Đắk Nông:

Hàng loạt cán bộ bị phát hiện dùng bằng giả

Tỉnh Đắk Nông vừa rà soát và phát hiện một loạt cán bộ chủ chốt từ cấp xã, huyện sử dụng bằng giả, hoặc chưa có bằng cấp III nhưng vẫn ghi trình độ 12/12.

UBKT huyện ủy Tuy Đức (Đắk Nông) xác minh việc sử dụng bằng giả tại xã Quảng Tân.

Một loạt cán bộ không học vẫn có bằng

UBKT tỉnh Đắk Nông vừa tiến hành kỷ luật về mặt Đảng đối với ông Lê Minh Quý - thượng tá, phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Nông do ngụy tạo hồ sơ, sử dụng bằng giả. Ông Quý bị kỷ luật cách chức uỷ viên thường vụ và ủy viên Uỷ ban kiểm tra Đảng ủy Phòng tham mưu, trực thuộc Đảng bộ Quân sự tỉnh Đắk Nông. Ngoài ra, UBKT tỉnh còn yêu cầu ban thường vụ Đảng ủy quân sự tỉnh xử lý kỷ luật về mặt chính quyền đối với ông Quý.

Theo đó, ông Quý (SN 1972, quê quán ở xã Tam Phú, huyện Tam Kỳ, Quảng Nam) nhập ngũ năm 1992. Từ năm 1998 - 2001, ông Quý công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Lắk cũ, nay là tỉnh Đắk Nông). Quá trình công tác, ông Quý bị người dân tố cáo dùng bằng THPT (hệ bổ túc) giả để công tác, đi học. Ông Quý khai đã hoàn thành việc học bổ túc cấp 3 và được cấp bằng tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) tại trung tâm GDTX quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh). Ông Quý dùng bằng tốt nghiệp THPT trên để đi học các lớp trung cấp, đại học và được bổ nhiệm các chức vụ.

Quá trình xác minh theo đơn thư tố cáo của công dân, UBKT tỉnh đã yêu cầu ông Quý viết tường trình. Ông Quý một mực khăng định đã học và tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) tại trung tâm GDTX quận Thủ Đức, khóa thi ngày 5/6/2001, và được cấp bằng ngày 15/10/2001. Ông Quý cung cấp học bạ do bà Lê Thị Minh Nguyệt - giám đốc trung tâm GDTX quận Thủ Đức, ký nhận xét từng năm học. Tuy nhiên, qua xác minh, UBKT tỉnh nhận được trả lời từ trung tâm GDTX quận Thủ Đức, từ năm 1998 - 2000, không có ai làm làm giám đốc có tên như ông Quý khai. Bên cạnh đó, cách ghi chép, trình bày trong học bạ cũng không đúng quy chế giáo dục thường xuyên. Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cũng có trả lời, khóa thi 5/6/2001 không có học viên tên Lê Minh Quý; mẫu phôi bằng cũng không đúng quy định của Bộ GD ĐT. Năm 2011, ông Quý bị kỷ luật cảnh cáo do vi phạm trong công tác quản lý.

Một vụ làm giả bằng cấp khác cũng làm rúng động dư luận tỉnh Đắk nông xảy ra tại huyện Tuy Đức. Đó là, trước thềm đại hội, qua rà soát nhân sự huyện ủy phát hiện 10 cán bộ xã Quảng Tân sử dụng bằng cấp III giả. Các cán bộ vi phạm đều nắm giữ các vị trí chủ chốt tại địa phương như phó bí thư, phó chủ tịch UBND xã, chủ tịch hội nông dân, hội phụ nữ, trưởng công an xã, công an viên...

Ông Trần Đình Mạnh, Bí thư huyện ủy Tuy Đức cho biết, những cán bộ này tuy sử dụng bằng "bất hợp pháp", nhưng có thời gian gắn bó với địa phương từ rất lâu, và cũng có nhiều đóng góp. Họ đều học hết cấp 3 nhưng thi không đậu. Sau đó, bằng nhiều hình thức, các cán bộ này xin phúc khảo từ trượt thành đậu. Cũng theo ông Mạnh, hiện huyện ủy thống nhất không bố trí các cán bộ sai phạm vào các vị trú chủ chốt mà bố trí một công việc phù hợp với trình độ, học vấn, sau đó vận động đi học để bổ túc các bằng cấp theo quy định.

