Tiền Giang trữ nước ngọt, mở vòi nước công cộng để người dân sử dụng miễn phí

(PLO)- Mặn lấn sâu vào nội đồng, tỉnh Tiền Giang chủ động đóng các cống ngăn xâm nhập mặn, trữ 90 -100 triệu khối nước ngọt vùng ngọt hóa Gò Công và mở 25 vòi nước công cộng phục vụ miễn phí cho người dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-3, ông Nguyễn Đức Thịnh- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến sớm hơn và lấn sâu hơn so với trung bình nhiều năm. Hiện nay độ mặn trên sông Tiền đã cao hơn so với cùng kỳ các năm 2016, 2021 và 2023, nước mặn đã lấn sâu vào cách cửa sông khoảng 50-55km.

Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân trong mùa hạn mặn, ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang đã chủ động vận hành đóng các cống ngăn nước mặn xâm nhập vào nội đồng.

hạn mặn, Tiền Giang chủ động đóng các cống ngăn mặn
Tiền Giang chủ động đóng các cống để ngăn xâm nhập mặn

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, tại vùng dự án ngọt hóa Gò Công, cống Xuân Hòa và cống Rạch Chợ đã vận hành lấy gạn và đóng cống ngăn mặn. Tổng lượng nước trữ trong vùng dự án khoảng 90 đến 100 triệu m3.

Hiện tỉnh đã kịp thời thi công hoàn thành đưa vào vận hành 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho người dân các huyện phía Tây, đặc biệt là vùng chuyên canh cây ăn trái của tỉnh.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cũng cho biết, hiện nay nước mặn trên sông Tiền tại khu vực cầu Kinh Xáng (xã Song Thuận, huyện Châu Thành) các cửa sông 56km độ mặn đo được 1,02g/l có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Tiền Giang chủ động đóng các cống ngăn xâm nhập mặn, mở 25 vòi nước công cộng phục vụ miễn phí cho người dân.
Mở vòi nước công cộng phục vụ người dân các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang

Trước đó ngay đầu tháng 3-2024, ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp với Ban QLDA Đầu tư xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) đóng cống Nguyễn Tấn Thành trên Kinh Xáng khi dự án này đang còn thi công.

Về nước sinh hoạt, theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, đến thời điểm này tình hình cấp nước sinh hoạt cho người dân các huyện phía Đông cơ bản đảm bảo.

Hiện những khu vực nguồn nước sinh hoạt yếu đã được các địa phương đề nghị Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang mở các vòi nước công cộng để người dân đến lấy sử dụng miễn phí. Cụ thể đến nay Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang: đã mở 25 vòi công cộng cấp cho người dân gồm: huyện Gò Công Đông 18 vòi; huyện Tân Phú Đông 7 vòi.

voi-nuoc-cong-cong-3.gif
Người dân lấy nước ngọt miễn phí tại các vòi nước công cộng

Đồng thời công ty đã vận hành mở 6 giếng khoan dự phòng khu vực TP Mỹ Tho, 6 giếng khoan dự phòng tại Nhà máy nước Bình Đức và hệ thống bơm bổ cấp nước thô trên kênh Sáu Ầu-Xoài Hột.

Riêng Công ty Cổ phần Nhà máy nước Đồng Tâm những ngày qua đã vận hành Trạm bơm bổ cấp nước thô trên kênh Sáu Ầu-Xoài Hột.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, trong tháng 3-2024, tình hình xâm nhập mặn trên sông Tiền trên địa bàn tỉnh có khả năng sâu hơn. Trên sông Tiền biên mặn 1 g/l sẽ lấn sâu vào nội đồng 52-56km, từ bến đò Bình Đức (cầu Xoài Hột) đến cầu kênh Xáng (vàm kênh Nguyễn Tấn Thành).

dap-tam-ngan-man.gif
Đắp đập tạm ngăn xâm nhập mặn tại các kênh rạch bảo vệ vùng trồng cây ăn trái các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang

Trên sông Hàm Luông mặn lấn qua sông Tiền làm cho độ mặn ở phía Nam của Cù lao Ngũ Hiệp tăng cao, dự báo độ mặn cao nhất ở khu vực phía Nam Cù lao Ngũ Hiệp (vàm Hàm Luông và sông Tiền) ở mức 0,5 -1,5 g/l.

Để chủ động phòng chống xâm nhập mặn thời gian tới, tỉnh Tiền Giang đã chủ động triển khai phương án phòng chống hạn, mặn và đảm bảo cung cấp nước trên địa bàn. Trong đó, thường xuyên theo dõi diễn biến mặn, mực nước thượng nguồn, mực nước nội đồng các vùng dự án của tỉnh; vận hành tốt các công trình phục vụ sản xuất ở các vùng dự án.

Đồng thời phối hợp với các địa phương thông báo tình hình diễn biến xâm nhập mặn để người dân biết, chủ động sản xuất…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm