Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày qua xuất hiện nhiều diễn biến mới liên quan thông tin Triều Tiên đưa quân tới Nga và việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới Hwasong-19.
Hàn Quốc và EU kêu gọi Triều Tiên rút quân khỏi Nga
Trong cuộc họp “Đối thoại chiến lược” đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc tổ chức tại thủ đô Seoul ngày 4-11, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell và Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul lên án “việc chuyển giao vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên cho Nga để sử dụng vào mục đích tấn công Ukraine”, theo hãng tin Reuters.
Hai bên cũng kêu gọi chấm dứt “sự hợp tác quân sự phi pháp”. Bên cạnh đó, Hàn Quốc và EU kêu gọi Triều Tiên rút quân khỏi Nga.
Mỹ, Nga, Ukraine cáo buộc Triều Tiên gửi quân sang Nga để tham chiến ở Ukraine. Moscow và Bình Nhưỡng bác bỏ thông tin này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha tiếp người đồng cấp Đức Annalena Baerbock thăm Kiev. Hai bên đã thảo luận về “nhu cầu hành động quyết đoán” để đáp trả sự tham gia của Triều Tiên trong xung đột Nga-Ukraine.
“Chúng tôi kêu gọi châu Âu nhận ra rằng quân đội Triều Tiên đang tiến hành một cuộc chiến ở châu Âu chống lại một quốc gia có chủ quyền ở châu Âu” - ông Sybiha nói.
Cũng trong ngày 4-11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng các chỉ huy cấp cao Ukraine đã xem xét báo cáo tình báo về sự hiện diện của quân đội Triều Tiên tại Nga.
“Đã có 11.000 người Triều Tiên ở tỉnh Kursk (Nga). Chúng tôi thấy số binh sĩ Triều Tiên tăng lên, nhưng không thấy phản ứng từ các đối tác của chúng tôi tăng lên” - ông Zelensky nói.
HĐBA họp về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
Ngày qua, Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) họp về vụ Triều Tiên phóng thử ICBM Hwasong-19 hôm 31-10. ICBM Hwasong-19 được truyền thông Triều Tiên đánh giá là tên lửa "tối thượng", "mạnh nhất thế giới".
Tại cuộc họp, Mỹ đã chỉ trích Nga và Trung Quốc vì bảo vệ Triều Tiên và khuyến khích Bình Nhưỡng vi phạm thêm các lệnh trừng phạt của LHQ.
Nga và Trung Quốc bác bỏ phát biểu của phía Mỹ.
Phó đại sứ Nga tại LHQ Anna Evstigneeva cáo buộc các quốc gia triệu tập cuộc họp (gồm Mỹ, Pháp, Nhật, Malta, Hàn Quốc, Slovenia và Anh) đã “bôi xấu” Triều Tiên để duy trì “các biện pháp trừng phạt không hiệu quả” và biện minh cho “các bước đi hung hăng” của Mỹ và đồng minh trong khu vực.
“Chúng tôi một lần nữa muốn lưu ý rằng HĐBA phải xem xét lại cơ bản các cách tiếp cận của mình để đưa tình hình thoát khỏi bế tắc chứ không phải khiến nó trở nên tồi tệ hơn” - theo bà Evstigneev.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Phó Thông cho rằng HĐBA cần sự đoàn kết chứ không phải chia rẽ.
“HĐBA nên đóng vai trò xây dựng trong vấn đề bán đảo Triều Tiên và thực hiện các biện pháp cụ thể để hạ nhiệt tình hình và tăng cường lòng tin lẫn nhau, thay vì chỉ áp đặt các biện pháp trừng phạt và gây sức ép” - ông Phó nói.
Về phía Bình Nhưỡng, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Kim Song nói rằng nước này sẽ đẩy nhanh việc xây dựng lực lượng hạt nhân để “chống lại mọi mối đe dọa từ các quốc gia thù địch sở hữu vũ khí hạt nhân”.
“Mối đe dọa hạt nhân của Mỹ đối với Triều Tiên đã đạt đến điểm tới hạn về quy mô và mức độ nguy hiểm. Do những động thái liều lĩnh của Mỹ, tình hình đang tiến gần đến bờ vực chiến tranh” - ông Kim nhấn mạnh.
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo trước thềm bầu cử Mỹ
Sáng 5-11, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) nói rằng Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo không xác định ra vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Vụ phóng diễn ra ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, theo hãng thông tấn Yonhap.
JCS cho biết đã phát hiện ra vụ phóng nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết, chỉ nói rằng quá trình phân tích đang được tiến hành.