Hành trình gập ghềnh đưa bệnh nhân 11 năm nằm viện về nhà

Chiều 13-4, bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm (36 tuổi, ngụ huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) đã chia tay các bác sĩ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) để chuẩn bị trở về nhà.

Nhiều lần muốn buông xuôi

Anh Nghiêm mắc căn bệnh máu khó đông hemophilia do thiếu yếu tố VIII làm đông máu.  Con đường điều trị bệnh của anh khá gập ghềnh khi trải qua 11 năm ở bệnh viện và 26 lần phẫu thuật để giữ lại tính mạng.

Trước đó, anh Nghiêm bị tai nạn đập mạn sườn vào thành xuồng nên xuất hiện khối máu tụ ở hông và đến BV Chợ Rẫy điều trị lần đầu tiên vào năm 2010.

Đến năm 2014, khối máu tụ này càng to và vỡ ra gây nhiễm trùng hoại tử trong ổ bụng nên anh đã được các bác sĩ xử lý lấy khối máu tụ ra. Tuy nhiên, sau đó vết thương không lành mà nhiễm trùng, hoại tử dai dẳng. Anh Nghiêm phải nhiều lần trải qua phẫu thuật để xử lý vết thương.

Trước giờ xuất viện, anh Nghiêm chia sẻ thời gian nằm viện lâu khiến anh nhiều lần tuyệt vọng, bi quan và chỉ mong giải thoát bằng cái chết. “Hôm nay được xuất viện, tôi rất vui mừng và hạnh phúc. Sau 11 năm, lần đầu tiên tôi được nghe các bác sĩ nói đến chữ xuất viện” - anh Nghiêm cười tươi nói.

Bác sĩ Ngô Đức Hiệp chúc mừng anh Nghiêm được xuất viện. Ảnh: HL

Anh chia sẻ thời gian qua anh nằm viện còn nhiều hơn ở nhà, cứ tưởng vào bệnh viện để phẫu thuật rồi trở về nhà, không ngờ thời gian kéo dài đằng đẳng 11 năm.

“Năm 2014, sau khi được phẫu thuật, tôi được cho xe về nhà, thì khi vừa về đến nhà, vết thương chảy máu lại xối xả nên chưa kịp vào nhà phải nói xe chở ngược lên lại bệnh viện. Lần đầu tiên mổ, bác sĩ nói vết thương dự kiến một năm mới lành, mình nghe một năm rất sợ nhưng bác sĩ động viên ráng lên, nhưng 1 rồi 2 năm sau cũng vậy, cứ chờ hoài nên mình tuyệt vọng không còn hỏi nữa...” - anh Nghiêm nhớ lại chuỗi ngày ám ảnh.  

Sau này, mỗi năm anh chỉ về được vài ngày Tết nhưng luôn trong tâm trạng canh cánh lo sợ vết thương gặp sự cố do chưa lành thương sẽ lại tuôn máu. “Lần này, về nhà tâm lý rất là vui. Mấy lần trước, dù được về nhà nhưng cũng như nằm viện, cứ phải đem thuốc về tiêm, giờ vết thương đã lành, không còn lo chảy máu nữa” - anh Nghiêm chia sẻ.

Do bệnh mãn tính và nặng, chỉ va chạm nhỏ cũng có nguy cơ chảy máu nên sau khi xuất viện về nhà, anh Nghiêm được căn dặn cẩn thận trong sinh hoạt và tái khám định kỳ.

Đồng hành cùng anh Nghiêm chống chọi lại bệnh tật trong 11 năm qua là bà Trần Thị Mai, mẹ của anh. Bà Mai kể gia đình bà từng có người ông và ba người em trai cũng mắc bệnh máu khó đông, lần lượt ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Nghiêm mới ba tháng tuổi đã có dấu hiệu bệnh là luôn bị bầm đỏ bầm xanh ở khớp gối, nhiều khi khớp sưng đau, phải ngồi một chỗ đến sáu tháng.

“Tôi đưa con đi BV ở địa phương nhưng họ nói không chữa được, phải lên TP nên đành đưa về vì nhà quá khó khăn. Ngờ đâu tới năm 24 tuổi, nó bị đập mạn sườn vào thành xuồng nên hình thành khối u” - bà Mai kể tiếp.

Người mẹ 11 năm đồng hành cùng con chống chọi bệnh tật. Ảnh: HL

Nghe tin con được xuất viện, bà không dám tin. 11 năm qua, trái tim người mẹ nhiều lần đau đớn khi chính Nghiêm cũng nhiều lần muốn chết. “Mỗi lần như thế, tôi đều khuyên con bác sĩ chưa bỏ sao con lại bỏ” - bà Mai nhớ lại.

Bà Mai chia sẻ sau khi đưa Nghiêm về nhà sẽ ra chợ Vũng Liêm bán bánh lọt, nghề gia truyền mà bà đã bỏ bê khi chạy chữa bệnh cho con. “11 năm qua, nếu không có BHYT chi trả và các tấm lòng hảo tâm, các y bác sĩ tận tình cứu chữa chắc mẹ con tôi đã phải đưa nhau về. Nghiêm nằm tới tận 3 khoa. Đi về mừng lắm nhưng sẽ nhớ các bác sĩ, các điều dưỡng ở đây lắm.”, bà Mai bày tỏ.

Nhiều lần “bí” cách điều trị

11 năm điều trị, bệnh nhân Nghiêm đã được các bác sĩ hội chẩn liên chuyên khoa hơn 10 lần và từng rơi vào thế “bí” vì không biết nên điều trị như thế nào.

