Hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi đang lo sốt vó phải di dời theo quyết định 296 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành ngày 24-2-2023 đã phê duyệt danh sách các cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã đưa ra nhiều kiến nghị cần xem xét, hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi di dời tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến vào chiều ngày 9-3 tại Đồng Nai.
Thời gian gấp, thiệt hại lớn
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, có 3.006 cơ sở chăn nuôi có tên trong quyết định có trách nhiệm thực hiện di dời hoặc ngưng hoạt động theo đúng lộ trình quy định. Trong số này có hơn 2.100 cơ sở phải di dời và số còn lại phải ngưng hoạt động theo lộ trình chậm nhất trước ngày 1-1-2025. Các cơ sở chăn nuôi chủ yếu là heo, bên cạnh đó còn có dê, bò, gà, vịt…
Trong hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi, theo ông Công vừa có cả hộ chăn nuôi gia đình lẫn các công ty chăn nuôi lớn chiếm khoảng 60% nguồn cung sản phẩm chăn nuôi của tỉnh.
Theo ông Công, chủ trương di dời các cơ sở chăn nuôi nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường thì buộc di dời là đúng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở chăn nuôi vừa mới được đầu tư bài bản, tốn hàng tỉ, hàng chục tỉ đồng, giấy phép còn thời hạn nằm trong quy hoạch khu chăn nuôi lại phải di dời gây thiệt hại rất lớn cho họ.
“Hàng ngàn hộ chăn nuôi nằm trong danh sách vô cùng lo lắng vì không biết phải di dời đi đâu, không có kinh phí để di dời. Hơn nữa mấy năm nay giá heo, gà giảm, chi phí tăng khiến chăn nuôi thua lỗ kéo dài nên không có điều kiện kinh tế để di dời theo chủ trương của tỉnh. Lộ trình di dời chỉ chưa đầy 2 năm là quá ngắn và có thể gây đứt gãy chuỗi cung cấp thực phẩm cho tỉnh lẫn TP.HCM” - ông Công chia sẻ.
Thời gian phải di dời gấp khiến nhiều trang trại chăn nuôi thiệt hại lớn được đầu tư xây dựng lớn hàng tỉ đến hàng chục tỉ đồng, và không đủ sức đầu tư trại mới. Ảnh: QH |
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho biết Đồng Nai được xem là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với tổng đàn heo khoảng 2,6 triệu con và khoảng 26 triệu con gà. Trong nhiều năm qua, ngành chăn nuôi đã đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của tỉnh và thu nhập, công ăn việc làm của người dân địa phương.
Đáng nói hiện nay Đồng Nai không còn quỹ đất quy hoạch cho chăn nuôi nên theo ông Đoán, hàng ngàn trang trại chỉ có nước đóng trại tìm công việc ngành nghề khác hoặc tìm đất ở tỉnh khác.
“Như vậy, Đồng Nai sẽ mất danh hiệu thủ phủ chăn nuôi trong thời gian tới. Ngoài ra, nguồn cung thực phẩm chăn nuôi sẽ sụt giảm, vấn đề việc làm sẽ bị ảnh hưởng khi đa số người chăn nuôi ở tuổi trung niên khó tìm được công việc mới” - ông Đoán nói.
Vì vậy, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị Bộ NN&PTNT, tỉnh Đồng Nai có lộ trình di dời kéo dài khoảng 4-5 năm để cơ sở chăn nuôi chuẩn bị có kế hoạch tránh thiệt hại. Đối với các trang trại nằm trong quy hoạch chăn nuôi, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và giấy phép còn hạn thì cho họ tiếp tục hoạt động đến khi hết hạn. Đồng thời, hiệp hội kiến nghị chính phủ, bộ ngành và địa phương xem xét có chính sách hỗ trợ về chi phí đầu tư hạ tầng cho các cơ sở chăn nuôi di dời, chi phí di dời.
Sẽ có Nghị định hỗ trợ di dời
Phản hồi kiến nghị của hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai về vấn đề trên, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết trong hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi phải di dời thì có 2.400 cơ sở có giấy phép. Bộ sẽ làm việc với tỉnh Đồng Nai xem xét thời hạn của các cơ sở chăn nuôi có giấy phép, có độ trễ, cơ sở nào đảm bảo môi trường thì có thể tiếp tục hoạt động đến khi hết giấy phép.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết Cục đang soạn dự thảo Nghị định phát triển chăn nuôi bền vững từ nay đến năm 2030 trình chính phủ đề xuất hỗ trợ thiệt hại cơ sở chăn nuôi di dời. Ảnh: QH |
"Bên cạnh đó, sẽ xem xét cơ sở chăn nuôi thực tế đã hình thành, đầu tư lớn, nằm trong quy hoạch thì cho tiếp tục bao lâu. Vì hiện có 3.600 cơ sở chăn nuôi không thể di dời là bắt dời liền, tránh ảnh hưởng thiệt hại đến hộ chăn nuôi" - Thứ trưởng Tiến nói.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cũng thông tin sau khi họp với tỉnh Đồng Nai, xin ý kiến các bên, Cục đang xây dựng dự thảo Nghị định về phát triển bền vững ngành chăn nuôi trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đề xuất quy định về việc di dời các cơ sở chăn nuôi.
Cụ thể, cơ sở chăn nuôi phải di dời sẽ được hỗ trợ không quá 50% thiệt hại, nhưng số tiền hỗ trợ không quá 10 tỉ đồng. Ngoài ra, dự thảo này cũng đề xuất hỗ trợ tiền di dời, chi phí vận chuyển, chi phí học nghề...