Trong khi đó, ông Hoàng Tiến Khang - Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tân thì cho biết, do các cán bộ bị phát hiện vi phạm và bị rút khỏi cơ cấu nhân sự ngay trước giờ đại hội nên vừa rồi chỉ bầu được 9/15 đồng chí vào ban chấp hành nhiệm kỳ mới. Do đó, ban chấp hành đảng bộ xã nhiệm kỳ này không có đảng viên nắm giữ các chức vụ chủ chốt như phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND, trưởng công an xã…

Lùm xùm chủ tịch huyện không có bằng cấp III

Một vụ tố cáo khác liên quan đến cán bộ không có bằng cấp III nhưng vẫn làm chủ tịch huyện đang khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi. Người bị tố cáo là ông Phan Đình Hiến (phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND huyện Đắk Song).

Theo kết quả thẩm tra và khảo sát đơn tố cáo của người dân gửi UBKT, ông Hiến có trình độ văn hóa 9/12 nhưng lại ghi trong lý lịch là 12/12. Theo đó, ông Phan Đình Hiến (51 tuổi, quê ở xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) sau khi tốt nghiệp hệ THCS, từ năm 1979 - 1982, đã tham gia học Trung cấp lâm nghiệp trung ương 3 (đóng tại huyện Nghĩa Bình, tỉnh Quảng Ngãi). Ông Hiến sau đó về làm kiểm lâm tại tỉnh Đắk Lắk, đến năm 1998, ông Hiến tham gia học ngành lâm sinh (hệ tại chức) tại trường Đại học Tây Nguyên.

"Về trình độ, bằng tốt nghiệp THCN của ông Hiến được xác định tương đương với trình độ văn hóa THPT theo Quyết định số 1003/QĐ-THCN ngày 28/8/1988 của Bộ trưởng bộ giáo dục, vụ trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Về quy định, ông Hiến chỉ mới học hết bậc THCS thì chỉ được ghi trình độ văn hóa 9/12. Việc ông Hiến ghi trình độ văn hóa 12/12 là sai" - vị cán bộ UBKT cho hay.

Theo lãnh đạo UBKT, sau khi kiểm tra, xác minh hồ sơ của ông Hiến, UBKT xác định việc ông Hiến ghi trình độ 12/12 là sai và đã yêu cầu ông này ghi lại trình độ học vấn cho đúng, tuy nhiên, đến nay ông này vẫn chưa sửa chữa hồ sơ theo đúng quy định.

Làm việc với UBKT tỉnh, cơ quan này cũng cho biết, sau khi có đơn tố cáo của người dân, UBND huyện Đắk Song đã chủ động làm văn bản gửi Bộ GD&ĐT xác minh việc học tập của ông Hiến. Vụ trung học chuyên nghiệp và dạy nghề (Bộ GD&ĐT) sau đó có văn bản trả lời bằng tốt nghiệp của ông Hiến là phù hợp. Theo UBKT, việc tự động gửi văn bản yêu cầu trả lời của UBND huyện Đắk Song có thể nói đã "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Trả lời thắc mắc này của phóng viên về vấn đề trên, một lãnh đạo UBKT cho biết, do đơn thư tố cáo ông Hiến chỉ nặc danh nên cơ quan chức năng chỉ tiến hành thẩm tra, khảo sát đơn tố cáo của người dân chứ chưa tổ chức đoàn kiểm tra bằng tốt nghiệp THCN của ông Hiến.

Qua trao đổi với một lãnh đạo huyện ủy Đắk Song, ông này cho biết, qua tìm hiểu, một số người bạn học cùng trường trung cấp lâm nghiệp trung ương 3 với ông Hiến có người có cả bằng tốt nghiệp THCN và THPT (hệ bổ túc), không hiểu sao anh Hiến lại chỉ có bằng THCN. Tuy nhiên, theo UBKT tỉnh này kết luận, ông Hiến chưa vi phạm, nên trong kỳ đại hội sắp đến, ông Hiến vẫn được cơ cấu vào ban chấp hành huyện ủy nhiệm kỳ tới, bầu làm phó bí thư, chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2015-2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm