Khắp các tỉnh, thành ven biển cũng như ngành nông nghiệp đồng loạt triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm chung tay tháo gỡ thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam (VN). Ngư dân ngày càng hiểu hơn về quy định chống khai thác IUU, bởi gỡ được thẻ vàng IUU rất có lợi cho đầu ra thủy sản đánh bắt được.
Gỡ thẻ vàng IUU vì quyền lợi của ngư dân
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho hay tỉnh đã yêu cầu tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ số liệu tàu cá hoạt động khai thác thủy sản, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
100% tàu cá ở Khánh Hòa đã được cập nhật dữ liệu trên phần mềm Vnfishbase; những tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tỉnh Khánh Hòa có 3.198 tàu cá với khoảng 30.000 ngư dân hoạt động trên biển. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động xa bờ là 683 chiếc.
Các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam thường xuyên trao đổi thông tin qua lại để theo dõi, xử lý mạnh tay với những trường hợp cố ý ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình, vượt ranh giới biển, đặc biệt là khối tàu có chiều dài từ 24 m trở lên.
Theo ông Bửu, ngành nông nghiệp của tỉnh đang thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Việc này nhằm đảm bảo tính hợp pháp của các sản phẩm được xuất sang thị trường EU và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất nguồn gốc nguyên liệu.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt (Quảng Trị) tuyên truyền các quy định đánh bắt cá cho ngư dân. Ảnh: NGUYỄN DO |
Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, cho hay các quy định về chống khai thác IUU đã được ngành chức năng truyền đạt đầy đủ đến ngư dân. Vấn đề là ngư dân có chấp hành hay không vì còn liên quan đến lợi ích.
“Nhất là tàu câu mực, khai thác ở khu vực giáp ranh giữa vùng biển VN với nước khác có nguồn hải sản dồi dào, ngư dân cố tình tắt thiết bị giám sát hành trình. Đối với những tàu đó, khi phát hiện mất liên lạc thiết bị giám sát hành trình, chúng tôi sẽ gọi điện thoại cho người nhà để liên lạc cho tàu, thông báo cho các lực lượng phối hợp” - ông Long nói.
Ngư dân Quảng Nam bật thiết bị giám sát hành trình khi tham gia đánh bắt trên biển. Ảnh: THANH NHẬT |
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, sở dĩ một số tàu cá vẫn khai thác IUU vì quá ham đuổi theo luồng cá. “Do cuộc sống gắn liền với sản phẩm nên đôi khi phải đuổi theo luồng cá, giữa chấp hành và bị phạt hay chạy thêm một chút để bắt cho được đàn cá đó thì họ đã không giữ được sự tỉnh táo. Lúc đó họ phải tắt định vị, không còn phương hướng nữa nên đi lạc vào vùng biển của nước khác” - ông Lĩnh lý giải.
Đại tá HOÀNG VĂN MẪN, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam:
Kiểm soát chặt chẽ các tàu ra khơi
Hiện vẫn có tình trạng ngư dân không vi phạm chủ quyền vùng biển của nước khác nhưng vẫn bị bắt giữ. Biên phòng là lực lượng hỗ trợ đắc lực, tham mưu các cấp có thẩm quyền xử lý, giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho ngư dân. Khi tàu ra khơi, tất cả trạm biên phòng kiểm soát chặt chẽ, phối hợp với các lực lượng kiểm tra đầy đủ thủ tục mới cho phép ngư dân ra biển đánh bắt.
Ông LÊ ĐĂNG TIẾN, Phó Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ (Khánh Hòa):
Xử nghiêm hành vi cố tình cắt thiết bị kết nối
Đầu năm 2023, cơ quan chức năng phát hiện 21 tàu cá mất kết nối giám sát hành trình khi đang đánh bắt trên biển.
Qua xác minh, cơ quan chức năng đã ra 14 quyết định xử phạt 25 triệu đồng/tàu. Đồng thời, thuyền trưởng những tàu này cũng bị tước chứng chỉ thuyền trưởng 4,5 tháng.
Cơ quan chức năng sẽ xác minh nguyên nhân mất kết nối. Nếu cố tình tắt thiết bị sẽ xử phạt nghiêm để răn đe.
Mặt khác, để gỡ thẻ vàng IUU, ông Võ Văn Long cho rằng tỉnh Quảng Nam đang gặp khó vì có nhiều tàu thuyền hoạt động ở bãi ngang ven biển. Cơ quan chức năng chỉ quản lý được sản lượng đối với các tàu đăng ký hoạt động, xuất bến, cập bến ở các cảng cá.
“Theo yêu cầu của EC thì phải quản lý được sản lượng trên cạn. Nhưng vấn đề quản lý cần đầu tư dài hơi như xây dựng cảng cá, khu neo đậu… Còn trước mắt vẫn là tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền, những tàu vi phạm phải xử lý nghiêm” - ông Long cho hay.
Quyết liệt trong từng khâu nhỏ
Theo Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của trung ương về chống khai thác IUU. Đà Nẵng hiện không giải quyết xuất bến đối với các trường hợp trễ hạn đăng kiểm và chưa đánh dấu tàu cá.
Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho hay ngay từ năm 2017, UBND TP Đà Nẵng đã có quy định về truy xuất nguồn gốc thủy sản. Việc này được thực hiện trước thời điểm hải sản VN bị đánh thẻ vàng. Hằng ngày đơn vị này bố trí nhân lực thực hiện khâu kiểm tra tàu thuyền khi cập, xuất bến tại cảng, đồng thời kiểm tra nhật ký khai thác.
Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay riêng năm 2022, trên vùng biển tỉnh này quản lý, các lực lượng thực thi pháp luật đã tổ chức hơn 50 đợt tuần tra, kiểm tra tàu cá để tuyên truyền, phòng chống và ngăn chặn các tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Kết quả đã xử lý 21 trường hợp vi phạm hành chính thủy sản khác, xử phạt tổng số tiền 315 triệu đồng. Đến nay, chưa có tàu cá nào của tỉnh này mất kết nối dữ liệu hành trình quá 10 ngày, đến mức phải xem xét xử lý vi phạm.
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Anh, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt (Quảng Trị), hiện trên địa bàn đồn biên phòng phụ trách có 179 phương tiện thường xuyên xuất lạch khai thác thủy sản. Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền đối với các chủ tàu cá trong việc chấp hành các quy định về chống khai thác IUU nên các phương tiện ra vào cửa lạch luôn đảm bảo đúng quy định về sử dụng thiết bị liên lạc, thiết bị giám sát hành trình.
Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của bà con ngư dân
Ông Lê Đăng Tiến, Phó Ban quản lý cảng Hòn Rớ (Khánh Hòa), cho biết ngoài mở loa tuyên truyền Luật Thủy sản và quy định về khai thác IUU, cảng trang bị hệ thống giám sát hành trình, giám sát sản lượng, mã cân để giám sát và cấp giấy phép cho ngư dân. Các quy trình của cảng được Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản đánh giá cao.
“Chúng tôi vẫn triển khai quyết liệt công tác chống IUU. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp khó khăn về con người. Vấn đề khó nhất của chống IUU là ý thức của ngư dân, vì vậy chúng tôi tăng cường tuyên truyền” - ông Tiến nói.
Phó Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ nói toàn bộ tàu đi đánh cá xa bờ đều đã được gắn thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, một số tàu vẫn bị mất kết nối khi đang đánh bắt trên biển. Cơ quan chức năng phát hiện sẽ lập tức thông báo yêu cầu chủ phương tiện quay về bờ.
Ông Tiến cho biết việc mất kết nối có nhiều nguyên nhân nhưng vẫn có trường hợp ngư dân tắt thiết bị. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, xác minh và xử phạt nghiêm để răn đe.
Đang kiểm tra lại tàu để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt, anh Nguyễn Xuân Trinh, thuyền trưởng tàu KH98849 TS, cho biết tàu của anh chuyên đánh bắt xa bờ và dịch vụ hậu cần trên biển. Anh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình từ nhiều năm trước để tránh vi phạm đánh bắt trái phép, xâm phạm sang vùngbiển nước ngoài.
Thiết bị giám sát hành trình gắn trên tàu đánh bắt xa bờ ở Khánh Hòa. Ảnh: HUỲNH HẢI |
Anh Trinh nói trước đây khi chưa phân định rõ ranh giới, ngư dân nhiều lúc theo đàn cá đánh bắt lấn sang vùng biển của nước bạn.
Hiện nay, tàu ra khỏi cảng đều phải khai báo thủ tục đầy đủ. Quá trình đánh bắt ngư dân ghi chép đầy đủ nhật ký, bật thiết bị giám sát và cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài.
“Mỗi chuyến tàu đi biển khoảng một tháng, tôi đều tuân thủ mở thiết bị giám sát và ghi nhật ký hành trình đầy đủ. Tôi chưa bao giờ dám vi phạm, bị bắt thu hết tài sản coi như mất trắng” - anh Trinh chia sẻ.
Cùng quan điểm với anh Trinh, ông Trần Văn Tiến, chủ ba tàu cá, nói việc gắn thiết bị giám sát hành trình vừa tuân thủ quy định vừa giữ hình ảnh, thể diện quốc gia. Quan trọng nhất, hải sản đánh bắt được xuất khẩu sang nước ngoài có giá cao hơn.
Ngư dân này cho hay thiết bị giám sát hành trình là thiết bị điện tử nên đôi khi bị mất kết nối. Lúc này, ngư dân sẽ báo ngay cho cơ quan chức năng bằng bộ đàm. Sau đó, tàu sẽ quay về bờ trình báo.
Ngư dân Khánh Hòa cũng chia sẻ chi phí gắn cũng như vận hành thiết bị giám sát hành trình khá cao. Ngư dân mong muốn được chính quyền hỗ trợ một phần kinh phí để duy trì việc đánh bắt giữa lúc giá dầu, vật giá tăng cao.
“Giá dầu và nhân công tăng cao nên mỗi chuyến tàu nhiều khi không đủ vốn. Chúng tôi mong chính quyền hỗ trợ một phần cho phí gắn thiết bị giám sát hành trình để có thể duy trì việc đánh bắt cũng như khẳng định chủ quyền biển, đảo” - ngư dân Khánh Hòa này nói.
Chống IUU không đánh trống bỏ dùi
Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, cho biết UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt quyết định triển khai chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn theo Quyết định 81 ngày 13-2 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Bản, Khánh Hòa xác định vấn đề chống IUU là xu thế tất yếu để hội nhập với quốc tế, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Ông Bản cho biết đây là quan điểm của tỉnh cũng như ngành nông nghiệp. Công tác này luôn luôn phải thực hiện nghiêm túc và quyết liệt.
“Quan điểm của chúng tôi là chống IUU không đánh trống bỏ dùi. Có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, không phải làm để đối phó với Đoàn thanh tra của EC” - ông Bản khẳng định.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cho hay trong lần thứ ba làm việc với tỉnh Khánh Hòa vào tháng 10-2022, Đoàn thanh tra của EC đã trực tiếp kiểm tra tại các đơn vị quản lý nhà nước về thủy sản, doanh nghiệp xuất khẩu hải sản và cảng cá. Đoàn đánh giá cao tỉnh đã triển khai các công tác chống IUU của tỉnh.
Tuy nhiên, ông Bản nói Khánh Hòa vẫn còn một số tồn tại cần triển khai quyết liệt để làm tốt hơn như một số trường hợp mất tín hiệu giám sát, nguồn lực chống IUU còn hạn chế. Cùng với đó, hạ tầng phát triển nghề cá chưa được nâng cấp.
“Sở đã trình UBND tỉnh kế hoạch cụ thể triển khai quyết liệt chống IUU để khắc phục những tồn tại. Vấn đề chống IUU không chỉ là đánh bắt, xuất khẩu, mà còn là hình ảnh quốc gia” - ông Bản nói.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết 100% tàu cá của tỉnh đã được cập nhật dữ liệu đầy đủ trên phần mềm Vnfishbase; 99,68% tàu cá được cấp phép khai thác thủy sản. Đồng thời, toàn bộ tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Thiết bị giám sát hành trình đều được niêm phong chì cố định trên tàu.
