Một ngày sau khi giải Nobel y học năm 2015 được công bố, Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển đã công bố giải Nobel vật lý năm 2015.
Giải Nobel vật lý năm nay được trao cho hai nhà vật lý Takaaki Kajita người Nhật và Arthur Bruce McDonald người Canada về các phát hiện mang tính chất lịch sử về hạt neutrino.
Neutrino được gọi là hạt sơ cấp trong vũ trụ (hạt nguyên vẹn, đồng nhất, không thể tách thành nhỏ hơn).
Có ba loại neutrino gồm neutrino electron, neutrino muon và neutrino tau.
Neutrino không mang điện tích, có tính tương tác yếu, chuyển động với tốc độ rất gần với tốc độ ánh sáng nên rất khó dò.
Từ lâu một nguyên tắc đã được chấp nhận trong ngành vật lý lượng tử, đó là hạt neutrino không có khối lượng. Thế nhưng hai nhà nghiên cứu Takaaki Kajita và Arthur McDonald đã bác lại nguyên tắc này.
Hai nhà vật lý Takaaki Kajita người Nhật và Arthur Bruce McDonald người Canada. Ảnh: AP
Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển giải thích công trình nghiên cứu của hai nhà khoa học Takaaki Kajita và Arthur McDonald đã dẫn đến kết luận mang tầm vóc khoa học đáng kể: Các hạt neutrino, từ lâu được xem như không có khối lượng, thật ra có một khối lượng cho dù khối lượng rất nhỏ.
Hãng tin AFP ghi nhận với kết luận của hai nhà khoa học kể trên, xem như vật chất đã chiến thắng phản vật chất (hạt liên kết tạo thành vật chất - như neutrino, còn phản vật chất được tạo thành từ liên kết phản hạt - như phản neutrino).
Cuối thập niên 1990, Takaaki Kajita cũng đã phát hiện các hạt neutrino khí quyển đã thay đổi tính đồng nhất trên đường đến đài quan sát thiên văn Super-Kamiokande ở Nhật.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của Arthur Bruce McDonald ở Canada đã chứng minh các neutrino đến từ mặt trời không biến mất trên đường đến Trái đất mà biến đổi thành một dạng khác khi đài quan sát thiên văn Sudbury phát hiện.
Hiện nay hạt neutrino vẫn chưa được giải mã hoàn toàn. Các nhà khoa học vẫn chưa nhất trí về khối lượng của neutrino.
Một số người vẫn khăng khăng cho rằng neutrino không có khối lượng trong khi những người khác nói ngược lại.
Vấn đề quan trọng là phải bắt được hạt neutrino. Các đài thiên văn như Super-Kamiokande ở Nhật hay Sudbury ở Canada sẽ giữ nhiệm vụ buông lưới tóm hạt neutrino.
Nhà vật lý người Nhật Takaaki Kajita (56 tuổi) tốt nghiệp ĐH Saitama (tỉnh Saitama) năm 1981 và năm năm sau lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Tokyo. Đến năm 1988, ông bắt đầu làm việc tại Viện Nghiên cứu bức xạ vũ trụ thuộc ĐH Tokyo.
Ông được phong giáo sư năm 1999, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu neutrino vũ trị thuộc Viện Nghiên cứu tia vũ trụ.
Năm 1988, ông cùng nhóm nghiên cứu ở đài thiên văn Kamiokande phát hiện hạt neutrino muon trong các hạt neutrino khí quyển. Ông gọi đó là hiện tượng bất thường của các hạt neutrino khí quyển.
Ông đã nhận được các giải thưởng gồm giải Nishina (giải thưởng vật lý uy tín nhất và lâu đời nhất ở Nhật) năm 1999, giải Julius Wess năm 2013. Hiện ông làm việc tại Viện Kavli về vật lý và toán học vũ trụ (ĐH Tokyo).
Trong khi đó, nhà vật lý Arthur Bruce McDonald (72 tuổi) người Canada đã lấy bằng tiến sĩ vật lý tại Viện Công nghệ California. Ông đang làm việc tại ĐH Queen’s ở Kingston thuộc tỉnh Ontario (Canada).
Trả lời Quỹ Nobel, nhà vật lý Takaaki Kajita giải thích ông hay tin được trao giải Nobel vật lý trong lúc xem thư điện tử. Ông nói: “Thật là ngạc nhiên đối với tôi… Chuyện này hơi khó tin”. Nhà vật lý Arthur McDonald bộc bạch sau khi hay tin được trao giải Nobel, ông lại có cảm giác gì đó hơi lo lắng. Ông nói: “Tôi xin chia sẻ giải này cùng với nhiều đồng nghiệp đã góp công lao đáng kể”. _____________________________________ 10 tỉ neutrino từ mặt trời đi qua Trái đất thì sẽ chỉ có một neutrino tương tác với một nguyên tử trên hành tinh chúng ta. Do đó vấn đề quan trọng là phải bắt được các hạt neutrino. Khám phá lịch sử. (Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển nhận xét công trình nghiên cứu về hạt neutrino của Takaaki Kajita và Arthur McDonald) |