Ngày 4-1, một lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đắk Nông cho biết đơn vị vừa có văn bản đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp khẩn trương hoàn tất nộp nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Công ty TNHH MTV Nam Nung. Ảnh: VŨ LONG |
Khó trả nợ vì doanh số kinh doanh bết bát
Công ty TNHH MTV Nam Nung (viết tắt là Công ty Nam Nung, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, Đắk Nông) là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước. Ngành nghề kinh doanh chính là thu bán mủ cao su nguyên liệu chưa qua sơ chế. Tuy nhiên, nhiều năm qua do làm ăn bết bát, thu không đủ bù chi dẫn đến công ty này đang nợ lương, nợ BHXH của người lao động với số tiền rất lớn.
Theo lãnh đạo Công ty Nam Nung, trong số tổng diện tích hơn 1.114 ha trồng cao su, có tới gần 800 ha đã bị người dân lấn chiếm, hoặc không thực hiện nộp khoán sản phẩm. Vì vậy, công ty đã mất nguồn thu rất lớn. Việc này xảy ra nhiều năm nhưng đến nay chưa được xử lý và giải quyết dứt điểm.
Công nhân Công ty TNHH MTV Nam Nung thu mủ cao su. Ảnh: VŨ LONG |
“Do không tổ chức khai thác được mủ cao su đúng diện tích, làm doanh thu của công ty sút giảm nghiêm trọng. Mang tiếng là doanh nghiệp có 100% vốn sở hữu của nhà nước, nhưng chúng tôi phải tự cân đối thu, chi. Việc nợ lương, BHXH của người lao động là điều khó tránh khỏi và lãnh đạo công ty đang cố gắng để hoàn trả” – lãnh đạo Công ty Nam Nung nói.
Theo báo cáo của công ty, tính đến ngày 31-10-2022, công ty này có số nợ phải trả lên đến hơn 168 tỉ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 138 tỉ đồng, nợ dài hạn hơn 30,5 tỉ đồng. “Công ty cố gắng duy trì vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng các khoản nợ đã rơi vào nhóm nợ xấu, nên việc huy động nguồn vốn từ các đối tác đang gặp nhiều khó khăn” – báo cáo của Công ty Nam Nung nêu.
Diện tích trồng cao su của Công ty TNHH MTV Nam Nung. Ảnh: NL |
Trong thời gian tới, lãnh đạo Công ty Nam Nung đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông cùng các sở ngành liên quan hỗ trợ công ty giải quyết dứt điểm số diện tích trồng cao su đang bị người dân bao chiếm và khai thác trái phép; không xây dựng phương án quản lý rừng bền vững mà thực hiện theo kế hoạch đã thực hiện phương án đã làm trong nhiều năm qua; sắp xếp đổi mới mô hình kinh doanh; khoanh nợ, giãn nợ BHXH; hỗ trợ chi trả tiền lương cho người lao động…
Nợ đọng bảo hiểm xã hội hàng trăm tỉ đồng
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông tính đến tháng 12-2022, tổng số tiền nợ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của các doanh nghiệp, đơn ở địa phương hơn 80,5 tỉ đồng.
Công ty TNHH MTV Nam Nung đang nợ tiền BHXH, nợ lương người lao động với số tiền rất lớn. Ảnh: NL |
Toàn tỉnh có 130 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội khó thu, với tổng số nợ hơn 37,5 tỉ đồng. Trong đó, có một số đơn vị nợ số tiền BHXH lớn, kéo dài như Công ty Nam Nung nợ 89 tháng, với số tiền hơn 22 tỉ đồng; Chi nhánh Tây Nguyên - Công ty TNHH MTV 508 nợ 147 tháng với gần 3,6 tỉ đồng; Công ty cổ phần Đông Bắc nợ 100 tháng tương đương gần 1 tỉ đồng…
Kết quả kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về lao động, tình hình chi trả tiền lương, cơ bản các doanh nghiệp không nợ lương người lao động. Một số doanh nghiệp do gặp khó khăn, có nợ lương nhưng đến cuối năm đã trả đầy đủ cho người lao động.
Về tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, mặc dù vẫn còn gặp khó khăn nhưng nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời nên hầu hết các doanh nghiệp đã hoạt động bình thường. Ngoài một số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất do thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào thì phần lớn các doanh nghiệp của tỉnh vẫn duy trì, bảo đảm việc làm cho người lao động.
Một lãnh đạo BHXH tỉnh Đắk Nông cho hay những đơn vị, doanh nghiệp làm ăn khó khăn dẫn đến nợ đọng BHXH kéo dài. “Chúng tôi đã thành lập đoàn công tác đến tận nơi để đối thoại, nhằm tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tới đây nếu các đơn vị này còn “chây ì” không chịu đóng nợ, nộp phạt thì chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang công an để xử lý theo quy định của pháp luật” – vị lãnh đạo này cho hay.
Theo lãnh đạo BHXH tỉnh Đắk Lắk, năm 2022 toàn tỉnh có 13 doanh nghiệp có khoản nợ BHXH, Bảo hiểm Y tế, BHTN lớn với số tiền hơn 84,2 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần đường bộ Đắk Lắk nợ hơn 6,1 tỉ đồng, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Công trình 1 hơn 3,8 tỉ đồng; Công ty TNHH Đại Đồng hơn 1,5 tỉ đồng; Công ty TNHH Tư vấn - Xây dựng Việt Khôi hơn 1,6 tỉ đồng, Công ty Cổ phần xây dựng điện VNECO 8 hơn 1,8 tỉ đồng…
Chủ tịch UBND tỉnh đã đối thoại với dân và có giải pháp
Tháng 9-2021, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chủ trì buổi đối thoại với người dân ở xã Nâm Nung, xã Nâm N’đir đang tranh chấp với Công ty Nam Nung.
Ông Hồ Văn Mười phát biểu kết luận buổi đối thoại với người dân hồi tháng 9-2021. Ảnh: NL |
Ông Hồ Văn Mười khẳng định, toàn bộ diện tích đất, tài sản gắn liền trên đất do Công ty Nam Nung quản lý, sử dụng là đất đai, tài sản của Nhà nước. Các cá nhân, tổ chức có hành vi xâm chiếm trái phép là vi phạm pháp luật.
Việc các hộ kiến nghị đòi trả lại đất là không có căn cứ và không thể trả lại đất vì đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Nam Nung. Việc sai phạm của một số lãnh đạo Công ty Nam Nung qua các thời kỳ đều đã bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Hồ Văn Mười yêu cầu huyện Krông Nô tập trung giải quyết các chế độ về an sinh, xã hội, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án khác đang triển khai. Công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được huyện Krông Nô quan tâm hơn nữa.
Đối với Công ty Nam Nung cần quan tâm hơn nữa đến cải tiến kỹ thuật, khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. UBND huyện Krông Nô kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung trên…