Chiều 23-9, tại Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn vào mùa khô 2020-2021.
Trong 5 năm gần đây, ĐBSCL đã xảy ra 2 đợt xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô năm 2015, 2020 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 khác với quy luật nhiều năm, xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 3 tháng, sớm hơn so với mùa khô năm 2015-2016 gần 1 tháng.
Thủ tướng thăm vườn sầu riêng sau hạn mặn tại Tiền Giang. Ảnh: Đ.Hà
Thời gian xâm nhập mặn kéo dài hơn 2-2,5 lần so với mùa khô 2015-2016, độ mặn ở vùng các cửa sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông liên tục duy trì ở đỉnh, cao liên tục suốt tháng 2 đến tháng 5, hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể trong các kỳ triều cường thấp, khác với đặc điểm thông thương là tăng theo kỳ triều cường, giảm theo kỳ triều thấp.
Đáng lo ngại, ảnh hưởng của xâm nhập mặn 2019-2020 đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL, phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn với ranh 4g/l là 1.688.600ha chiếm 42,5% diện tích tự nhiên toàn vùng, so với năm 2016 cao hơn 50.376ha.
Thiệt hại hạn hán xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, kéo dài từ cuối năm 2019 tại ĐBSCL vượt lịch sử năm 2016 cả về thời gian và mức độ xâm nhập mặn, 6/13 tỉnh ĐBSCL đã công bố tình huống khẩn cấp do hạn mặn.
Hạn mặn đã làm 58.400 ha lúa bị thiệt hại, 25.120ha cây ăn trái, 96.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt, gây sụt lún nghiêm trọng nhiều tuyến đê, đường giao thông, tổng thiệt hại ước tính trên 3.000 tỉ đồng.
Thủ tướng gặp gỡ bà con nông dân trồng sầu riêng tại Cai Lậy, Tiền Giang. Ảnh: Đ.Hà
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, hiện nay do ảnh hưởng của thiếu hụt lượng mưa trên lưu vực sông Mekong, nguồn nước về ĐBSCL đang bị thiếu hụt, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn ở mức cao đến nghiêm trọng trong mùa khô 2020-2021.
Phá biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu các địa phương ĐBSCL cần chủ động ứng phó hạn mặn với nhiều giải pháp như: tuyên truyền vận động người dân tích trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đồng thời chính quyền địa phương và các ngành các cấp cần chủ động nạo vét kênh mương, đắp các đập tạm tích trữ nước phục vụ người dân.
Thủ tướng chỉ đạo không để hộ dân nào thiếu nước ngọt sinh hoạt trong mùa hạn mặn. Các địa phương phải có kế hoạch, nhiều biện pháp đảm bảo nguồn nước không chỉ cho người dân sinh hoạt mà còn phục vụ tưới cho cây trồng.
Thủ tướng nêu trước hết làm tốt tuyên truyền đến từng hộ gia đình về nguy cơ hạn mặn để ứng phó để người dân hiểu chuyển đổi cây trồng phù hợp, hướng dẫn các địa phương trữ nước theo từng gia đình, từng khu vườn, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, gia đình khó khăn đảm bảo có nước sinh hoạt….
Thủ tướng đánh giá cao bộ NN&PTNT đã cùng với các địa phương hoàn thành các công trình thủy lợi quy mô ở ĐBSCL kiểm soát được độ mặn một số vùng. Thủ tướng nêu sẽ giao các bộ ngành liên quan nghiên cứu chính sách có kế hoạch để hỗ trợ ĐBSCL phát triển, xử lý các bức xúc về biến đổi khí hậu.
Cạnh đó cùng với chống hạn hán, xâm nhập mặn, các địa phương ĐBSCL cũng cần chú ý đến nhiệm vụ phòng, chống lũ, phải đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân khi có lũ xảy ra.