Hàng ngàn người Thái Lan xuống đường ‘diễn tập ngăn đảo chính’

Hàng ngàn người xuống đường ở Thái Lan hôm 27-11 đã kêu gọi chấm dứt các cuộc đảo chính ở quốc gia này khi các cuộc biểu tình trên đường phố kéo dài nhiều tháng qua làm dấy lên tin đồn về một cuộc tiếp quản quân sự khác.

Theo đài Channel News Asia, những người biểu tình yêu cầu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha - cựu lãnh đạo quân đội từng nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 2014 - từ chức, nhưng nói rằng họ không muốn ông bị thay thế bởi một vị tướng khác.

Người biểu tình muốn có chính phủ mới biết lắng nghe dân

Các nhà tổ chức gọi cuộc biểu tình hôm 27-11 là hoạt động “diễn tập để phản đối một cuộc đảo chính”. Hàng trăm người đã tham gia cuộc biểu tình mới nhất gần như hàng ngày kể từ giữa tháng 7.

Người biểu tình Thái Lan và con vịt biểu tượng. Ảnh: AP

Khoảng 5.000 người biểu tình mang theo hình ông già Noel được bơm hơi và những con vịt đồ chơi màu vàng tươi, vốn đã trở thành biểu tượng của phong trào, để chặn một giao lộ chính ở thủ đô Bangkok vào ngày 27-11.

Natalie, một nhân viên văn phòng 32 tuổi ở Bangkok, cho biết cuộc đảo chính vừa qua là thảm khốc đối với Thái Lan và cảnh báo rằng đất nước không nên đi theo con đường đó một lần nữa.

“Bây giờ là thời điểm khủng hoảng ở Bangkok và Thái Lan. Tôi muốn có các cuộc bầu cử mới và thay đổi thủ tướng cũng như để một chính phủ mới thực sự lắng nghe người dân” - cô nói với hãng tin AFP.

Là một phần của cuộc diễn tập “phòng ngừa đảo chính”, những người biểu tình đã chuyền cho nhau một đội quân vịt đồ chơi trên đầu họ để chứng minh quân đội bỏ qua người dân để chiếm lấy những vị trí hàng đầu của chính trường Thái Lan.

Một nhóm khác diễu hành chân dung của các vị tướng đã cầm đầu các cuộc đảo chính trong quá khứ trước khi đốt các bức chân dung này theo nghi thức.

Tư lệnh Lục quân Narongphan Jittkaewtae đã bác bỏ tin đồn đảo chính, nói rằng khả năng xảy ra một cuộc đảo chính khác là “nhỏ hơn 0”.

Nhà khoa học chính trị Titipol Phakdeewanich từ ĐH Ubon Ratchathani tin rằng một cuộc đảo chính khác khó có thể xảy ra vào thời điểm hiện tại. “Tôi không nghĩ ông ấy sẽ bị lật đổ bởi ông ấy vẫn có sự ủng hộ mạnh mẽ của những người bảo thủ và các doanh nghiệp lớn” - ông Titipol nói với AFP.

Tuy nhiên, ở một đất nước đã chứng kiến hàng chục cuộc đảo chính kể từ khi trở thành một nền dân chủ vào năm 1932, loạt biểu tình hiện tại, bắt đầu vào tháng 7, đã làm dấy lên những tin đồn rằng một cuộc đảo chính tiếp theo có thể xảy ra.

Muốn tước quyền "phê duyệt đảo chính" của Quốc vương

Cuộc đảo chính của ông Prayut là cuộc đảo chính thành công thứ 13 kể từ khi chế độ quân chủ tuyệt đối chấm dứt vào năm 1932.

Ông vẫn tiếp tục làm thủ tướng sau một cuộc bầu cử năm ngoái và những người biểu tình nói rằng cuộc bỏ phiếu được tổ chức để ông duy trì quyền lực với một hiến pháp do chính phủ trước đó của ông soạn thảo, trao toàn bộ Thượng viện của Quốc hội Thái Lan cho những người được giới quân sự bổ nhiệm.

Về phần mình, Thủ tướng Prayut nói rằng cuộc bỏ phiếu là công bằng.

“Tôi mới 18 tuổi nhưng đã chứng kiến hai cuộc đảo chính rồi. Điều đó không đúng. Chúng tôi không muốn lịch sử lặp lại” - Tan, một học sinh trung học tham gia biểu tình cho biết.

Cũng như Tư lệnh Narongphan, ông Prayut trong tuần này đã bác bỏ khả năng một cuộc đảo chính khác sắp xảy ra, nhưng điều đó chỉ làm tăng thêm suy đoán rằng một diễn biến như thế có thể sẽ tới.

Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn và Hoàng hậu Suthida. Ảnh: AP

Những người biểu tình cũng cáo buộc chế độ quân chủ đã tạo điều kiện cho quân đội thống trị hàng thập niên và yêu cầu kiềm chế quyền lực của Quốc vương Maha Vajiralongkorn, bao gồm cả quyền lực phê duyệt bất kỳ cuộc đảo chính nào trong tương lai.

Những người xuống đường gần đây kêu gọi Quốc vương Thái Lan nhường lại quyền kiểm soát khối tài sản hoàng gia trị giá hàng chục tỉ USD. Cá nhân nhà vua được cho là đang sở hữu 23% cổ phần trị giá hơn 2,3 tỉ USD ở ngân hàng Siam, khiến ông trở thành cổ đông lớn nhất tại ngân hàng lớn nhất này của Thái Lan.

Cung điện Hoàng gia không đưa ra bình luận nào về những người biểu tình mặc dù gần đây nhà vua nói rằng họ được yêu mến “như nhau”.

Ít nhất bảy trong số các nhà lãnh đạo biểu tình nổi bật nhất phải đối mặt với cáo buộc xúc phạm chế độ quân chủ, có thể bị phạt tù lên đến 15 năm, vì những bình luận mà họ đưa ra tại các cuộc biểu tình khác nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới