Hàn Quốc đau đầu giải bài toán rác thải nhựa

(PLO)- Sự tồn tại của núi rác nhựa hàng chục nghìn tấn ở Asan cho thấy thực trạng rằng chính quyền Hàn Quốc vẫn đang phải đau đầu tìm phương hướng giải quyết lượng rác thải nhựa ngày một tăng qua từng năm.

Tại một bãi tái chế rác thải nhựa đã ngừng hoạt động ở TP Asan (Hàn Quốc), cách TP Seoul khoảng 85 km về phía nam, một núi rác thải nhựa nghiền mịn khoảng 19.000 tấn chưa qua xử lý đang chất đống, bốc ra mùi hôi khó chịu. Các quan chức địa phương cho biết chủ bãi đã gặp vấn đề về tài chính, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết, theo hãng tin Reuters.

"Có lẽ phải mất hơn 2-3 tỉ won (1,43 - 2,14 triệu USD) để di dời" - một viên chức chính quyền khu vực Asan cho biết.

Sự tồn tại của núi rác nhựa hàng chục nghìn tấn này cho thấy thực trạng rằng chính quyền Hàn Quốc vẫn đang phải đau đầu tìm phương hướng giải quyết rác thải nhựa. Việc này càng gấp rút hơn trong bối cảnh lượng rác thải nhựa ở quốc gia Đông Á này ngày một tăng qua từng năm.

Những bao rác thải nhựa vụn không được xử lý đang được chất đống tại một bãi tái chế đã đóng cửa ở TP Asan (Hàn Quốc) ngày 19-11. Ảnh: REUTERS

Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng rác thải nhựa của Hàn Quốc tăng 31% trong ba năm, từ 9,6 triệu tấn vào năm 2019 lên 12,6 triệu tấn vào năm 2022. Nguyên nhân một phần do việc sử dụng bao bì nhựa đựng thực phẩm, quà tặng cũng như các đơn đặt hàng trực tuyến tăng vọt trong thời gian đại dịch.

Khó khăn chồng khó khăn

Hàn Quốc cho biết tỷ lệ tái chế rác thải nhựa của nước này đạt 73%, cao hơn hẳn so với nhiều nước, và quốc gia này có thể trở thành hình mẫu cho phương pháp quản lý rác thải nhựa cho thế giới, theo Reuters.

Tạp chí khoa học MIT Technology Review cũng đã từng đánh giá Hàn Quốc là "một trong những nền kinh tế tái chế tốt nhất thế giới" và là quốc gia châu Á duy nhất nằm ở hạng 10 theo Chỉ số Tương lai Xanh năm 2022, và hạng 8 theo chỉ số năm 2023.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì môi trường và các nhà nghiên cứu trong ngành quản lý chất thải cho rằng số liệu tái chế chưa phản ánh hết toàn bộ câu chuyện.

Reuters dẫn lời của nhà nghiên cứu Seo Hee-wo thuộc Trung tâm Biến đổi Khí hậu - một nhóm hoạt động vì môi trường có trụ sở tại TP Seoul rằng con số 73% chỉ tính lượng rác thải nhựa được đưa đến cơ sở sàng lọc tái chế, chưa thể xác định con số chính xác được tái chế, hay được đốt hay được chôn lấp.

Tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế Greenpeace ước tính Hàn Quốc chỉ mới tái chế được 27% tổng lượng rác thải nhựa của nước này.

Bộ Môi trường của Hàn Quốc cho biết định nghĩa về rác thải, phương pháp tái chế và tính toán thống kê khác nhau giữa các quốc gia đã khiến việc đánh giá thống nhất trở nên khó khăn.

Các quy định của chính phủ Hàn Quốc về sản phẩm nhựa dùng một lần cũng được cho là chưa nhất quán. Vào tháng 11-2023, Bộ Môi trường đã nới lỏng các hạn chế đối với nhựa dùng một lần bao gồm ống hút và túi nhựa, bãi bỏ các quy định mà họ đã siết chặt chỉ một năm trước đó.

Núi rác thải nhựa vụn không được xử lý tại một bãi tái chế đã đóng cửa ở TP Asan (Hàn Quốc) ngày 19-11. Ảnh: REUTERS

Giám đốc Viện Kinh tế và Xã hội Lưu thông Tài nguyên Hong Su-yeol - một chuyên gia về quản lý chất thải nhận định rằng Hàn Quốc "thiếu các mục tiêu cụ thể hướng tới việc giảm thiểu hoàn toàn việc sử dụng nhựa và tái sử dụng nhựa".

Những nỗ lực mới

Chính phủ Hàn Quốc hiện đã có một số động thái mới nhằm khuyến khích các công ty nước này tái chế rác thải nhựa, bao gồm các công ty trong ngành công nghiệp hóa dầu. Trong đó, Hàn Quốc đã cho phép các công ty tạo ra naphtha - nguyên liệu chính để sản xuất nhựa - bằng cách nhiệt phân nhựa tái chế, khiến nhựa bị phân hủy thành các phân tử có thể được tái tổng hợp lại.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 hôm 19-11 rằng "cũng cần phải nỗ lực giảm ô nhiễm nhựa" vì sự phát triển bền vững, theo Reuters.

Ông nhấn mạnh chính phủ của ông sẽ ủng hộ các cuộc đàm phán cuối cùng của Ủy ban Đàm phán liên chính phủ (INC-5). Hoạt động đàm phán của INC-5 dự kiến diễn ra tại TP Busan (Hàn Quốc) vào tuần sau, nhằm tiến tới một thỏa thuận chung toàn cầu giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới