Hàng loạt công trình trễ hẹn do… cơ chế

Chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội bốn tháng đầu năm mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ bức xúc vì hàng loạt dự án trên địa bàn đang “đắp chiếu”, trong khi đó các sở, ngành thì gửi văn bản xong “bình thản ngồi chờ”. “Nhiều dự án chựng lại, thậm chí còn nằm trên giấy. Không biết các đồng chí thấy sao chứ tôi thấy xót xa lắm!” - Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Công trình cấp đặc biệt ở TP.HCM ỳ ạch

Từ nhiều năm nay, sau khi cầu Phú Mỹ đi vào hoạt động, ở TP.HCM chưa có công trình cầu mang tính biểu tượng mới nào được khánh thành, chính vì vậy công trình cầu Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 và quận 2, có tổng vốn đầu tư lên đến 4.260 tỉ đồng) được người dân TP mong chờ từng ngày. Thậm chí người dân TP phải “hy sinh” 258 cây cổ thụ hơn trăm năm tuổi (bị đốn hạ, di dời) trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) để phục vụ cầu biểu tượng này.

Cầu Thủ Thiêm 2 là công trình cấp đặc biệt của TP.HCM, kiểu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng con rồng cao 113 m, có kết hợp thiết kế chiếu sáng mỹ thuật là điểm nhấn kiến trúc trên sông Sài Gòn. Cầu cũng mang biểu tượng cổng chào từ trung tâm TP qua khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Với tầm quan trọng đó, tháng 2-2015 cầu này được khởi công, khi đó nhà đầu tư hứa hẹn sẽ hoàn thành vào ngày 30-4-2018. Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều lý do, phải đến tháng 4-2017 dự án mới được triển khai thi công khiến công trình lùi thời hạn hoàn thành. Đến giữa tháng 2 năm nay, công trình mới đạt tiến độ khoảng 20% kế hoạch.

Báo cáo mới nhất của Sở GTVT TP.HCM về dự án cầu biểu tượng Thủ Thiêm 2 cho thấy thiếu đất sạch là nguyên nhân chủ yếu khiến công trình ỳ ạch. “Một trong những khó khăn khiến công trình chậm tiến độ là việc vướng mặt bằng phía quận 1. Hiện Tổng công ty Ba Son đã hứa sẽ bàn giao mặt bằng cho dự án nên có thể công trình sẽ hoàn thành vào 30-4-2020” - ông Vũ Xuân Nguyên, Trưởng phòng quản lý xây dựng, Sở GTVT TP.HCM, cho biết.

Cụ thể, trong diện tích đất bị ảnh hưởng hơn 13.000 m2 phía quận 1, hiện vẫn vướng sáu hộ dân, bốn tổ chức (Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, Tổng công ty Ba Son, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 và Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 2).

Những mặt bằng chưa bàn giao này lại là nơi thi công hai nhánh cầu N1, N2 và trụ cầu S10 để kết nối trụ tháp dây văng của cầu chính. Vì vướng mặt bằng, tiến độ thi công tính đến nay không đảm bảo khối lượng kế hoạch. Dự kiến công trình có tổng mức đầu tư 4.260 tỉ đồng này sẽ hoàn thành trước 30-4-2020, trễ hai năm so với tiến độ ban đầu.

Cầu Thủ Thiêm 2 đến nay mới xây dựng đạt khoảng 20% kế hoạch. (Ảnh cắt từ clip của DC Film)

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau tám lần hứa hẹn nhưng vẫn chưa hoàn thành. Ảnh: Viết Long

Phối cảnh tuyến metro số 2, dự kiến khởi công năm 2014 nhưng đến nay vẫn án binh bất động. (Ảnh cắt từ clip do BQL dự án đường sắt cung cấp)

Metro số 2 trễ sáu năm

Ngoài cầu Thủ Thiêm 2, một công trình trọng điểm khác ở TP.HCM cũng đang chậm tiến độ là tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương. Được khởi công năm 2014 và dự kiến hoàn thành sau đó bốn năm nhưng đến nay dự án vẫn chưa khởi công. Nguyên nhân do dự án metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng và nguồn vốn đầu tư.

“Chúng tôi đang tập trung công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho dự án tuyến metro số 2. Thời gian qua dự án cũng điều chỉnh tăng mức đầu tư nên cần tiếp tục tổ chức thẩm định, phê duyệt” - ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), cho biết.

Cụ thể, tuyến metro số 2 với tổng mức đầu tư được phê duyệt năm 2010 là 26.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm 2018, tổng mức đầu tư điều chỉnh dự kiến tăng đến gần 48.000 tỉ đồng. Nguyên nhân bị đội vốn là do trong quá trình triển khai có điều chỉnh về thiết kế cơ sở, thời gian chuẩn bị kéo dài, chậm trễ trong quá trình triển khai, tăng khối lượng xây dựng, trượt giá…

Ngoài ra, dự án metro số 2 bị chậm tiến độ mà nguyên nhân là do Luật Đầu tư công bắt buộc đối với dự án có giá trị trên 10.000 tỉ đồng phải được Quốc hội thông qua. Như vậy, nếu mọi thủ tục thuận lợi, sớm nhất đến năm 2024 tuyến metro này mới được hoàn thành, trễ tiến độ ít nhất sáu năm.

