít ý kiến cho rằng đây là sự lãng phí. Anh Huy, 24 tuổi, làm việc tại một công ty nước ngoài thẳng thắn: "Tôi thấy việc tiêu tiền như vậy hơi thiếu thực tế. Với số tiền này, tôi sẽ đưa cả nhà đi ăn hoặc mua đồ chơi công nghệ".
Tuy nhiên theo giới kinh doanh ngành ẩm thực và thức uống, TP HCM và Hà Nội chỉ bắn pháo hoa vào những thời khắc đặc biệt trong năm. Nhu cầu gặp gỡ, giao lưu, vừa tiệc tùng vừa xem pháo hoa của người dân rất lớn, trong đó rất nhiều yêu cầu đặt tiệc cao cấp. Vì vậy, đây là dịp để "hái" ra tiền và cũng là cơ hội để các chủ nhà hàng, quán bar, cà phê tạo ra các chương trình đặc sắc, sáng tạo để ghi điểm với "thượng đế".
Theo Vũ Lê - Tường Vi (VNE)