Hàng hóa đứng im bất chấp giá xăng

Ngày 21-1, Bộ Công Thương đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm giá các mặt hàng xăng dầu từ 16 giờ cùng ngày. Đồng thời quyết định cho phép DN tăng mức trích quỹ bình ổn giá 300 đồng/lít (từ 500 đồng/lít, kg lên 800 đồng/lít, kg).

Giảm gần 10.000 đồng/lít xăng sau nửa năm

Ngay sau khi có công văn yêu cầu giảm giá của Bộ Công Thương, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã công bố mức giá mới. Giá xăng giảm 1.900 đồng/lít, xăng RON 92 còn 15.670 đồng/lít; dầu diesel giảm 1.460 đồng/lít xuống 15.170 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.500 đồng xuống 15.610 đồng/lít và dầu madut giảm 1.080 đồng/kg còn 12.220 đồng/kg. Như vậy, đây là lần giảm giá xăng lần thứ 15 liên tiếp nếu tính từ tháng 7-2014 với tổng mức giảm là 9.520 đồng/lít.

Bộ Công Thương cho biết thời gian qua giá xăng dầu thế giới liên tục đi xuống. Xăng RON92 bình quân là 53,889 USD/thùng; dầu diesel là 62,493 USD/thùng, dầu hỏa là 63,096 USD/thùng và dầu madut là 273,763 USD/tấn. Căn cứ nguyên tắc tính giá cơ sở tại Nghị định 83/2014 thì giá bán lẻ đang cao hơn giá cơ sở 1.078-1.897 đồng/lít, kg xăng dầu. Do vậy Bộ Công Thương quyết định giảm giá xăng dầu theo mức tương ứng chênh lệch đó.

Qua 15 lần giảm giá xăng tính từ tháng 7-2014, hiện giá xăng A92 đã giảm từ mức 25.640 đồng/lít xuống chỉ còn 15.670 đồng/lít. (Ảnh chụp chiều 21-1, các cây xăng đã điều chỉnh theo giá mới) Ảnh: Q.HUY

Khuyến mãi trong khi chờ… giảm giá

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nêu thực tế suốt thời gian qua, dù giá xăng giảm rất mạnh nhưng giá cả hàng hóa khác hầu như đứng im. Thậm chí một số mặt hàng lương thực, thực phẩm lại còn tăng giá dịp gần tết. Ông Phú dẫn chứng giá trứng bán tại các siêu thị hiện nay vẫn ở mức 4.000-5.000 đồng/quả, trong khi tại nơi sản xuất chỉ bán được với giá 1.000-2.000 đồng/quả.

Đại diện Lotte Mart cho biết vẫn chưa nhận được thông báo giảm giá sản phẩm của các nhà cung cấp nào. Vì vậy siêu thị chủ động thực hiện một số chương trình khuyến mãi, bán giá ưu đãi, giá sốc, bốc thăm trúng thưởng... cho khách hàng một số mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu như dầu ăn, bia, nước ngọt, bánh hộp, nồi, chảo, bếp điện từ,…

“Hàng hóa dịch vụ phải dựa trên sự tính toán, kiểm tra rõ ràng chứ không thể nói miệng là giảm được. Mục tiêu của kinh doanh là lợi nhuận nên cơ quan quản lý phải chỉ ra được giá nào là bất hợp lý mới có thể buộc các đơn vị sản xuất, kinh doanh giảm giá hàng hóa” - ông Vũ Vinh Phú kiến nghị.

Phí vận chuyển giảm không đáng kể

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết dù giá xăng giảm liên tục nhưng phí vận chuyển giảm không đáng kể và hàng hóa không chịu sự tác động bởi giá xăng dầu giảm.

Bà Hà kể thêm, khi hỏi thương nhân về việc phí vận chuyển giảm được bao nhiêu so với giá xăng giảm, hầu như họ đều lắc đầu, một vài người cho biết nếu có kỳ kèo thì cũng không giảm chi phí được bao nhiêu. Theo bà Hà, do việc siết tải trọng nên giá xăng dầu giảm mà phí vận chuyển không thay đổi nên hàng hóa khó giảm.

Cần tạo áp lực giảm cước vận tải

TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng cơ quan quản lý phải có áp lực nào để buộc các đối tượng DN vận tải phải điều chỉnh giá. “Cước vận tải mỗi khi xăng lên giá đều tăng nhanh nhưng khi giá xăng xuống lại ì ạch giảm nhỏ giọt; bỏ mặc cho giá xăng dầu giảm đơn độc” - ông Long nêu thực tế. Ông Long cho rằng các DN không bao giờ từ bỏ lợi ích kinh doanh với người tiêu dùng nên phải cần có sự vào cuộc mạnh của các bộ, ngành. Chẳng hạn như áp dụng biện pháp hành chính (thanh tra, kiểm tra), đề xuất Bộ GTVT đưa cước vận tải vào diện bình ổn giá.

Tăng cường kiểm tra giá cước vận tải

Chiều 21-1, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ GTVT và các địa phương về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô. Cùng với đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá cước vận tải ô tô trên địa bàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm