Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ ra nhiều tồn tại, yếu kém của ngành TN&MT tại hội nghị tổng kết ngành TN&MT năm 2016 sáng nay (9-1) tại Hà Nội do Bộ TN&MT tổ chức.
Một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu người dân
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng khẳng định việc sử tài nguyên khoáng sản, nước, đất đai còn lãng phí, trong khi đó việc xây dựng các chính sách pháp luật, quy định còn chậm chưa phù hợp với yêu cầu tình hình thực tế hiện nay. Thứ hai, tình trạng cán bộ, công chức ngành tài nguyên nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm với người dân là không ít.
“Tôi ví dụ như việc chúng ta đặt mình vào trường hợp đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ rất rõ, nhiều người dân phàn nàn kêu ca. Hơn nữa một bộ phận cán bộ, công chức chưa có trách nhiệm trong việc giải quyết các khiếu nại của người dân về đất đai” - Phó Thủ tướng cho biết.
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng chỉ ra những vấn đề quản lý tài nguyên đất còn kém hiệu quả, chẳng hạn như việc cho các doanh nghiệp thuê đất, xây dựng làm dự án nhưng rồi sau đó bỏ hoang không hoạt động, trong khi những doanh nghiệp có nhu cầu lại không được sử dụng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu cương quyết không cấp phép đối với những dự án ảnh hưởng xấu đến môi trường. Ảnh: Đ.TRUNG
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra những bất cập trong việc phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn nhiều, trong khi việc thanh tra, kiểm tra chưa được khắc phục dẫn đến vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng nhiều.
Ngành TN&MT vẫn chưa xem vấn đề biến đổi khí hậu là việc thường xuyên, có chiến lược cụ thể để ứng phó hiệu quả khí hậu bất thường, như đầu năm 2016 đợt rét kỷ lục ở các tỉnh phía Bắc hay cả như lũ lụt ở miền Trung và Nam Trung Bộ gây thiệt hại nặng nề người và của.
Giám sát chặt chẽ đối với Formosa Hà Tĩnh
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trình Định Dũng cũng yêu cầu ngành TNMT khắc phục sớm những hạn chế yếu kém trong quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản, vấn đề đánh giá tác động môi trường của những dự án lớn và không được làm theo kiểu hình thức dẫn đến những sai phạm môi trường ngày càng nhiều.
Ngành TNMT xây dựng các chính sách pháp luật liên quan phải dựa trên cơ sở thực tế tồn tại môi trường trong năm vừa qua phù hợp với cơ sở thực tiễn, đồng thời phải bỏ những quy định không còn phù hợp...
Hội nghị tổng kết ngành tài nguyên môi trường trực tiếp đến tất cả tỉnh, TP trong cả nước. Ảnh: Đ.TRUNG
Tăng cường kiểm soát môi trường trên cả nước, đồng thời phải giám sát chặt chẽ đối với những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm; quy hoạch cụ thể việc sử dụng đất, khoáng sản, nước tránh việc tự phát làm theo phong trào, cảm tính gây thất thoát ngân sách nhà nước, công trình dở dang, lãng phí.
Chú trọng vấn đề thủy điện, nếu một dự án thủy điện không hiệu quả thì nó sẽ dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm. Những dự án thủy điện hiệu quả thì cần phải được ưu tiên phát triển. Việc thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các dự án cũng phải được xem xét một cách kỹ lưỡng nếu không đảm bảo thì kiên quyết không cho làm, kể cả những dự án được cấp phép rồi nhưng chưa đảm bảo thì không cho vận hành.
Trước đây một thời gian dài, đánh giá tác động môi trường chỉ làm theo kiểu hình thức, chỉ từ sau sự cố môi trường tại miền Trung thì vấn đề này mới được làm tốt từ việc thẩm định công nghệ, môi trường…
Đối với Formosa Hà Tĩnh, phải tiếp tục kiểm soát một cách chặt chẽ từ công nghệ, xử lý nước thải, quan trắc đến khi nào bảo đảm thì mới cho vận hành, kể cả những dự án đang triển khai cũng phải được kiểm soát một cách thận trọng, chặt chẽ và cương quyết xử lý nếu không đảm bảo về môi trường.
Ngoài ra, tại hội nghị Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành TN&MT phải thanh tra, kiểm tra, quyết liệt xử lý nghiêm các cán bộ, công chức nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục thực hiện tổng điều tra, rà soát đối với tất cả dự án, cơ sở sản xuất xả thải ra sông suối, biển nhằm đảm bảo môi trường an toàn.