Hàn gắn tổn thương sau biến cố máy bay rơi

22 năm kể từ lúc thoát chết trong tai nạn máy bay thảm khốc năm 1992 tại núi Ô Kha (Khánh Hòa), nữ hành khách người Hà Lan Annette Herfkens mới cảm thấy đủ thời gian hàn gắn vết thương để quay lại núi Ô Kha. Chừng đó thời gian chôn chặt nỗi đau cho riêng mình, sau chuyến trở lại Việt Nam năm 2006, bà quyết định viết sách để chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người.

Ngày 12-8, tại TP.HCM, bà đã ra mắt tự truyện 192 Hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh (*).

Hãy chấp nhận thực tại!

Trong cuốn tự truyện, tác giả Annette Herfkens đã kể lại chuyến bay định mệnh mà bà đã đi cùng người chồng sắp cưới Pasje từ TP.HCM đến Nha Trang. “Chuyến đi mang ý nghĩa quan trọng với tôi bởi rất lâu rồi tôi và Pasje chưa gặp nhau. Hơn nữa, chuyến đi này còn mang ý nghĩa giống như là kỳ trăng mật của hai người” - bà viết.

Thế nhưng máy bay đã đâm vào đỉnh núi Ô Kha và rơi xuống núi. “Mọi việc xảy ra rất nhanh và tôi chỉ kịp nắm chặt tay Pasje. Sau đó tôi tỉnh dậy và biết rằng Pasje đã chết. Tôi đã sốc, không phải sốc mà là rất sốc” - bà nhớ lại tai nạn kinh hoàng.

Bà thoát chết nhưng bị thương nặng đầy người. Bà viết: “Đầu gối trái có một vết thương lớn và sâu. Đầu gối phải đầy máu. Da trên mắt cá chân thì hầu như bị xé toạc ra. Nhưng cảnh tượng hãi hùng nhất lại nằm ở ống chân: Tôi nhìn thấy cả xương mình! Một tấc xương phơi lồ lộ ra qua nhiều thớ thịt”.

Tác giả Annette Herfkens chia sẻ nỗi đau mất người thân yêu của chị Nguyễn Thị Lan. Ảnh: FN

“Nhiều người đã hỏi tôi làm sao vượt lên trên nỗi đau thể xác và tinh thần trong tám ngày đó. Tôi chỉ có một cách duy nhất là chấp nhận thực tế và hướng suy nghĩ của mình tới những điều tốt đẹp, lạc quan. Tôi tránh không nghĩ đến Pasje, tự nhủ không khóc vì nó chỉ làm mình mất nước. Tôi hướng suy nghĩ của mình đến vẻ đẹp của khu rừng. Máy bay đã phạt đứt một vạt tán lá rừng, tôi cho đó là điều may vì từ khoảng trống đó, tôi có thể nhìn mặt trời, mặt trăng, cơn mưa và những chiếc lá”. Tác giả chia sẻ bí quyết giúp bà kiên cường sống trong tám ngày trời ở thung lũng giữa rừng.

“Khi bạn gặp một khó khăn, nghịch cảnh hay một nỗi sợ hãi từ cuộc sống, đừng day đi day lại những giả thiết kiểu “giá như, phải chi…”. Điều đó chỉ khiến bạn thêm bị dày vò. Hãy chấp nhận thực tại và nhấn vào những điều tích cực”. Từ câu chuyện sức sống mạnh mẽ của chính mình, bà đã gửi thông điệp sống đến mọi người tại khán phòng.

Bà còn kể thêm câu chuyện về bà vợ của một nạn nhân người Thụy Điển đi chung chuyến. “Người vợ luôn lo lắng về chuyện chồng của bà có đau đớn nhiều không trước khi chết do máy bay rơi. Nhưng thực tế sự việc xảy ra rất nhanh, có khi người chết chưa kịp cảm nhận được gì cả. Do vậy trong cuộc sống, đừng để những nỗi sợ hãi mang hình dáng của những giả thiết dày vò bản thân” - bà kết luận.

Hóa giải sự tổn thương

Trong buổi giao lưu sáng 12-8, tác giả Annette Herfkens đã ôm chầm chị Nguyễn Thị Lan (vợ cơ trưởng Nguyễn Quang Vinh - người điều khiển chiếc trực thăng cứu hộ bị tử nạn) như một sự thấu hiểu và chia sẻ nỗi đau mất đi người yêu thương.

