Hàng chục hộ dân làm đơn xin thoát nghèo

(PLO)- Hàng chục hộ dân Ba Na ở Kon Tum chủ động làm đơn xin không hưởng chế độ hộ nghèo, vươn lên bằng sức lực của mình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hàng chục hộ dân người Ba Na tại huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đã mạnh dạn làm đơn xin không hưởng các chế độ hộ nghèo. Họ nói rằng cần phải thoát nghèo bằng nội lực, không muốn dựa mãi vào sự hỗ trợ từ chính quyền với cái “mác” hộ nghèo.

Thoát nghèo để làm gương

Ngày cuối tuần tháng 2, trong cái nắng oi ả đầu mùa khô, ông A Huêng, làng Kon Klơng, xã Đắk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, đang chăm sóc đàn cá koi quý giá. Ông bảo lúc mới làm nhà xong, thấy trước nhà trống trải quá nên xây thêm cái bể nuôi cá cho vui.

Già làng A Huêng nói mình phải làm gương xin thoát nghèo. Ảnh: LÊ KIẾN

Già làng A Huêng nói mình phải làm gương xin thoát nghèo. Ảnh: LÊ KIẾN

Từ ngày thả cá koi, bà con trong làng tụ tập lại nhà đông hẳn ra. Có người khuyên ông mở quán cà phê bán cho thanh niên trong làng nhưng ông Huêng nói không biết kinh doanh là gì nên chưa dám làm.

Ở tuổi 56, ông A Huêng là người có uy tín, được nhiều người tin tưởng bầu làm già làng. Cách đây hai năm, ông nổi tiếng hơn khi mạnh dạn làm đơn xin không hưởng chính sách hộ nghèo. Và nay gia đình ông đã thực sự thoát hẳn cái nghèo.

Căn nhà mới xây 600 triệu đồng của già làng A Huêng. Ảnh: LK.
Căn nhà mới xây 600 triệu đồng của già làng A Huêng. Ảnh: LK.

Già làng A Huêng chia sẻ: Từ nhiều năm trước, gia đình ông luôn nằm trong danh sách hộ nghèo, đặc biệt khó khăn ở địa phương. Vợ chồng ông làm bao nhiêu cũng không đủ nuôi đàn con 10 đứa, đứa lớn 25 tuổi, đứa nhỏ nhất mới lên ba.

“Mình là già làng nên mình phải làm gương cho bà con, không nên trông chờ, ỷ lại mãi vào Nhà nước. Vì vậy nên mạnh dạn xin thoát nghèo, cố gắng làm ăn để không còn nghèo nữa” - ông A Huêng nói.

Ông A Leng cũng mạnh dạn xin thoát nghèo và không còn tái nghèo nữa. Ảnh: LÊ KIẾN

Ông A Leng cũng mạnh dạn xin thoát nghèo và không còn tái nghèo nữa. Ảnh: LÊ KIẾN

Sau khi làm đơn không hưởng chính sách hộ nghèo, gia đình ông A Huêng trúng đậm vụ mì và dành dụm thêm tiền xây căn nhà mới 600 triệu đồng khang trang. Đến nay, gia đình ông đã có hơn 4 ha mì, mấy sào lúa, còn nuôi bò, dê, gà và cây ăn quả để tăng thêm thu nhập.

Nằm ở cuối làng, gia đình ông A Leng đến nay đã dựng được ngôi nhà khá khang trang. Là một trong những người tiên phong xin thoát nghèo của xã Đắk Tờ Re, quanh căn nhà, ông chủ động trồng rau xanh và đào ao nuôi cá để phục vụ ăn uống hằng ngày, giảm đi chợ tốn kém.

“Còn phải nuôi bốn đứa con, cũng còn nhiều khó khăn đấy. Nhưng vợ chồng mình cố gắng làm thêm 4 ha mì, mấy sào lúa, nuôi bò, nuôi gà nên không lo tái nghèo nữa” - ông A Leng bày tỏ.

Giao cán bộ giúp dân thoát nghèo

Bà Trần Thị Phụng, Phó Chủ tịch xã Đắk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, cho biết xã này có khoảng 40 hộ làm đơn, xung phong xin thoát nghèo. “Những hộ này đều có ý thức cố gắng. Từ khi xin thoát nghèo đến nay thì kinh tế khá hơn trước, không còn tái nghèo nữa” - bà Phụng thông tin.

Việc hộ nghèo chủ động xin thoát nghèo là dấu hiệu tích cực, có ý nghĩa giúp thay đổi nhận thức của người dân, không còn tâm lý ỷ lại. Ban đầu xuất phát từ tinh thần tự giác, rồi những hộ nghèo khác nhìn nhau để phấn đấu, làm gương.

Ông VÕ VĂN LƯƠNG, Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, Kon Tum

Theo bà Phụng, người dân ý thức được không thể làm hộ nghèo mãi được. Để hỗ trợ, chính quyền thường xuyên giới thiệu, hướng dẫn những mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi mới. Nhờ vậy, toàn xã này chỉ 255 hộ nghèo.

Theo ông Võ Văn Lương, Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, Kon Tum, ngoài tiếp tục đảm bảo chính sách cho người nghèo, chính quyền địa phương cũng quan tâm, theo dõi xem các hộ đã xin thoát nghèo có bền vững không. Từ đó định hướng giao cho các địa phương, các ngành có biện pháp quan tâm, động viên, khuyến khích phù hợp.

Nhiều người dân học theo ông A Huêng xin thoát nghèo.
Nhiều người dân học theo ông A Huêng xin thoát nghèo.

Trên địa bàn huyện Kon Rẫy, từng hộ nghèo đều có cán bộ, đảng viên phụ trách theo dõi. Hằng năm, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là phải có đánh giá đã làm được gì cho hộ nghèo trên địa bàn do mình quản lý.

“Đối với hộ nghèo, đặc biệt là những hộ xin thoát nghèo phải đặc biệt quan tâm, hỗ trợ về mặt tinh thần lẫn vật chất. Hằng tháng, hằng quý, cán bộ phải thường xuyên xuống gặp để động viên, hướng dẫn.

Mỗi lần tôi đi cơ sở, ít nhất cán bộ phụ trách phải trả lời được tại sao lại nghèo, anh đã giúp được gì cho hộ nghèo đó, năm qua có bao nhiêu hộ thoát nghèo... Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ trong năm” - ông Lương nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm