Con đường khiêm tốn ấy, được đặt theo tên nhà trí thức văn hóa đáng kính -Giáo sư Nghiêm Toản.
Riêng về cuộc đời ông, có lẽ không nhiều người được hay. Ở đây, chúng tôi thông qua những hồi ký của bạn bè, học trò ông như Vũ Đình Hòe, Nguyễn Lương Ngọc… mà dựng lại cuộc đời ông ngỏ hầu để bạn đọc biết thêm về ông.
Không ngừng tự học để vươn lên
Nghiêm Toản tên thật là Thiệu Văn Thị, hiệu Hạo Nhiên, người đất Nam Định.
Đối với bạn bè, trong ấn tượng của họ, Nghiêm Toản hiện lên với những tình cảm đẹp đẽ còn được lưu giữ.
Hạo Nhiên Nghiêm Toản Thiệu Văn Thị. Ảnh tư liệu
Cụ Vũ Đình Hòe còn nhớ lại trong hồi ký Thuở lập thân, ông được Nghiêm Toản xem là người bạn vong niên cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Trong ký ức của Nguyễn Lương Ngọc thể hiện nơi hồi ký Nhớ bạn, Nghiêm Toản được nhắc nhớ tới với vóc người thanh mảnh, dáng đi cong mình về phía trước, hai vai nhô cao giật về phía sau. Nhưng ẩn trong thân hình mảnh dẻ nhỏ bé ấy là tiếng nói sang sảng có gang có thép.
Về con người Nghiêm Toản, Nguyễn Lương Ngọc miêu tả bạn mình là “bề ngoài anh giản dị, có phần hơi lạnh. Song tâm hồn anh lại là một tâm hồn nhiều nghị lực, cương quyết, kiên trì quan điểm đến mức cứng rắn”.
Còn người bạn vong niên Vũ Đình Hòe thì nhớ đến Nghiêm Toản là sự quý mến ở tính tình của ông. Không quý mến sao được khi Nghiêm Toản trong ký ức ông Hòe là “tính anh điềm đạm, một nhà nho kiêm tây học, uyên bác và nhã nhặn, khiêm tốn, hiếu học, học trong sách, học bạn”.
Ở Hạo Nhiên, tinh thần không ngừng vươn lên chiếm lĩnh tri thức là một điểm sáng của người suốt đời cầu học. Vẫn lời Vũ Đình Hòe cho hay, dẫu kiến thức uyên bác, nhưng Hạo Nhiên vẫn luôn học hỏi.
Với người bạn vong niên, Nghiêm Toản hay hỏi Vũ Đình Hòe những chủ đề liên quan đến luật tây, luật ta xưa và nay như luật Hồng Đức, luật Gia Long, luật La Mã… trong những dịp gặp nhau đàm đạo.
Đời hoạt động cách mạng
Đường đời của Nghiêm Toản, được Nguyễn Lương Ngọc nhớ lại. Theo đó Hạo Nhiên theo học Cao đẳng Sư phạm. Hòa cùng không khí chính trị của dân tộc, Nghiêm Toản gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng và hoạt động bí mật.
Nhưng rồi vì kết nạp thành viên không tinh, hoạt động của tổ chức này bị lộ. Bộ phận Việt Nam Quốc dân đảng ở trường bị phát hiện, Nghiêm Toản bị bắt đưa vào Hỏa Lò.
Ở nhà giam khét tiếng xứ Bắc Kỳ, Nghiêm Toản đã làm một việc động trời. Là phạm nhân, nhưng mang trong mình lòng tự tôn dân tộc, nên khi bị tên giám thị Pháp miệt thị, Toản đã tặng hắn một cái tát “để nó không coi chúng mình là “sale annamite”.
Sự vụ cụ thể được Trần Hữu Tá thuật lại trong Từ bục giảng đến văn đàn về người thầy của mình.
Ấy là bởi tên giám thị người Pháp mắng nhiếc một người bạn tù, Nghiêm Toản liền can thiệp. Tên giám thị bị đuối lý nên nổi khùng, định dùng sức mạnh vũ lực với dùi cui trấn áp. Nhưng hắn chưa kịp hành động thì đã nhận ngay cái tát trời giáng.
Cái tát ấy lập tức có sự đáp trả từ kẻ thù. Nghiêm Toản bị đày ra Côn Đảo, “địa ngục trần gian” lúc bấy giờ. Dẫu lao tù khắc nghiệt, nhưng chàng trai sau thành giáo sư gõ đầu học trò ấy vẫn kiên định một lòng yêu nước.
Vũ Đình Hòe còn nhớ được bạn kể cho nghe sự khắc nghiệt của Côn Đảo. Ở đây, Nghiêm Toản nằm trong số tù chính trị bị giữ lại trong banh (bagne) lao động khổ sai xay lúa giã gạo. Là người có kiến thức tốt, Nghiêm Toản còn dạy cho bạn tù học văn hóa.
Quãng đời bụi phấn bay bay
Báo Dòng Việt số 6-1999 với chủ đề “Đại học Văn khoa”, trong bài “Hạo Nhiên Nghiêm Toản Thiệu Văn Thị (1907-1978)”, cho biết vào năm 1936, nhờ ảnh hưởng của phong trào Bình dân từ Pháp, ông được mãn hạn tù, Nghiêm Toản về Hà Nội đoàn tụ với vợ. Kể từ đây, Nghiêm Toản theo nghiệp giảng cho đến cuối đời. Toản dạy ở trường tư thục, đảm nhận môn Pháp văn và Văn học Pháp.
Trong ký ức của Trần Hữu Tá, vẫn còn in đậm những ấn tượng đẹp về người thầy của mình, được ông ghi chép lại trong tác phẩm Từ bục giảng đến văn đàn.
Theo đó trước 1945, thầy Nghiêm Toản dạy trường Trung học Gia Long. Tại ngôi trường này, Vũ Đình Hòe còn nhớ, là người có uy tín nên Nghiêm Toản được Hội đồng nhà trường bầu giữ chức Giám học.
Sau 1945, ông kinh qua trường Trung học Văn Lang, Đại học Văn khoa Hà Nội (1950-1954), Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Sư phạm Sài Gòn.
Trên bục giảng, thầy Nghiêm Toản được miêu tả là người có “tư thế đĩnh đạc, tự tin, ánh mắt nghiêm nghị” cùng giọng nói sang sảng. Kể từ khi lấy nghiệp giảng làm kế mưu sinh, Nghiêm Toản “dốc sức dạy học tư, viết sách văn học sử, giữ vững tư cách đạo đức ông thầy”.
Với Lưu Khôn, trong bài “Nhớ thầy cũ” viết về thầy Toản khi dạy Văn khoa đăng trên Dòng Việt số 6-1999 còn nguyên ấn tượng: “Người tuy nhu hòa, nhưng lúc nào Cụ cũng làm việc rất nghiêm túc. Cụ luôn luôn đến lớp đúng giờ và không bao giờ bỏ ra về trước giờ. Bài vở Cụ soạn rất chu đáo”… “Mỗi chữ, mỗi câu đều được Cụ giải thích tường tận, phân tích chi ly”.
Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ảnh tư liệu.
Vợ cụ Hạo Nhiên còn kể lại với ông Vũ Đình Hòe về người chồng đầu gối tay ấp: “Anh Toản vùi đầu vào đọc sách, viết sách”. Không chỉ thế, ông giáo ấy còn sống như một tu sĩ, không rượu, không thuốc lá, không xem xi-nê, không cao lâu. Giữ mình thanh khiết trước những cám dỗ ở miền Nam trước 1975. Duy có một thứ ông nghiện, ấy là trà tàu.
Trước tác để lại
Riêng về trước tác của ông, Giáo sư Nghiêm Toản để lại nhiều tác phẩm khoa học xã hội, trong đó có những tác phẩm chính yếu: Việt Nam văn học sử trích yếu (hai cuốn, Nhà sách Vĩnh Bảo xuất bản, Sài Gòn, 1949); Luận văn thị phạm (Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 1950); Việt luận (Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 1954); Lão Tử đạo đức kinh quốc văn giải thích (sách dịch, hai quyển, Nhà sách Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1970, 1972).
Trong những tác phẩm ấy, Việt Nam văn học sử trích yếu là tác phẩm ghi dấu ấn lớn cho tên tuổi Hạo Nhiên mà Lưu Khôn nhớ là “trước đã nghe danh Cụ qua bộ Việt Nam văn học sử trích yếu, mà báo chí trong Nam từng hết lời ca tụng”.
Tác phẩm Việt Nam văn học sử trích yếu. Ảnh: TRẦN ĐÌNH BA
Vì sao tác phẩm lại được đánh giá cao như vậy? Xem qua nội dung, ta thấy tác giả đã gia công nghiên cứu về văn học bình dân truyền khẩu, văn học bác học chữ Hán và văn học vừa bình dân vừa bác học qua chữ Nôm; tiếp đó là tìm hiểu ngôn ngữ dân tộc qua chữ Nôm và chữ quốc ngữ.
Mảng văn học sử hiện nay thật sự thiếu khuyết, nhưng trước 1975, đã có nhiều tác giả tìm hiểu, nghiên cứu. Trong đó có Hạo Nhiên. Khi bắt tay viết tác phẩm tạo nên danh tiếng học thuật của mình, ông tâm sự trong phần “Tựa”:
“Văn học sử là một khoa học, vốn tự nó đã rất khó, thường đòi hỏi một sức học uẩn súc, lại cần nhiều khoa học phụ, như: ngữ nguyên, từ ngữ, văn phạm, nhân chủng, xã hội, lịch sử, vân vân”.
Xác định khó khăn là thế, lại trước đó đã có bộ Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm. Ấy nhưng Nghiêm Toản với kiến thức uyên thâm của mình, đã vận dụng sở học mà soạn nên tác phẩm với hành văn mới mẻ, tươi tắn, nội dung giản lược không nặng nề, góp phần giúp độc giả hiểu thêm về văn học sử nước Nam.
Và từ đó, văn học sử Việt Nam sau Dương Quảng Hàm, có sự dụng công góp sức đáng kể gắn liền với Hạo Nhiên Nghiêm Toản.