BS Trần Thanh Tùng, Trưởng Khoa Huyết học, BV Chợ Rẫy nhớ lại vào năm 2010, Nghiêm nhập viện với khối máu tụ bên hông lớn, chẩn đoán bị thiếu yếu tố VIII đông máu nặng, chỉ dưới 1% nên rất dễ chảy máu trong dù chỉ va chạm nhỏ.

Hội chẩn lần đầu tiên, các bác sĩ không ai dám phẫu thuật vì không biết lấy gì cầm máu nên đã chọn phương án xạ trị. Sau khi xạ trị, khối u và các mô đã nhỏ lại nhưng về nhà bệnh nhân di chuyển nên máu tụ càng nhiều khiến khối u càng to. Đến năm 2014, Nghiêm lại nhập viện nhưng lần này, hông bệnh nhân đã bị loét ra, hoại tử chảy máu liên tục, lổ chổ như tổ ong. Các bác sĩ do dự nếu không phẫu thuật chắc chắn bệnh nhân sẽ chết nhưng mổ cũng tiên lượng xấu vì sức khỏe bệnh nhân yếu, ổ nhiễm trùng đang diễn tiến và cần rất nhiều thuốc cầm máu là yếu tố VIII.

Nhìn người thanh niên khao khát được sống, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật. Ca phẫu thuật đầu tiên kéo dài 3 tiếng đã lấy mô mủn nát và máu tụ, tổng cộng 2,5 kg. “Sau hậu phẫu, chúng tôi nhìn cũng cảm thấy choáng váng khi để lại cái hốc như trái banh da đã bị lấy ruột ra, may là cung cấp đủ yếu tố cầm máu nên bệnh nhân đã được cho xuất viện. Rất nhanh sau xuất viện, bệnh nhân lại bị chảy máu do chưa khép được mép vết thương”, BS Tùng nhớ lại.

Vết thương sâu hoắm như trái banh da bị rút ruột nay đã lành thương. Ảnh: HL

Suốt 7 năm đồng hành cùng Khoa huyết học, anh Nghiêm chỉ được xuất viện những ngày Tết. “Ăn Tết 2,3  ngày thì Nghiêm phải chạy lên bệnh viện để cho vết thương đừng chảy máu. 7 năm ở tại Khoa huyết học, Nghiêm phải trải qua 25 lần mổ bóc tách phần hoại tử... nhưng vẫn chưa kéo mép được vết thương”, BS Tùng kể lại và nhớ chính bệnh nhân cũng bi quan, hoang mang chẳng lẽ cứ nằm viện hoài.

BS Trần Bình Dương, Phó khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Chợ Rẫy nhớ lại lấy khối máu tụ cho bệnh nhân cũng giống như đào hang. “Đào hang xong nhưng không biết lấy gì để lấp vào, về sau nhờ dinh dưỡng tốt mà hang nở ra dần rồi sau đó chúng tôi tiến hành xoay da, ghép da, hi vọng lành thương nhưng nhưng ở vùng này vẫn có lỗ li ti, máu chảy ra suốt”, BS Dương kể.

BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng-Tạo hình thẩm mỹ BV Chợ Rẫy cho biết: “Khối u ăn sâu viêm toàn bộ vùng hông lâu lành đã gây nhiễm khuẩn huyết cho bệnh nhân 10 lần, nếu kéo dài lâu sẽ nguy hiểm tính mạng”. Để giúp vết thương bệnh nhân lành, BS Hiệp đã táo bạo nghĩ đến phương pháp hút áp lực âm (VAC) để hút máu và rỉ dịch ra ngoài. Đây là phương pháp vốn chống chỉ định với bệnh nhân máu khó đông. Sau nhiều ngày thức 24/24 giờ để canh điều chỉnh áp lực máy hút dịch thấp hơn thông thường, BS Hiệp đã thành công. Sau khi áp dụng phương pháp này, vết thương của anh Nghiêm dần khô lại và lành thương, để cuối cùng anh cũng có ngày xuất viện trở về nhà. 

Bảo hiểm Y tế (BHYT) chi trả 38,3 tỉ đồng

Qua 11 năm, chi phí điều trị của anh Nghiêm đã lên đến 40,8 tỉ và được BHYT chi trả 38,3 tỉ đồng. Theo ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác Xã hội BV Chợ Rẫy, thời gian đầu nhập viện, BHYT chỉ chi trả 80% cho bệnh nhân nhưng 20% còn lại cũng vượt quá sức của gia đình. Do đó, Phòng Công tác Xã  hội đã liên hệ nhà hảo tâm, báo đài viết bài kêu gọi được 300 triệu. Về sau, BHYT chi trả cho bệnh nhân được 100% và nhờ sự tiếp tục chia sẻ của cộng đồng, anh Nghiêm đã được tiếp sức chiến đấu với bệnh tật đến hôm nay.

ThS Đỗ Thu Hà, Trưởng Phòng Giám định BHYT, BHXH TP.HCM cho biết không chỉ riêng trường hợp của anh Nghiêm được chi trả số tiền lớn, vào năm 2020, một bệnh nhân khác tên là Danh Văn (ngụ Kiên Giang) điều trị ở BV Chợ Rẫy cũng được chi trả gần 10 tỉ đồng, thể hiện giá trị nhân văn của việc đóng góp BHYT. Phần quỹ chi trả cho bệnh nhân lớn là có một phần đóng góp của mỗi người tham gia đóng BHYT.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm