Giữa cái nắng gắt của tiết trời mùa hè, đông đảo bà con quận Bình Tân, TP.HCM, các tình nguyện viên đã cùng nhau dọn dẹp, làm sạch đường phố; khơi thông dòng chảy, làm sạch hai bên bờ Kênh Nước Đen, trồng cây dọc hai bên đường… Đây là những hoạt động trọng điểm hưởng ứng ngày Môi trường thế giới do Bộ TN&MT, UBND TP.HCM tổ chức diễn ra hôm cuối tuần.
Đối phó với nguy cơ ngập
Năm 2014, chủ đề ngày Môi trường thế giới là Hãy hành động để ngăn nước biển dâng chú trọng vào vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Tại buổi ra quân, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chia sẻ mặc dù Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng về tăng trưởng kinh tế, mở rộng hợp tác quốc tế; công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được quan tâm, chú trọng nhưng vấn đề ô nhiễm đã trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt là những tác động tiêu cực của BĐKH và nước biển dâng ngày càng rõ nét. Điều này ảnh hưởng nặng nề, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội, con người và môi trường.
Tình nguyện viên dọn dẹp rác thải hai bên đường tại buổi lễ ra quân ngày Môi trường thế giới. Ảnh: NGỌC CHÂU
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, hơn 1 triệu km2 lãnh hải, trên 3.000 hòn đảo gần bờ, xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa. Lãnh thổ Việt Nam có nhiều vùng đất trũng, đất thấp ven biển rộng đớn. Trong đó trên 30% diện tích đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình, 80% diện tích ĐBSCL chỉ cao hơn 2,5 m so với mặt nước biển. Đặc biệt, khu vực ĐBSCL có diện tích trên 40.000 km2, là nơi sinh sống của gần 20 triệu dân; đóng góp đến 27% GDP với 90% lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta. Tuy nhiên, nơi này đang phải hứng chịu những tác động mạnh mẽ của BĐKH.
Ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ TN&MT, cho biết trong thời gian qua Bộ đã tích cực tham mưu với Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Đồng thời, hoàn thành việc xây dựng, công bố kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam. Theo đó, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình hằng năm nước ta tăng khoảng 2oC-3oC, tổng lượng mưa năm và lượng mưa trong mùa mưa tăng. Trong khi đó lượng mưa mùa khô giảm; mực nước biển khu vực ĐBSCL có thể dâng khoảng từ 85 cm đến 105 cm so với thời kỳ 1980-1999. Nếu mực nước biển dâng cao 1 m, khoảng 39% diện tích ĐBSCL có nguy cơ bị ngập; 27% chiều dài đường quốc lộ, 26,8% chiều dài tỉnh lộ có nguy cơ bị ảnh hưởng; 34,6% dân số có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp; diện tích trồng lúa, thủy sản bị thu hẹp.
Xây dựng tương lai bền vững
Trước tình hình trên, các tỉnh, TP trên cả nước đều tiến hành xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động ứng phó cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Theo bộ trưởng, ý thức của người dân về khai thác, sử dụng tài nguyên chưa cao, thói quen tiêu dùng lãng phí, thiếu thân thiện với môi trường đặt ra những sức ép to lớn đối với công tác bảo vệ môi trường. Một bộ phận không nhỏ người dân, thậm chí cán bộ quản lý chưa nhận thức đầy đủ về tác động, nguy cơ của BĐKH. Đa dạng sinh học tiếp tục bị suy giảm; khai thác, sử dụng tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, hải đảo chưa hiệu quả… Nguy cơ mất cân bằng sinh thái, không đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước có thể xảy ra. Đặc biệt, diễn biến phức tạp về an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Do vậy, bộ trưởng đưa ra lời kêu gọi các bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hãy cùng nhau có những hành động thiết thực để góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, hướng đến xây dựng một tương lai bền vững.
NGỌC CHÂU
Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, bên cạnh buổi lễ mít-tinh trọng thể là nhiều hoạt động sôi nổi khác. Chẳng hạn như triển lãm ảnh với chủ đề Bảo vệ kênh rạch tại Công viên 23-9; hội thi Tìm hiểu về BĐKH; Tuần lễ nói không với túi nylon; biểu diễn nghệ thuật Vì một tương lai xanh; tổng vệ sinh trên toàn địa bàn TP.HCM; xe loa, đạp xe tuyên truyền… |