Hành khách phà Sewol: 'Bà ơi, cháu chết mất'

han-quoc.jpg

Người thân của các học sinh mất tích trên phà Sewol đau đớn khi chờ đợi tin tức ở đảo Jindo. Ảnh: AFP

Hai bà cháu mới nói chuyện với nhau trước đó hơn một giờ, bà Kim Ok-young, 74 tuổi, kể. Park cho biết khi đó phà chưa đến Jeju.  

Cuộc gọi sau thật khác lạ. "Bà ơi, cháu nghĩ cháu chết mất", bà Kim kể lại lời cô cháu gái khi đang chờ đợi cùng các bậc phụ huynh khác ở trường trung học thành phố Ansan. "Phà đang chìm và cháu đang níu vào lan can bà ơi". Rồi điện thoại đột ngột ngắt liên lạc.

Bà Kim gọi cho cô cháu gái một lần nữa. Lần này, Park chỉ nói "cháu phải đi đây", rồi cúp máy. Lúc 10h09, cô bé gửi tin nhắn với một ký tự tiếng Hàn chẳng có nghĩa gì. Kể từ đó, người bà cũng không nhận được tin tức gì về cô cháu nữa.

Danh sách tên những nạn nhân được dán trên một tấm bảng trắng lớn tại trường Danwon. Tên của những người mất tích được tô đậm bằng bút màu. Tên của Park Ji-yoon không bị tô đậm.

"Hai ngày trước khi con bé lên đường, nó có nói với chúng tôi rằng nó không muốn đi vì không thích đi phà", bà Kim kể. Bà nuôi nấng Park từ bé vì bố mẹ cô bé bận đi làm. 

"Chúng tôi nói với con bé rằng nó sẽ hối tiếc nếu không đi. Và bây giờ chúng tôi lại là người ân hận. Lẽ ra chúng tôi không nên để nó đi", bà nói.

han-quoc4.jpg

Người thân của các hành khách mất tích trên phà Sewol nghỉ ngơi và chờ đợi ở một phòng thể thao trên đảo Jindo. Ảnh: Reuters

Trong số hơn 400 hành khách trên phà Sewol, có 325 học sinh cuối cấp của trường Danwon, và 14 giáo viên. 

Ở tầng 4 của trường, người thân và bạn bè của những học sinh mất tích trên phà tập trung trong một hội trường. Một số người bày tỏ sự giận dữ trước việc nhà trường và chính phủ cung cấp quá ít thông tin sau 11 giờ chìm phà. Tin tức truyền hình về thảm kịch được phát đi trên một màn hình lớn. 

Một phụ huynh xé mảnh giấy ghi danh sách những người mất tích và yêu cầu nhà trường bỏ tấm bảng đi, thay thế nó bằng danh sách những em đã được nhập viện.

Học sinh từ các trường khác, cùng lứa với các học sinh mất tích, cũng đổ về hội trường này để chờ tin. Họ đặt những mẩu giấy nhắn lên bàn của bạn bè mình.

Trường cấp ba công lập Danwon mới được thành lập năm 2005, nghĩa là nhiều học sinh tại đây từng học tiểu học ở những nơi khác. Trường có 388 học sinh và hầu hết đều có mặt trên phà Sewol. Trường sẽ đóng cửa hôm nay và ngày mai.

Lee Jae Eun có 7 người bạn cũ thời tiểu học và trung học đi trên phà. Không ai trong số này có tên trong danh sách được giải cứu. Lee căng thẳng cầm điện thoại trên tay, đi qua đi lại trước những bức ảnh của bạn mình. Tay cô bé run run khi lần xem từng bức ảnh một.

Các tình nguyện viên Chữ Thập Đỏ ở khu vực Ansan đã đến trường vào buổi chiều và bắt đầu chuẩn bị gạo, mỳ hộp, đồ ăn vặt, nước uống và cà phê. Các xe chở điện thoại di động, sạc và chăn quyên góp đang đến.

Tình nguyện viên Won Jong Suk, 59 tuổi, cho hay các nhân viên Chữ Thập Đỏ có thể sẽ ở lại trường khoảng 10 ngày. "Trái tim tôi tan nát khi nghe tin", cô nói. "Chúng tôi cũng có con cái và tôi rất buồn khi điều này lại xảy ra với mọi người ở đây".

Chuyến đi Jindo

Cuối ngày, nhiều bậc phụ huynh không thể chờ đợi ở trường Danwon được nữa và lên chuyến xe buýt dài 6 tiếng đến đảo Jindo, nơi gần nhất với địa điểm xảy ra tai nạn. Các chuyến xe do trường cung cấp.

Park Yong Woo, 48 tuổi, một người chú, cho biết cháu trai của ông, Kim Soo-bin, có tên trong danh sách nạn nhân được giải cứu. Tuy nhiên, bố mẹ cậu bé đang ở Jindo mà vẫn chưa tìm thấy Soo-bin đâu.

"Chúng tôi không thể tin vào danh sách này và các phát ngôn từ trường hay chính phủ. Chúng tôi phải tận mắt nhìn thấy thằng bé", ông Park nói. "Các cơ quan khác nhau công bố tên và thông tin khác nhau. Bố mẹ của Soo-bin đã khóc khi tôi nói chuyện với họ qua điện thoại vì họ vẫn chưa tìm thấy thằng bé ở Jindo".

Bố mẹ của Park Ji-yoon cũng đến Jindo ngay khi nghe tin phà chìm, bà Kim cho biết. Họ đã mang theo quần áo để chờ được đón con gái.

Theo Anh Ngọc (VNE / Bloomberg)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm