Ngày 20-6, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết họ sẽ loại bỏ các "câu hỏi hóc búa" trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở nước này, theo hãng thông tấn Yonhap.
Hằng năm, hơn 500.000 học sinh tham gia kỳ thi Suneung với thời gian kéo dài đến 9 giờ. Đây là kỳ thi quan trọng, quyết định việc học đại học, nghề nghiệp và thậm chí cả tương lai hôn nhân của học sinh.
Đề thi đại học đưa vào những "câu hỏi hóc búa" nhằm chọn ra những học sinh xuất sắc nhất. Các câu hỏi này không thể trả lời chỉ bằng kiến thức trong chương trình giảng dạy tại các trường công lập. Chính vì vậy, phụ huynh và học sinh đã đổ xô đến các trung tâm dạy thêm Hagwons mặc dù học phí rất cao.
|
Học sinh chờ đợi trước khi bắt đầu kỳ thi đại học tại Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: AFP |
Theo thống kê của Hàn Quốc vào năm ngoái, các gia đình ở nước này đã chi hơn 20 tỉ USD cho giáo dục tư nhân. Con số này đồng nghĩa với việc trung bình hàng tháng, phụ huynh sẽ chi 320 USD cho mỗi học sinh.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục - ông Lee Ju-ho cho biết các quan chức trong hệ thống giáo dục chưa giải quyết được vấn đề về mức độ phân loại các câu hỏi trong bài thi đại học. Vì vậy, chính phủ chỉ có thể khoanh tay đứng nhìn sự phát triển bùng nổ của giáo dục tư nhân.
Vào hôm 19-6, ông Lee nói rằng: “Tôi sẽ làm mọi thứ có thể trong khả năng của một bộ trưởng bộ giáo dục”.
Trong hệ thống giáo dục mang nặng tính cạnh tranh của Hàn Quốc, áp lực thành tích đang đè lên vai học sinh. Nước này có số lượng thanh thiếu niên trầm cảm và tỉ lệ tự tử thuộc hàng cao nhất trên thế giới.