Hạn mặn sẽ xâm nhập sâu vào kênh, rạch ở TP.HCM

(PLO)- Từ ngày 1-4 đến 10-4 hạn mặn sẽ xâm nhập khá sâu vào các sông, kênh và rạch trong khu vực TP.HCM, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày vừa qua, tình hình xâm nhập mặn, nắng nóng xảy ra ở nhiều tỉnh thành Nam bộ, trong đó TP.HCM.

Hạn mặn xâm nhập sâu vào kênh, rạch ở TP.HCM
Hạn mặn gây thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp ở TP.HCM. Ảnh: NC

Xâm nhập mặn đi sâu vào nội đồng

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ, tình hình xâm nhập mặn năm 2024 diễn ra sớm, giữa tháng 11 đã xuất hiện, đi sâu vào nội đồng, đợt mặn từ ngày 8 đến 13-3 ranh mặn 4 g/l vào sâu 40-50 km, có nơi sâu hơn, ranh mặn 1 g/l có nơi tại Tiền Giang vào sâu tới 70km.

Tình hình xâm nhập mặn diễn ra nặng ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh… hạn mặn diễn ra phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm, gần bằng năm 2016 và năm 2020.

Cụ thể, từ ngày 1-4 đến 10-4, mực nước trên sông Mê Công ít biến đổi, sau đó lên chậm. Lưu lượng nước qua trạm Kratie ở mức nhỏ hơn so với cùng kỳ năm 2023 khoảng 21% và lớn hơn trung bình nhiều năm khoảng 7,4%...

Thủy triều vùng hạ lưu trên các sông miền Tây Nam Bộ lên nhanh và sau đó xuống nhanh. Ranh mặn 4g/l xâm nhập cách cửa sông Tiền khoảng 55-60km, sông Hậu khoảng 40-45km.

Tại TP.HCM, hiện mực nước cao nhất ngày tại các trạm trên các sông, kênh, rạch khu vực TP.HCM lên chậm đến 5-10 sau đó xuống lại. Độ mặn ở mức lớn hơn so với cùng kỳ năm trước và trung bình nhiều năm. Ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất trên sông Sài Gòn khoảng 76-78km.

Dự báo trong tuần tới, mực nước tại hầu hết các trạm ở TP.HCM xuống nhanh trong nửa đầu tuần, sau đó lên lại đến cuối tuần.

Đỉnh triều cao nhất tuần xuất hiện vào cuối tuần và ở mức thấp. Độ mặn lớn nhất tại hầu hết các trạm xuất hiện vào cuối tuần, riêng trạm Long Đại xuất hiện vào đầu tuần và ở mức lớn hơn so với cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm. Trên sông Sài Gòn, ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu khoảng 75-80km.

Theo đánh giá của Đài khí tượng Thủy văn Nam bộ, đây là đợt xâm nhập mặn khá sâu vào các sông, kênh và rạch trong khu vực TP.HCM, gây nên tình trạng thiếu nước ngọt, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Nạo vét kênh rạch để dẫn nước

Để đối phó tình hình xâm nhập mặn ở TP.HCM, ông Nguyễn Đức Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, Chi cục đã thực hiện nhiều giải pháp như quan trắc, theo dõi thường xuyên số liệu độ mặn các sông, kênh, rạch và dự báo tình hình, diễn biến xâm nhập mặn vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai

Chi cục cũng cập nhật định kỳ lên website của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố. Đồng thời tăng cường kiểm tra hoạt động các công trình thủy lợi, các cống lấy nước đầu kênh đảm bảo điều kiện các công trình thủy lợi vận hành tốt, cung cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi...

Giải pháp lâu dài để ứng phó với xâm nhập mặn là tăng cường đầu tư xây dựng thêm các trạm quan trắc nguồn nước tự động (SCADA) trong thời gian tới để có đầy đủ bộ số liệu phục vụ nhu cầu cảnh báo và dự báo sớm tình hình xâm nhập mặn.

"Cần xây dựng các chương trình dự báo sớm diễn biến xâm nhập mặn để từ đó đưa ra các cảnh báo sớm về tình hình xâm nhập mặn, để chủ động trong công tác ứng phó. Đồng thời, sẽ tiến hành nạo vét các kênh trục, kênh chính để tăng cường khả năng dẫn nước, chứa nước trong mùa khô hạn, ngoài ra tiêu thoát nước trong trường hợp có xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường..."- Ông Nguyễn Đức Vũ thông tin.

Nắng nóng xuất hiện sớm ở Nam bộ

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ, thông thường từ trung tuần tháng 2 hàng năm, Nam Bộ sẽ bắt đầu xuất hiện nắng nóng một vài nơi tại các tỉnh miền Đông Nam bộ. Tuy nhiên, trong năm nay, nắng nóng xuất hiện sớm tại các tỉnh thành Nam Bộ.

Giống như những năm El-nino mạnh là năm 2015-2016, 2019-2020, thì năm 2023-2024 nắng nóng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Tháng 1 tại một số tỉnh miền Đông Nam bộ xuất hiện một số ngày nắng nóng, sang đầu tháng 2 nắng nóng tăng dần. Từ ngày 9-2 đến nay nắng nóng liên tục diễn ra, ngày 15-2 tại Biên Hòa mức nhiệt cao nhất ngày đạt 38 độ C, đây là giá trị rất lớn xảy ra trong tháng 2.

Cuối tháng 2, tuy có một xuất hiện nhiều mây, có mưa một vài nơi, nhưng lượng mưa dưới 10mm, chỉ làm giảm nhiệt tức thời, sau đó nắng nóng vẫn tiếp diễn. Đến ngày 11-3 tại Đồng Phú, Đồng Xoài, mức nhiệt cao nhất 38,5 độ C, đây là giá trị nhiệt độ cao nhất khu vực Nam Bộ từ đầu năm 2024 đến nay.

Theo dự báo, trong hai đến ba ngày tới, miền Đông Nam bộ vẫn có nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt, miền Tây Nam bộ có nơi nắng nóng. Cụ thể tại TP.HCM trong những ngày tới tình hình nắng nóng vẫn tiếp diễn trên toàn khu vực, nhiệt độ cao nhất khoảng 36 độ C.

Theo dự báo, tình hình nắng nóng vẫn sẽ tiếp tục diễn ra ở khu vực Nam bộ, nền nhiệt chung sẽ cao. Đến tháng 4 và tháng 5 cũng sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài và xảy ra trên diện rộng ở tất cả các tỉnh Nam bộ. Nhiệt độ cao nhất có nơi có thể thể đạt trên 39 độ C.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm