Hàng hoá rủ nhau tăng giá sau khi thuế VAT tăng trở lại

(PLO)-  Từ 1-1-2023, nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá khi thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng trở lại, từ 8% lên 10%.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đã làm giảm giá bán của một số hàng hoá trên thị trường, qua đó làm tăng sức mua, góp phần tạo điều kiện doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, đồng thời còn giảm áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2023, chính sách giảm 2% thuế VAT hết hiệu lực. Các loại hàng hóa, dịch vụ trước đó được giảm thuế giá trị gia tăng quay trở lại mức thuế suất cũ là 10%. Kéo theo đó, hàng loạt mặt hàng cũng rủ nhau tăng giá, đặc biệt là ngay trong thời điểm Tết nguyên đán 2023 đã cận kề, nhu cầu mua sắm của người dân ở mức cao.

Hàng hoá rủ nhau tăng giá

Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ cửa hàng tạp hoá Quân Hoa (Hà Đông, Hà Nội) cho biết rất nhiều mặt hàng đã tăng giá.

Người dân mua sắm tại siêu thị dịp cuối năm. Ảnh: AH

Người dân mua sắm tại siêu thị dịp cuối năm. Ảnh: AH

Đơn cử như nước mắm Chinsu cá hồi đang từ 40.000 đồng/chai thuỷ tinh 500ml tăng lên 45.000 đồng/chai. Tương ớt đang có giá 24.000 đồng/chai lên 25.000 đồng. Mỳ tôm tăng rất mạnh. Mỳ Hảo Hảo đang bán ra là 122.000 đồng/thùng thì tăng lên 125.000 đồng/thùng, mỳ Omachi tăng từ 215.000 đồng/thùng tăng lên 220.000-225.000 đồng/thùng.

Bột mỳ đang 10.000 đồng/gói tăng giá lên 12.000 đồng/gói, khối lượng không đổi. Phở Cung Đình đang bán 215.000 đồng/thùng cũng tăng lên 250.000 đồng/thùng. Sữa cũng tăng giá, như sữa Cô gái Hà Lan từ 305.000 đồng/thùng tăng lên 330.000 đồng/thùng…

Đặc biệt, chị Nguyễn Thị Dung (chủ một cửa hàng tạp hoá ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết một số mặt hàng còn có hai lần tăng kép, vừa tăng do thuế VAT, vừa tăng do chính sách của nhà sản xuất.

“Phía nhà sản xuất đều nêu lý do là đầu vào mua nguyên vật liệu sản xuất tăng giá. Và lẽ ra từ 1-1-2023 thuế VAT trở lại mức 10% thì hàng hoá mới tăng trở lại theo thuế, nhưng có những mặt hàng đã tăng từ trước Tết Dương lịch khoảng chục ngày. Chúng tôi nhập hàng cũng thấy hoảng, không nghĩ là giá lại tăng lên nhiều như thế” - chị Dung cho hay.

Chị Phạm Thị Thuỷ (công nhân khu công nghiệp Thanh Oai, Hà Nội) cũng giật mình khi thấy giá hàng hoá tăng liên tục, nhất là khi Tết Nguyên đán đang cận kề, nhu cầu mua sắm hàng hoá tăng cao.

“Giá mặt hàng nào cũng tăng, từ đồ khô đến đồ tươi. Trong khi công việc ở nhà máy khó khăn, công ty không nhận được nhiều đơn hàng nên cắt giảm giờ làm nhiều. Tình hình này chỉ còn cách chắt bóp chi tiêu, chỉ mua sắm những hàng hoá thật sự cần thiết cho gia đình thôi” - chị Thuỷ tâm sự.

Có nên tiếp tục giảm thuế VAT?

Trước tình hình trên, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ nên kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2% và một số loại thuế khác như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt… đối với mặt hàng xăng dầu nhằm ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng việc giảm thuế ở thời điểm hiện tại cần cân nhắc thêm. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng với giá xăng dầu như hiện nay khoảng 70-90 USD/thùng thì nền kinh tế của ta vẫn chưa chịu tác động quá lớn, nên việc xem xét giảm thuế để giảm giá xăng dầu cần phải xem xét cẩn trọng.

“Nếu ít nữa giá xăng dầu tăng cao hơn thì chúng ta lấy phương án nào để đối phó? Vừa rồi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu như thế là đã quá tốt rồi” - ông Thịnh nêu ý kiến.

Đối với thuế VAT, ông Thịnh cho rằng việc giảm 2% thuế VAT trong năm 2022 là rất tốt, đảm bảo được việc giảm giá hàng hoá, kích thích tiêu dùng, sản xuất, cũng giảm được lạm phát. Tuy nhiên thời gian giảm thuế VAT trong năm 2022 đã hết từ thời điểm 31-12-2022, thì việc giảm thuế này cũng nên chấm dứt. Nếu trong năm 2023 có vấn đề gì thì lúc đó Chính phủ sẽ có đề xuất và Quốc hội xem xét dựa trên tình hình thực tế cụ thể khi đó.

“Chúng ta cần xem xét điều kiện kinh tế thực tế trong năm 2023, nếu cần nhà nước hỗ trợ thì nên hỗ trợ tập trung theo ngành, theo đối tượng” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm