Theo quy định của Luật Đất đai 2013, các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính đã được Nhà nước giao đất phải chuyển sang hình thức thuê đất từ ngày Luật Đất đai có hiệu lực (1-7-2014).
Đến nay, hàng loạt đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính tại TP.HCM chưa được giao đất, chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa xác định có thuộc đối tượng áp dụng hoặc có được miễn, giảm hay không. Tuy nhiên, các đơn vị này đang có nguy cơ phải nộp và truy thu tiền thuê đất với con số “khủng”.
Truy thu hơn 19 tỉ đồng tiền thuê đất
Cuối tháng 11-2019, Phòng Công chứng số 1 (PCC1) “tá hỏa” khi nhận được thông báo từ Chi cục Thuế (CCT) quận 1 về việc thu tiền sử dụng đất, thuê mặt nước.
Theo đó, CCT quận 1 thông báo cho PCC1 biết việc thuê đất trả tiền hằng năm và truy thu tiền thuê từ ngày 1-7-2014 đến nay, tại địa chỉ khu đất nơi PCC1 sử dụng đặt trụ sở. Tổng số tiền lên đến hơn 19 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng PCC1, cho biết đơn vị nhận thấy cơ sở thu tiền thuê đất còn nhiều điểm bất hợp lý, PCC1 đã có các công văn báo cáo Sở Tư pháp và đề nghị sở làm việc với cơ quan thuế để có hướng tháo gỡ. Văn bản này cũng đồng thời gửi đến Cục Thuế TP và CCT quận 1.
Ông Hòa cho biết trong khi chờ cơ quan chức năng hướng dẫn thì ngày 30-12-2019, CCT quận 1 tiếp tục có công văn về tiền thuê đất tại trụ sở PCC1. Ngày 9-1-2020, PCC1 tiếp tục có văn bản xin ý kiến Sở Tư pháp.
Ông Hòa thông tin thêm, trong buổi làm việc của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu với Sở Tư pháp về chương trình công tác năm 2020, PCC1 cũng đã có báo cáo về vấn đề này. Lãnh đạo TP cho biết, sẽ sớm tháo gỡ vướng mắc này.
Trong khi đó, ngày 16-5, CCT quận 1 tiếp tục ban hành thông báo về tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp, thêm hơn 200 triệu đồng. Hai tuần sau đó, ngày 29-5, CCT quận 1 ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế kèm theo lệnh thu ngân sách nhà nước với tổng số tiền hơn 19,2 tỉ đồng.
Theo đó, CCT quận 1 yêu cầu Kho bạc Nhà nước trích tiền trong tài khoản của PCC1 để nộp vào tài khoản Kho bạc Nhà nước quận 1. Theo ông Hòa, việc phong tỏa tài khoản chi hoạt động thường xuyên của PCC1 đồng nghĩa với các khoản chi hoạt động của PCC1 như trả tiền điện, nước, Internet, văn phòng phẩm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, lương cho cán bộ, nhân viên… sẽ không thực hiện được.
“Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của toàn đơn vị và cả với người dân đến giải quyết hồ sơ” - ông Hòa cho hay.
Phòng Công chứng số 1 là đơn vị sự nghiệp công lập, được tự chủ tài chính từ năm 2017. Ảnh: VIỆT HOA
Chưa rõ và chưa được hiểu thống nhất
Theo ông Hòa, PCC1 không né tránh và luôn chấp hành việc nộp tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước.
“Chúng tôi khẳng định rằng với tư cách là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, đã luôn tuân thủ và thực thi đầy đủ quy định pháp luật và mọi hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan cấp trên. Chúng tôi cũng thực hiện các nghĩa vụ thuế với Nhà nước luôn nghiêm túc, kịp thời” - ông Hòa nói.
Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng cơ sở pháp lý của việc CCT quận 1 tiến hành thu tiền thuê đất đối với PCC1 cũng như các PCC hiện nay chưa rõ và cũng chưa được hiểu thống nhất.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai 2013, các tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sẽ được Nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuê đất hằng năm hoặc một lần cho cả thời gian thuê.
Đồng thời, khoản 2 Điều 60 quy định: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (…) thuộc trường hợp thuê đất theo quy định của luật này đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trước ngày luật này có hiệu lực thì phải chuyển sang thuê đất kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành và phải nộp tiền thuê đất.
“Chúng tôi nhận thấy điều kiện cần phải là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thì chúng tôi đã đáp ứng. Còn điều kiện đủ là đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực thì PCC1 chưa đáp ứng. Bởi từ khi thành lập đến nay, PCC1 chưa từng được Nhà nước giao đất. Năm 2017, PCC1 đã được tự chủ tài chính nhưng cũng chưa được ký hợp đồng thuê đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” - ông Hòa phân tích.
