Ngày 28-10, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak cho biết: “Tình hình chính trị đã thay đổi, chúng tôi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất kể từ sau Chiến Tranh Lạnh. Chúng tôi buộc phải hành động”.
Theo đó, số quân đóng tại ba căn cứ quân sự ở phía đông sẽ được tăng gấp ba lần trong hai năm. Siemoniak cũng nói thêm rằng số lượng quân đội biên chế chính thức và vũ khí – trang thiết bị tại các căn cứ miền Đông cũng sẽ được tăng cường.
Bộ Quốc Phòng Ba Lan vẫn thanh minh đây không phải là một hành động mang tính thái quá. Nhưng Ba Lan chỉ đang ra sức tự vệ trước các mối đe dọa từ cuộc xung đột Ukraine.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak (ảnh: Reuters)
Siemoniak bày tỏ: "Chúng tôi muốn các đơn vị ở biên giới phía đông Ba Lan có thể hiệu quả hơn ".
Hầu hết quân đội Ba Lan vốn được tập trung ở phía Tây của đất nước. Cơ cấu an ninh này được giữ nguyên từ thời Ba Lan còn một thành viên của khối phòng thủ tập thể Đông Âu.
Binh lính Ba Lan (ảnh: AFP)
Ba Lan hiện đang lập kế hoạch đầu tư hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là ở các quân khu miền Đông nước này. Bộ Quốc phòng Ba Lan đã có kế hoạch mua mới vũ khí trong năm 2016.
Quyết tâm thay đổi này đã được Siemoniak chính thức công bố vào ngày 23-10, khi ông đến thăm căn cứ Siedlce miền Đông Ba Lan. Bộ trưởng cũng cho biết, ông dự định đến thăm hai căn cứ quân sự khác ở miền đông Ba Lan là Chelm và Suwalki trong tương lai gần.
Hồi tháng Tư, trước các cáo buộc Nga huy động quân sát biên giới Ukraine, Ba Lan đã yêu cầu NATO đặt vĩnh viễn 10.000 quân gần biên giới phía đông. Tuy nhiên, tổ chức quân sự phương Tây đã khước từ đề nghị này.