Ngày 15-5, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết cần khoảng 30.000 tỉ đồng để đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, giải quyết toàn bộ vấn đề nguồn nước tại ĐBSCL khắc phục tình trạng hạn mặn.
Theo đánh giá của ông Hiệp, hạn mặn năm 2019-2020 có những đặc điểm rất lạ, bất thường như đến sớm và sâu hơn, kéo dài hơn so với nhiều năm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: VG
"Đến thời điểm này, toàn bộ sông Hàm Luông ở Bến Tre vẫn bị mặn và chưa bao giờ như vậy. Bình thường chỉ khoảng giữa tháng 4 là hết nhưng nay chúng tôi đang dự báo hết tháng 5 mới có khả năng bắt đầu có mưa từ thượng nguồn và mưa nội địa. Có mưa mới giảm được tình trạng hạn mặn này" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Tuy nhiên, ông Hiệp cho biết nhờ dự báo đúng và rất sớm, chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống hạn mặn nên đến thời điểm này thiệt hại giảm thiểu ở mức tốt nhất.
Về nước sạch, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho hay có khoảng 96.000 hộ dân thiếu nước nhưng đã có giải pháp ngay từ đầu nên không hộ dân nào không có nước sạch để sử dụng. Sản xuất, kinh doanh cũng không bị ảnh hưởng.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm, Bộ NN&PTNT đang đầu tư 11 hệ thống công trình thủy lợi tại ĐBSCL, trong đó có năm công trình đã đưa vào sử dụng sớm trước từ 5 đến 14 tháng trong đợt này.
Các công trình còn lại đang đầu tư và đẩy mạnh triển khai, như cống Cái Lớn - Cái Bé để điều tiết mặn ngọt cho toàn bộ tỉnh Hậu Giang, một phần tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.
Về trung hạn, từ năm 2021-2025, Bộ NN&PTNT đang bàn với các tỉnh về việc tập trung đầu tư các hệ thống thủy lợi liên vùng, vừa góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, vừa khắc phục được tình trạng hạn mặn.
Theo đó, ngành sẽ đầu tư giai đoạn 1 của cống Cái Lớn - Cái Bé và cùng Cà Mau nghiên cứu chuyển nước ngọt cho tỉnh này.
"Các hệ thống liên tỉnh mà chúng tôi đầu tư sẽ nhắm đến mục tiêu điều tiết các nguồn nước, cố gắng đến năm 2025 sẽ khắc phục cơ bản tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Xa hơn, chúng tôi phấn đấu đến năm 2030 sẽ giải quyết được câu chuyện này" - Thứ trưởng Hiệp nhấn mạnh.
"Dự kiến ngân sách nhà nước bỏ ra khoảng 30.000 tỉ đồng; cùng với đó Bộ NN&PTNT đang bàn với World Bank, ADB để có một số nguồn vốn vay giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt ở ĐBSCL" - ông Hiệp chia sẻ.