Tuyến metro số 2 đi qua địa bàn sáu quận: 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú, 12. Số lượng đoàn tàu ban đầu dự kiến là 10 đoàn (tàu ba toa), sau đó tăng lên 17 đoàn tàu với công suất tối đa 40.000 khách/giờ/hướng.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông tám lần hứa

Không riêng TP.HCM, một trong những công trình quan trọng ở Hà Nội nổi tiếng về “hứa hoàn thành” là đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Công trình này kéo dài gần 11 năm và đã có tám lần lỡ hẹn, lùi tiến độ.

Dự án được khởi công ngày 10-10-2011, dự kiến đến tháng 6-2014 sẽ hoàn thành, từ tháng 10-2014 đến tháng 6-2015 sẽ tổ chức chạy thử và chính thức khai thác từ ngày 30-6-2015. Nhưng đến tháng 7-2015, tổng thầu EPC (Trung Quốc) lần đầu xin lùi tiến độ, Bộ GTVT yêu cầu tổng thầu phải quyết liệt đưa dự án vào vận hành vào 30-6-2016.

Lần thứ hai, đầu năm 2016, Bộ GTVT tiếp tục thúc tiến độ chạy thử tàu từ tháng 9-2016 và khai thác toàn tuyến từ 31-12-2016. Lần thứ ba, đến tháng 6-2016, do dự án tiếp tục chậm trễ, Bộ GTVT đưa ra mục tiêu cuối cùng đến 31-12-2016 hoàn thành xây lắp dự án. Thêm lần thứ tư, Bộ gia hạn đến cuối quý II-2017 sẽ vận hành chính thức.

Lần thứ năm, tới tháng 12-2016, Bộ GTVT trình và Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh tiến độ do chờ xác định lại tổng mức đầu tư nên lùi thời điểm chạy thử vào tháng 10-2017. Lần thứ sáu, tháng 10-2017, dự án cũng không hoàn thành được và lùi vào quý II-2018. Lần thứ bảy, cuối tháng 12-2017, dời đến cuối năm 2018 dự án phải vận hành thương mại. Lần thứ tám, tiến độ dù được lùi lại sau khi vận hành thử nghiệm từ tháng 9-2018, chính thức vận hành ngày 30-4 năm nay cũng bị phá vỡ.

Với những dự án giao thông trọng điểm quan trọng của đất nước, chậm tiến độ dù có nhiều lý do nhưng có một phần chung do căn bệnh “cơ chế” như thủ tục hành chính còn rườm rà; tất cả đều nghe câu quen thuộc là phải “đúng quy trình” nên có những cái có khi rất đơn giản, mất thời gian ngắn nhưng có thể đến cả nửa năm mới được thông qua. Tất nhiên cũng có việc sợ trách nhiệm nhưng cũng còn có những cơ chế chưa theo kịp tốc độ xây dựng, đầu tư hạ tầng như cơ chế giải phóng mặt bằng với công nghệ cũ, ỳ ạch… Mỗi thứ một chút khiến dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế chung vì đội vốn, hạ tầng không đáp ứng để phát triển…

TS PHẠM VĂN HÙNGPhó phân viện trưởng Phân viện
Khoa học công nghệ GTVT
 

Liên tục đổ lỗi

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp. Riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị. Dự án đang vận hành, chạy thử để đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019.

Theo Bộ GTVT, không riêng gì dự án Cát Linh - Hà Đông, các dự án đường sắt đô thị hiện đều chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư (đội vốn). Nguyên nhân của tình trạng trên, Bộ GTVT lý giải do đây là các dự án lớn và công nghệ phức tạp, lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam nên chưa có kinh nghiệm quản lý, thực hiện.

“Năng lực và kinh nghiệm quản lý, thực hiện của chủ đầu tư đối với các dự án lớn về lĩnh vực đường sắt đô thị rất mới và còn hạn chế, cùng đó do thiếu kinh nghiệm nên tính toán tổng mức đầu tư không sát thực tế, phải thay đổi quy mô; các tư vấn, nhà thầu thiếu kinh nghiệm về hệ thống quản lý và quy trình thủ tục ở Việt Nam…” - báo cáo của Bộ GTVT nêu.

Về trách nhiệm, Bộ GTVT nhìn nhận để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án, trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư, tư vấn và việc chậm giải phóng mặt bằng, thay đổi quy hoạch thuộc trách nhiệm địa phương, chủ đầu tư.

Hàng loạt dự án chậm tiến độ, tăng vốn

Trong báo cáo gửi Quốc hội trước phiên chất vấn ngày 5-6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết những dự án chậm tiến độ, tăng mức đầu tư khác như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ngoài ra còn có năm dự án đường sắt đô thị cũng tăng mức đầu tư, chậm tiến độ. Ở TP.HCM là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (tổng mức đầu tư 47.325 tỉ đồng, tăng 29.937 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu), tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (tổng mức đầu tư 47.891 tỉ đồng, tăng 21.775 tỉ đồng).

Ở Hà Nội có tuyến metro số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên khoảng 30.427 tỉ đồng, tăng 5.602 tỉ đồng), tuyến metro số 3 Nhổn - Ga Hà Nội (tổng mức đầu tư lên 32.910 tỉ đồng, tăng 14.502 tỉ đồng), tuyến metro Cát Linh - Hà Đông (dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 18.001 tỉ đồng, tăng 9.232 tỉ đồng). 

______________________

Kỳ tới: Hiến kế để “bẫy” các dự án trì trệ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm