Hàng triệu đàn ông Việt Nam có nguy cơ… ế vợ

(PLO)- Người có điều kiện kinh tế, học vấn thì nguy cơ mất cân bằng giới tính cao hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Chồng tôi là con trai một nên sau khi cưới, mẹ chồng nói tôi ráng đẻ con trai để có người “chống gậy” khi chẳng may bà qua đời. Kể từ đó, tôi luôn sống trong tâm trạng lo lắng” - chị TTHM (28 tuổi, ở TP.HCM) chia sẻ.

Bằng mọi cách để có con trai

Mỗi khi gặp người quen có con trai là chị M lân la hỏi “ăn gì, uống gì để sinh được con trai”. Không chỉ vậy, chị M còn lên mạng “nghiên cứu” cách đẻ con trai.

“Câu nói “ráng đẻ con trai” của mẹ chồng cứ lởn vởn trong đầu khiến tôi luôn phập phồng, tâm trí không thoải mái. Khi cấn thai, thỉnh thoảng mẹ chồng xoa bụng tôi rồi nói “Nội sắp có thằng cu để bồng bế rồi đây” khiến tôi càng lo. Đêm đêm, tôi “cầu trời khấn Phật”, mong đứa bé trong bụng là trai” - chị M chia sẻ.

Khi biết con mình là con trai, chị M mừng muốn khóc. “Từ đó, cuộc sống của tôi dễ thở hơn. Sau khi sinh con, tôi được má chồng chăm sóc rất kỹ để có nhiều sữa cho “cháu trai đích tôn” mau lớn” - chị M nói.

Toàn cảnh hội thảo “Đại biểu dân cử với việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân số và phát triển”. Ảnh: TRẦN NGỌC

Toàn cảnh hội thảo “Đại biểu dân cử với việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân số và phát triển”. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tương tự, chị NTMC (37 tuổi, ở Đồng Nai) luôn phải nghe “tiếng bấc tiếng chì” từ mẹ chồng chỉ vì lần lượt sinh hai con gái. “Khổ lắm! Mẹ chồng cứ nói bóng gió khiến không khí gia đình luôn ngột ngạt. Chồng tôi cho dù rất thương yêu vợ, con nhưng cũng phải lặng thinh vì sợ làm phật ý mẹ” - chị C nói.

Cha chồng chị C là con trai một trong dòng tộc, chồng chị C lại là con duy nhất trong nhà nên mọi hy vọng có con trai nối dõi tông đường trông cậy vào chị C. Cả hai lần sinh con gái, chị C đều thiếu sự quan tâm của mẹ chồng, cũng ít nhận được lời thăm hỏi từ phía dòng tộc bên chồng.

“Khi đứa con thứ hai được năm tuổi, chồng tôi bàn ráng kiếm đứa con trai để mọi người được vui, nhất là mẹ chồng. Tôi gật đầu, cho dù lúc này tôi đã 36 tuổi, độ tuổi sinh con không được khuyến khích cho lắm. Nghe ai bày cách sinh con trai, tôi đều làm theo. Cuối cùng, trời cũng chiều lòng người. Con trai tôi giờ gần thôi nôi, luôn được bà nội ẵm bồng. Không khí gia đình cũng vui vẻ hơn” - chị C trải lòng.

Một gia đình ở TP.HCM hạnh phúc khi có hai con gái. Ảnh minh họa: GIÁP NGUYỄN

Một gia đình ở TP.HCM hạnh phúc khi có hai con gái. Ảnh minh họa: GIÁP NGUYỄN

Tâm lý thích có con trai để nối dõi vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người.

1.568.210

là tổng số ca sinh trong năm 2019. Tỉ số giới tính khi sinh được tính trong năm này là 111,5 bé trai/100 bé gái sẽ có gần 826.740 bé trai và gần 741.470 bé gái chào đời.

Tuy nhiên, nếu tỉ số giới tính khi sinh ở mức bình thường (105 bé trai/100 bé gái) thì số bé gái sinh ra sẽ gần 787.370. Như vậy, chênh lệch sẽ là 45.900 bé gái. Một khi Việt Nam mỗi năm thiếu 45.900 nữ giới sẽ khiến hàng triệu nam giới có thể rơi vào tình trạng “sức ép hôn nhân” kéo dài.

Ông NGUYỄN VĂN HƯNG,

Vụ Thống kê Dân số và Lao động thuộc Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT)

Thiếu 45.900 nữ giới
hằng năm

Sáng 21-12, tại TP.HCM, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã tổ chức hội thảo “Đại biểu dân cử với việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân số và phát triển”.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Vụ Thống kê Dân số và Lao động thuộc Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), cho biết tâm lý thích có con trai để nối dõi vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người.

“Không ít gia đình sinh 2-3 con gái nhưng vẫn cố tìm mụn con trai. Đây chính là nguyên do dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện rõ rệt trong thập niên đầu của thế kỷ 21” - ông Hưng cho biết thêm.

Tỉ số giới tính khi sinh (số bé trai/100 bé gái) tự nhiên là 105. Nếu tỉ số giới tính khi sinh cao hơn 105 thì được cho là có tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh.

Ông Hưng đúc kết: “Nếu tỉ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như hiện nay, số nam giới 15-19 tuổi sẽ dư thừa vào năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 2,5 triệu người. Tuy nhiên, nếu tỉ số giới tính khi sinh giảm nhanh và đạt mức bình thường vào năm 2039 thì số nam giới 15-49 tuổi sẽ dư thừa vào năm 2034 là 1,5 triệu người và năm 2059 là 1,8 triệu người” - ông Hưng trình bày.

Theo ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tỉ số giới tính khi sinh ở nước ta năm 2006 là 109,8 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, đến năm 2021 là 112 bé trai/100 bé gái.

“Xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nông thôn và thành thị vẫn tiếp tục tăng. Người có điều kiện kinh tế, học vấn thì nguy cơ mất cân bằng giới tính cao hơn” - ông Hoàng nhận định.

Ông Hoàng cho rằng cần phải giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh để đến năm 2030, tỉ số giới tính khi sinh đạt con số dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, tiến tới đưa tỉ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên.

“Muốn vậy cần phải quy định các biện pháp can thiệp vào nguyên nhân gốc rễ là sự ưa thích sinh con trai, quan niệm về việc mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Bên cạnh đó, hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái” - ông Hoàng nói.•

Giáo dục cộng đồng nhằm thay đổi quan niệm có con trai

Mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh do lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Dẫn đến hiện tượng trên là do lạm dụng công nghệ lựa chọn giới tính, tâm lý ưa thích có con trai và tỉ lệ sinh thấp.

Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cần phòng chống lạm dụng công nghệ lựa chọn giới tính, thiết lập dữ liệu tỉ số giới tính khi sinh để theo dõi và cung cấp thông tin cho các can thiệp lựa chọn giới tính. Bên cạnh đó, giáo dục cộng đồng nhằm thay đổi quan niệm ưa thích có con trai; khuyến khích thế hệ trẻ tham gia với tư cách là tác nhân của sự thay đổi; thúc đẩy bình đẳng giới.

Ông LÊ BẠCH DƯƠNG, trợ lý trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm