Dự báo mới nhất của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho thấy vùng ĐBSCL đang vào thời kỳ cao điểm của mùa khô và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 35-45 km. Dự báo dòng chảy từ thượng lưu về ĐBSCL trong tháng 3 và tháng 4-2024 sẽ ở mức thấp, kéo mực nước ở các sông, kênh rạch xuống thấp, cùng với đó nước mặn theo các đợt triều cường từ Biển Đông và biển Tây xâm nhập vào địa bàn các địa phương với xu thế tăng dần đã ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Trước tình hình đó, các địa phương ở vùng ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang… đã triển khai hàng loạt giải pháp để ứng phó, bảo đảm nước ngọt cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất.
Chủ động ứng phó hạn mặn
Tại Tiền Giang, để ngăn chặn xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng, tại vùng dự án ngọt hóa Gò Công, Bảo Định, Phú Thạnh, Phú Đông đều phải đóng lại nhằm ngăn mặn, đồng thời tỉnh đã mở các vòi nước công cộng để phục vụ miễn phí cho người dân.
Tương tự tại Sóc Trăng, ông Phạm Tấn Đạo, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết nước mặn từ Biển Đông, hướng từ Trần Đề theo triều cường cũng đã tiến vào sông Hậu với chiều dài khoảng 30 km, nồng độ mặn có thời điểm đo được khoảng 4 g/l.
Theo ông Đạo, dù nắng nóng kéo dài, mực nước tại các sông, kênh rạch xuống thấp, xâm nhập mặn đang tiến sâu vào theo các đợt triều cường nhưng Sóc Trăng vẫn đảm bảo nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất, đặc biệt đảm bảo nguồn nước cho vùng chuyên canh cây ăn trái ở các huyện Kế Sách, Long Phú và Châu Thành. Cạnh đó, với trà lúa đông xuân muộn, nông dân chủ động đầu tư hệ thống bờ bao, tích trữ nước ngọt trong hệ thống mương và trang bị máy bơm, thiết bị đo nồng độ mặn… để kịp thời lấy nước khi cần nước phục vụ sản xuất.
Ông Chung Vĩnh Phước, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Đề, Sóc Trăng, cho biết vụ đông xuân huyện có 22.000 ha đã thu hoạch xong; đông xuân muộn 512 ha đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Nguồn nước lúc này cơ bản đảm bảo, còn giai đoạn sau như thế nào thì chưa biết được. Huyện khuyến cáo người dân nên tích trữ đủ nước đảm bảo cho lúa sinh trưởng tốt.
Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ (Hậu Giang), cho biết những ngày đầu tháng 3-2024 nước mặn từ biển Tây tiếp tục xâm nhập vào địa bàn một số xã của huyện với nồng độ mặn cao hơn so với cùng thời điểm mùa khô năm 2022-2023. Mặc dù nồng độ mặn trên một số tuyến sông, rạch lên cao, song do các cơ quan chức năng dự báo sớm đã giúp chính quyền và người dân chủ động thực hiện các giải pháp nên cho đến thời điểm này hạn, mặn chưa gây ra thiệt hại về cây trồng, vật nuôi cho người dân trên địa bàn huyện.
“Đối với nguồn nước sinh hoạt vẫn đảm bảo đủ cung cấp cho người dân thông qua hệ thống cấp nước sạch của các đơn vị chức năng, chưa xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt” - ông Việt nói và cho biết trên địa bàn huyện người dân đã gieo sạ hơn 500 ha lúa đông xuân muộn nhưng do diện tích lúa này nằm trong khu vực quy hoạch sản xuất lúa của huyện với hệ thống cống, bờ bao khép kín nên cho đến thời điểm này không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.
Theo dự báo, thời gian tới nồng độ mặn trên sông, kênh rạch tại các địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục tăng cao vào tháng 3 và đầu tháng 4-2024.
Chuyển đổi để thích ứng
Theo dự báo, thời gian tới nồng độ mặn trên sông, kênh rạch tại các địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục tăng cao vào tháng 3 và đầu tháng 4-2024. Theo đó, chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất với ranh 4 g/l trong tháng 3-2024. Tại cửa sông Cửu Long, Cửa Tiểu, Cửa Đại phạm vi ảnh hưởng 45-55 km; sông Hàm Luông 62-65 km; sông Cổ Chiên 55-60 km; sông Hậu 55-60 km; sông Vàm Cỏ gồm Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây phạm vi ảnh hưởng 80-95 km; sông Cái Lớn 30-40 km...
Trước tình hình dự báo xâm nhập mặn sẽ gay gắt trong thời gian tới, các tỉnh, thành ở vùng ĐBSCL, đặc biệt là các tỉnh ven biển đã yêu cầu các sở, ban ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, độ mặn tại các cửa sông chính để kịp thời kiểm soát mặn xâm nhập từ Biển Đông và biển Tây.
Tại Bến Tre, ngành nông nghiệp tổ chức vận hành các công trình thủy lợi linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình thực tế xâm nhập mặn, đồng thời thực hiện các giải pháp công trình tạm ngăn mặn, tích trữ tối đa nguồn nước ngọt trong các sông, kênh rạch, nội đồng trước khi bước vào thời kỳ đỉnh điểm xâm nhập mặn. Với vùng chuyên canh cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng, các mô hình tích trữ nước ngọt ở túi nước, mương vườn được triển khai, sử dụng phương tiện sà lan, ghe, xe cơ giới vận chuyển nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
UBND tỉnh Bến Tre đã phê duyệt chủ trương thực hiện phương án vận chuyển nước thô bằng sà lan về các nhà máy nước để xử lý, giúp người dân dự trữ, ứng phó trong trường hợp tình trạng xâm nhập mặn kéo dài.
Bên cạnh việc chủ động thích ứng thì nông dân một số địa phương đã chủ động thích ứng việc thiếu hụt nguồn nước vào mùa khô và nước mặn xâm nhập khi chuyển đổi từ lúa sang trồng rau màu để vừa tiết kiệm sử dụng nước, vừa đảm bảo thu nhập cho nông hộ.
Một số nông dân ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cho biết với tình hình thời tiết đang diễn biến ngày càng khó lường như hiện nay, họ sẽ chuyển hẳn sang trồng cây màu ngắn ngày để thích ứng với điều kiện tự nhiên. •
Linh hoạt chuyển đổi mô hình sản xuất
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Cần Thơ, vào mùa khô hằng năm, hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra tại vùng ĐBSCL. Thời gian qua các địa phương, người dân vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thích ứng và đạt những kết quả quan trọng.
Đơn cử như các địa phương đã đưa vấn đề thuận thiên theo Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL với biến đổi khí hậu vào trong quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; tổ chức quy hoạch các vùng sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước ngọt, mặn, lợ, mặn...
Cạnh đó, người nông dân cũng đã linh hoạt chuyển đổi mô hình từ độc canh cây lúa sang sản xuất đa dạng về loài cây, con cho phù hợp với thời tiết, nguồn nước; tận dụng nguồn nước mặn để nuôi tôm, cua; chủ động tích trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.