Theo ông Hòa, PCC1 đã có nhiều văn bản gửi đến cơ quan thuế, thậm chí cử người đến trao đổi với CCT quận 1. Sở Tư pháp cũng hai lần có công văn gửi CCT quận 1 đề nghị xem xét tạm dừng thi hành quyết định cưỡng chế và xem lại việc tính tiền thuê đất đối với PCC1. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn kiên quyết thực hiện quyết định cưỡng chế.
Ông Hòa cho biết cơ quan chức năng cũng có gửi thông báo cắt điện, nước vào ngày 10-7 do tài khoản tại kho bạc bị phong tỏa nên không thể thanh toán.
Theo quy định của Luật Công chứng thì PCC1 có thẩm quyền chứng nhận hợp đồng, giao dịch, văn bản giấy tờ khác theo quy định của pháp luật công chứng hoặc theo nhu cầu cá nhân, tổ chức và lưu trữ hồ sơ, công chứng. Trong đó, PCC1 có nghĩa vụ bắt buộc thực hiện chứng nhận hợp đồng (sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ...), cấp bản sao văn bản công chứng cho người yêu cầu công chứng (tổ chức, cá nhân) và bản sao văn bản công chứng, các giấy tờ khác có liên quan trong hồ sơ công chứng cho cơ quan nhà nước, phục vụ cho việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc đã công chứng. Vì vậy, trường hợp PCC1 bị phong tỏa tài khoản dẫn đến phải ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết các yêu cầu công chứng, chứng thực và các yêu cầu khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, có khả năng phát sinh khiếu nại, khởi kiện và bồi thường thiệt hại. Sở Tư pháp TP.HCM |
Cần xin ý kiến các cơ quan thẩm quyền
Trước tình hình cấp bách nói trên, ngày 25-6, Sở Tư pháp đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các PCC, Cục Thuế, CCT quận 1, cùng các sở TN&MT, Tài chính, Kho bạc để nghe giải trình và đề xuất của các bên liên quan.
Tại cuộc họp này, ông Đào Mộng Long, Chi cục phó CCT quận 1, vẫn khẳng định cơ quan thuế thực hiện đúng theo quy định nên không thể dừng thi hành quyết định cưỡng chế.
Ông Long cho rằng cơ quan thuế đã ban hành thông báo thuế, các quyết định cưỡng chế, nếu không thực hiện thì cơ quan thuế cũng sẽ bị phạt.
Để tháo gỡ tình huống cấp bách của PCC1, ngay sau cuộc họp, Sở Tư pháp đã có văn bản gửi Cục Thuế TP, CCT quận 1 và Kho bạc Nhà nước.
Tại văn bản này, Sở Tư pháp cho rằng việc thu tiền thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính còn nhiều vướng mắc, cần phải xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền. Trong thời gian chờ ý kiến phản hồi, Sở Tư pháp đề nghị Cục Thuế TP, CCT quận 1, Kho bạc Nhà nước TP xem xét tạm dừng thực hiện quyết định cưỡng chế.
Đến ngày 7-7, CCT quận 1 mới chính thức có văn bản tạm dừng thi hành cưỡng chế.
Liên quan đến cơ sở pháp lý trong việc thu tiền thuê đất của các đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính trên địa bàn TP còn nhiều vấn đề vướng mắc, Pháp Luật TP.HCM sẽ phân tích, làm rõ trong số báo ngày mai (21-7).
212 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính Theo rà soát của Sở Tài chính TP.HCM, toàn TP hiện có 212 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính. Riêng Sở Tư pháp có 10 đơn vị thuộc diện này. Trong đó có bảy PCC và PCC1 là đơn vị đầu tiên nhận được thông báo thuế của CCT quận 1. Ngoài ra, CCT quận Thủ Đức hiện cũng đang xem xét thu tiền thuê đất của PCC số 3. Đơn vị này về mặt pháp lý cũng giống như PCC1. Tuy nhiên, khi tính tiền thuê đất, CCT quận Thủ Đức khá lúng túng và đã có văn bản đề nghị Sở TN&MT hướng dẫn thực hiện. Do còn băn khoăn về cơ sở pháp lý thu tiền thuê đất nên CCT quận Thủ Đức chưa ban hành thông báo thuế với PCC số 3. Trước đó, hàng chục bệnh viện tự chủ về tài chính trên địa bàn TP cũng băn khoăn khi phải đối diện với số tiền thuê đất rất lớn. Nhiều bệnh viện lo ngại vì chỉ làm dịch vụ công là khám chữa bệnh, nếu phải nộp tiền thuê đất rất lớn vào ngân sách nhà nước thì cuối cùng chi phí cũng sẽ phải tính vào viện phí của người dân. |