Về truy xuất nguồn gốc hải sản, ông Chánh cho biết Khánh Hòa được Đoàn thanh tra của EC đánh giá là có sáng tạo và đề nghị áp dụng chung cho toàn quốc.•
“Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với Bà Rịa-Vũng Tàu và Ninh Thuận
.Chương trình sẽ thăm hỏi, trao hàng trăm phần quà tặng, hàng chục suất học bổng; khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho ngư dân và con em của bà con.
Tiếp nối thành công từ chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” ở huyện Cần Giờ (diễn ra ngày 17-5 tại TP.HCM), hành trình tiếp theo, chương trình sẽ đến với bà con ngư dân ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào ngày 10-6 và tỉnh Ninh Thuận từ ngày 13 đến 14-6.
Ngư dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang chuẩn bị ngư cụ để ra khơi. Ảnh: KHÁNH LY |
Chương trình có sự tham dự của ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ (Chủ tịch danh dự của chương trình); đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (VN), Hội Nghề cá VN; đại diện lãnh đạo các cơ quan thực thi pháp luật trên biển. Cùng với đó là sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành trong tỉnh; đại diện các huyện ủy, UBND các huyện và đông đảo bà con ngư dân.
Hoa hậu Trái đất Nguyễn Phương Khánh, Đại sứ của chương trình, cũng sẽ đồng hành với các hoạt động “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” tại Ninh Thuận.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 10-6, Ban tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ có nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên các gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, tặng 200 bộ quà tặng cho ngư dân (gồm: Bình ắcquy + đèn Led + túi thuốc với những loại thuốc cần thiết, cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản” do báo Pháp luật TP.HCM chủ biên).
Chương trình cũng sẽ trao tặng 30 suất học bổng cho con em ngư dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó, học giỏi.
Tại Ninh Thuận, ngày 13-6, chương trình sẽ phối hợp với Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Ngọc Minh tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 1.000 ngư dân ở hai xã Cà Ná và Phước Diêm.
Ngày 14-6, chương trình sẽ tổ chức đoàn thăm hỏi, động viên những gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, có tinh thần vươn lên và tuân thủ tốt việc đánh bắt hải sản trên biển.
Sau đó, chương trình sẽ phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức trao tặng 200 bộ quà tặng cho ngư dân địa phương, tặng 30 suất học bổng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn.
Ban tổ chức mong muốn sẽ góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của bà con ngư dân khi đánh bắt trên biển, cùng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương cấp bách tháo gỡ thẻ vàng cho hải sản VN.
Chương trình cũng mong là cầu nối để cộng đồng xã hội cùng chung tay hỗ trợ bà con ngư dân an tâm bám biển, khẳng định, gìn giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. HẢI MINH
................................
Tọa đàm “Chung tay gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt”
Ngày 10-6, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, báo Pháp Luật TP.HCM sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức tọa đàm “Chung tay gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt”. Tọa đàm nhằm tìm ra thêm các giải pháp mang tính thực tiễn, hiệu quả, góp phần thực hiện quyết tâm gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản VN.
Tọa đàm là diễn đàn để các ngư dân, chuyên gia hàng đầu về luật biển, nhà quản lý và lực lượng chấp pháp trên biển phân tích thực trạng, đóng góp ý kiến, kiến nghị các giải pháp để thực hiện “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ tư để gỡ thẻ vàng IUU” của Thủ tướng Chính phủ.
Tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển. Cùng với đó là sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về luật biển như: GS-TS - Đại sứ Nguyễn Hồng Thao (thành viên Ủy ban Lập pháp quốc tế của Liên Hợp Quốc), PGS-TS Vũ Thanh Ca (nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo VN, thành viên nhóm chuyên gia môi trường biển của Liên Hợp Quốc), ThS Hoàng Việt (chuyên gia luật biển quốc tế, ĐH Luật TP.HCM) và đông đảo bà con ngư dân.