Ngày 19-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự quan ngại liên quan việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật sang Belarus, theo hãng Reuters. Cụ thể, ông Biden cảnh báo mối đe dọa từ việc Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật mà Nga đã triển khai ở Belarus là có thật.
“Khi tôi ở đây hai năm trước và nói rằng tôi lo ngại về việc sông Colorado sẽ khô cạn, mọi người nhìn tôi như thể tôi bị điên. Họ cũng nhìn tôi như vậy khi tôi nói rằng tôi lo lắng về việc ông Putin sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. [Nhưng] điều đó là có thật” - ông Biden phát biểu trước các nhà tài trợ tại bang California (Mỹ) hôm 19-6.
Phía Nga và phía Belarus chưa bình luận về phát ngôn này của ông Biden.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2021. Ảnh: REUTERS |
Tổng thống Biden có phát ngôn trên sau khi Tổng thống Belarus - ông Alexander Lukashenko vào tuần trước thông báo nước này đã bắt đầu nhận được một số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga. Trong số đó có một số đầu đạn mạnh gấp 3 lần so với những quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật vào năm 1945.
Sau đó, ông Putin xác nhận rằng các đầu đạn hạt nhân đầu tiên của nước này đã được chuyển đến Belarus và phần còn lại sẽ được triển khai vào cuối năm nay, theo hãng thông tấn TASS.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh biện pháp này sẽ có tác dụng răn đe đối với bất cứ ai “đang nghĩ đến việc tấn công Nga một cách chiến lược”. Tuy nhiên ông Putin lưu ý rằng Nga không cần phải dùng đến vũ khí hạt nhân vào lúc này, bởi Moscow chỉ kích hoạt kho vũ khí hạt nhân nếu đối mặt với mối đe dọa hiện hữu.
Đây là lần đầu tiên Nga triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ nước này kể từ khi Liên Xô tan rã.
Hôm 17-6, Tổng thống Biden đã chỉ trích hành động trên của Tổng thống Putin là "hoàn toàn vô trách nhiệm". Dù vậy, Mỹ tuyên bố không có ý định điều chỉnh tư thế hạt nhân chiến lược của nước này và cũng không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.