Bà đã rất xúc động khi nghe những lời chia sẻ của chị Lan: “Khi chồng tôi và đồng đội chưa kịp hoàn thành nhiệm vụ thì đã bị hy sinh khi cách chỗ cô Annette 5 km. Đó là nỗi đau lớn với tôi. Không may mắn như những người khác, phải một tháng sau xác chồng tôi mới được tìm thấy. Vào thời điểm đó, tôi 26 tuổi và đang mang bầu con gái. Với tôi, đó là một tháng trời đằng đẵng sống trong chờ đợi”.

Bà Annette Herfkens nói: “Hồi đó tôi không được biết gì cả, tôi hoàn toàn không được thông báo kể cả khi đã được chuyển về TP.HCM. Mãi cho đến năm 2006, khi trở lại Việt Nam tôi mới được biết có những người vì cứu tôi mà đã hy sinh. Lúc này tôi không biết phải nói gì nhưng tôi thấu cảm được với nỗi đau của chị Lan cũng như của những người vợ đã mất chồng”.

Chuyến trở lại Việt Nam vào năm 2006 đã hóa giải nhiều câu hỏi trong lòng bà.

Điều bất ngờ trong chuyến đi này là bà đã gặp lại người đàn ông mặc đồ màu da cam, người mà bà đã đề cập trong hồi ký là đã bỏ đi mặc cho bà van nài trong ngày thứ bảy tại núi Ô Kha. Người đàn ông đó biến mất khiến bà hoang mang và nghĩ rằng hình ảnh đó do bà tưởng tượng ra. Bây giờ bà mới vỡ lẽ sở dĩ người đàn ông đó không có động thái nào trước sự van nài khẩn thiết của bà bởi vì khi nhìn thấy bà lần đầu, người đàn ông ấy đã tưởng bà là ma. “Anh ấy chưa từng thấy một người da trắng mắt xanh nào trước đây cả. Anh ấy ngồi chờ “con ma” biến đi, trước khi gọi bạn bè đến dọn dẹp đống đổ nát đó” - bà viết.

Cũng từ chuyến đi này, bà mới biết để cứu hộ cho bà, một chiếc trực thăng cứu hộ đã rơi tại núi Ô Kha. Bảy người trên chuyến bay tử nạn.

Đến lúc này thì những tổn thương trong lòng bà đã được hóa giải. Không như trước đó, bà cảm thấy thất vọng trước sự thiếu cam kết và thiếu hiệu quả trong công tác cứu hộ. Bà bày tỏ sự thông cảm với thực trạng của Việt Nam cách đây 13 năm...

Có lẽ qua chừng ấy thời gian, nỗi đau đã nguôi ngoai phần nào và cả những ấm ức, hiểu lầm về công việc cứu hộ đã được sáng tỏ, lần này trở lại Việt Nam cùng con gái, bà Annette Herfkens cảm thấy vui hơn. Bà nói: “Chuyến đi này rất khác chuyến đi năm 2006, lần này tôi cảm nhận một Việt Nam thật nồng hậu, ấm áp. Không như năm 2006, khi leo lên đỉnh núi Ô Kha, cảm giác của tôi không có gì khác ngoài sự sợ hãi”.

Tháng 11-1992, máy bay mang số hiệu VN474 cất cánh từ TP.HCM chở 31 hành khách cùng phi hành đoàn đã rơi ở thung lũng Ô Kha khi chỉ còn cách Nha Trang khoảng 30 km. Duy nhất bà Annette Herfkens sống sót. 

Ngày 13-8, bà Annette Herfkens sẽ đi thăm lại núi Ô Kha (Khánh Hòa) nơi xảy ra tai nạn máy bay. Tại đây, bà sẽ cùng với thân nhân các nạn nhân Việt Nam làm lễ tưởng niệm những người tử nạn. Sau đó bà sẽ đi thăm một số gia đình và người thân của tổ bay Mi-8 (bảy người) bị tử nạn trong công tác cứu hộ máy bay.

TRÀ GIANG

(*) Sách do First News và NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm