Hải Trường Sa đi cất bốc mộ cha

Anh Nguyễn Ngọc Hải (46 tuổi), sau nhiều năm lập nghiệp ở thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hoà), khi trở về đất liền và đúng 35 năm sau mới đón nhận tin vui: liệt sĩ Nguyễn Ngọc Anh (sinh 1955), người cha của anh đã hy sinh năm 1980 tại chiến trường K, hiện đang được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương.
Thế nhưng gia đình lại chưa có điều kiện đưa hài cốt của cha về nghĩa trang quê nhà. May thay, gia đình được các Cựu chiến binh thuộc Chi Hội 5 - nghĩa tình đồng đội (Chi hội), đã tận tâm giúp gia đình đi cất bốc hài cốt cha mình về an táng tại quê nhà.

Mẹ con anh Hải thắp nén hương trước khi cất bốc mộ tại nghĩa trang Bình Dương.  

Chúng tôi tìm gặp người mẹ của Nguyễn Ngọc Hải, bà Trần Thị Thuận (58 tuổi, ở huyện Cam Lâm), dù bà đã tái giá, nhưng luôn dành tình cảm đặc biệt về liệt sĩ Nguyễn Ngọc Anh và người con trai duy nhất Nguyễn Ngọc Hải.
Bà kể: “Hải sinh năm 1975, hai năm sau cha của cháu xung phong đi bộ đội và năm 1980 thì anh hy sinh. Lúc ông bà nội còn sống có khai theo bộ hồ sơ gốc được lập tháng 11-1981, thì Hải lại có tên là Nguyễn Rụng. Nhưng do tôi tái giá, nên ông bà nội thường đón cháu về chăm sóc. Kể từ đó cái tên Nguyễn Rụng chỉ để gọi trong nhà mà ông bà nội thì chưa hề làm giấy khai sinh cho cháu.
Đến cuối năm 1982, do quá tuổi đi học, nên tôi mới đi làm giấy khai sinh cho con với cái tên và năm sinh hoàn toàn mới: Nguyễn Ngọc Hải, sinh ngày 20-11-1978. Trong khi đó, toàn bộ giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ (lập năm 1981) do ông bà nội lưu giữ. Hải không hề hay biết gì về giấy tờ chứng nhận gia đình liệt sĩ, chỉ lo làm ăn và cũng từ đó không nhận được chế độ con liệt sĩ.

Ông Nguyễn Văn Khả, từng tham gia chiến trường K, hiện là Trưởng ban liên lạc Truyền thống CCB Sư đoàn 307 tại Khánh Hòa, khi biết tin gia đình gặp khó khăn về thủ tục giấy tờ đã tìm đến nhà, tư vấn giúp đỡ.

Theo Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khả, để có cơ sở pháp lý đưa hài cốt cha của Hải về thì phải có giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ. "Tuy nhiên, khi đến mới biết, gia đình không còn giấy tờ gì nên tôi nhanh chóng phối hợp với gia đình làm các giấy tờ pháp lý giúp gia đình. Thấu hiểu nghĩa tình người lính, với tinh thần trách nhiệm cao, các cán bộ chức năng của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hoà đã làm xong ngay giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ cho anh Hải chỉ trong một ngày. Như vậy, sau 35 năm ngày cha hy sinh và sau 20 năm người con trai duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Anh là anh Nguyễn Ngọc Hải mới nhận lại đủ giấy tờ pháp lý",  ông Khả nói. 

CCB, thương binh Nguyễn Thạnh (ngồi) và 2 mẹ con trước hài cốt liệt sĩ Nguyễn Ngọc Anh.

Chúng tôi may mắn được theo chân gia đình Hải và Chi hội thuộc Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 309 tại TP.HCM giúp đỡ cất bốc hài cốt liệt sĩ Nguyễn Ngọc Anh.
Tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương, được sự giúp đỡ của Chi hội, những người đồng đội đã cất bốc được 28 hài cốt ở 5 nghĩa trang khác nhau trong đó có hài cốt liệt sĩ Nguyễn Ngọc Anh đưa về chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức, TP.HCM). Tại đây, đông đảo đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Anh đã có mặt làm lễ cầu siêu, lễ tiễn đưa hài cốt các liệt sĩ về quê đầy cảm động.
Niềm xúc động như được nhân đôi với sự có mặt của Ban chỉ huy Sư đoàn 309 tại TP.HCM, đông đảo Cựu chiến binh, thân nhân các liệt sĩ…Tất cả đều không cầm nổi nước mắt khi chứng kiến những cuộc gặp gỡ, chia tay. Trong đó có sự xuất hiện một Cựu chiến binh, thương binh nặng ¼ Nguyễn Thạnh (anh bị cụt cả 2 chân), đẩy nhanh chiếc xe lăn đến bên hài cốt người đồng đội từng cùng ăn, cùng ở bên nhau, chứng kiến đồng đội của anh đang được phủ lên mình lá cờ Tổ quốc, đó là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Anh.
Đôi bàn tay ông Thạnh cứ run rẩy xoa nhẹ trên lá Quốc kỳ đang bao bọc bên trong là di hài của đồng đội. Những giọt lệ đã tuôn trên má nhiều người và tôi…rồi anh Thạnh nghẹn ngào nhắc lại: Ngọc Anh đã ngã xuống ngay sau khi nước bạn Campuchia được giải phóng, mấy chục năm rồi, mong anh trở về quê nhà an nghỉ bình an, chúng tôi, những người đồng đội của anh sẽ mãi luôn bên anh”.
Đứng hai bên người đồng đội của chồng năm xưa, bà Trần Thị Thuận và người con trai duy nhất, anh Nguyễn Ngọc Hải cứ lặng người nghẹn ngào nói lời cảm ơn…
Riêng Hải, khi tinh thần đã tĩnh lại, anh chia sẻ: “Ngày cha hy sinh tôi còn quá nhỏ, rồi ông bà nội mất, mẹ tái giá, lúc đó tôi chỉ biết lao động thật nhiều để vơi bớt bao nỗi buồn đau. Tôi rất biết ơn mẹ, bởi mẹ vẫn luôn bên tôi, nâng đỡ tôi trưởng thành.
Năm 2008, gia đình tôi (gồm 4 người, trong đó có một bé khai sinh tại UBND thị trấn Trường Sa) xung phong ra Trường Sa định cư. Trước lúc lên tàu ra khơi, đêm hôm ấy, lần đầu tiên tôi mơ thấy cha, nhưng lại là hình ảnh ông bị trúng đạn pháo của địch và hy sinh rất thương tâm.
Khi trở về đất liền, cũng đã nhiều lần cùng mẹ đi tìm mộ cha, nhưng cho đến hôm nay đã được toại nguyện, do huyện Cam Lâm chưa có nghĩa trang liệt sĩ, nên gia đình xin phép chính quyền được an táng cha tôi cạnh phần mộ của ông bà tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm”.
Nhận Giấy chứng nhận lại gia đình liệt sĩ trong tay và đưa được hài cốt cha về an táng chu đáo nơi quê nhà, anh Nguyễn Ngọc Hải xúc động nói: “Xin cảm ơn những người đồng đội của cha tôi, các cán bộ làm công tác chính sách của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, đã tận tình giúp đỡ gia đình tôi, tôi rất biết ơn mọi người…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới