Chị THT (ngụ khu phố 6, phường 6, quận 8, TP.HCM) sau khi chia tay chồng thì qua Singapore làm việc. Trong thời gian đi xa mưu sinh, chị vẫn luôn mong nhớ con gái của mình. Khi được về nhà, chị đến nhà chồng cũ để thăm con thì bị ông bà nội kiên quyết khước từ, nói rằng con chị không có ở nhà. Chồng cũ của chị cũng bất hợp tác. Chị năn nỉ không được, bèn đến phường nhờ can thiệp.
Phường đã cử cán bộ tư pháp, cán bộ phụ trách mảng trẻ em, hội phụ nữ đến gia đình chồng cũ của chị T. động viên để gia đình tạo điều kiện cho người mẹ trẻ thực hiện quyền gặp mặt, chăm sóc con ruột của mình.
Không muốn con gái… giống mẹ
Lúc đó, chị Đỗ Thị Kim Oanh (cán bộ phường phụ trách mảng trẻ em) đã tham gia buổi gặp mặt này. Chị Kim Oanh cho biết: “Người lớn giận nhau, nhiều khi không biết làm vậy là phạm luật và ảnh hưởng đến trẻ con”.
Sau khi nghe cả hai bên nói qua nói lại, chị Kim Oanh mới hiểu được sự ngăn trở từ phía gia đình chồng cũ của chị T. là do thành kiến dành cho nhau quá nặng. Cũng vì điều này mà cuộc hôn nhân của chị T. tan vỡ và để lại những tổn thương, ấm ức mãi về sau cho cả hai phía.
Chị T. là một cô gái rất xinh đẹp với cách sống cởi mở, ham vui và có nhiều bạn bè. Trước khi kết hôn, chị làm phục vụ cho một quán cà phê. Anh N. chồng chị lại hay ghen nên sau khi kết hôn, anh đề nghị chị ở nhà làm nội trợ, chăm con. Hai vợ chồng chị sống chung với cha mẹ chồng. Ông bà theo nếp xưa, rất nghiêm khắc và thường hay bày tỏ sự không hài lòng về cô con dâu ham vui. Được một thời gian thì chị T. cảm thấy “chịu hết nổi” với cuộc sống ngột ngạt, nghiêm khắc nên “đấu tranh” để được ra ngoài đi làm. Cha mẹ chồng chị kiên quyết phản đối vì cho rằng chị từng làm phục vụ quán cà phê là “không đàng hoàng”, cho rằng con dâu ra ngoài sẽ sinh hư. Chồng chị càng phản đối vì anh rất ghen.
Cuối cùng, chị T. quyết định “bứt luôn”. Chị không có việc làm ổn định nên anh giành được quyền nuôi con. Phía chồng và gia đình chồng giận chị đến mức rầy rà không muốn cho con gái gặp mẹ, lấy lý do sợ đứa trẻ… giống mẹ ở cái nết ham vui, ham chơi. Nhưng ban đầu họ vẫn miễn cưỡng cho chị gặp con. Trong một lần chị đưa con đi chơi vài ngày rồi mới trả về, họ lấy lý do “đi qua đêm không xin phép” rồi cấm cửa không cho chị gặp con nữa.
Cán bộ tư pháp phường và các hội đoàn thể đã giải thích với gia đình chồng chị rằng việc cản trở người mẹ thăm con là trái pháp luật. Ông bà nhượng bộ vì sợ phạm luật nhưng vẫn rất dè chừng. Sau mỗi lần bé gặp mẹ, họ đều hỏi han kỹ lưỡng, không đồng ý cho mẹ đưa bé đi qua đêm, sợ bé quá thân thiết với mẹ rồi… giống mẹ. Chị T. cho biết chị đã chấp nhận bức tường thành kiến là có thật và không mong phá vỡ được nó. Chị chỉ biết dành hết tình cảm cho con, dành dụm tiền gửi về nuôi con.
Giận vợ cũ, giấu biệt con
Chị NTT (xã Hưng Thuận, Trảng Bàng, Tây Ninh) lại không may mắn như chị T. vì chồng cũ và cha mẹ chồng quyết giấu con khiến cơ quan thi hành án huyện cũng đau đầu. Cách đây bốn năm, chị ly hôn với chồng do có quá nhiều bất đồng với chồng và gia đình chồng. Tòa án giao cho chị quyền nuôi con. Chồng cũ của chị nhiều lần níu kéo không thành công.
Trong một lần chị NTT gửi con cho bà ngoại để đi du lịch, chồng cũ của chị đến xin thăm con, chở con đi chơi rồi… “bắt cóc” con đem về nhà mình. Khi chị NTT trở về, chồng chị kiên quyết không giao con, luôn tìm lý do là bé đang đi chơi với họ hàng. Không tìm gặp được con, chị đã tìm đến công an xã, đội thi hành án (THA) huyện nhờ cưỡng chế giao lại con. Lúc đó, anh Huỳnh Văn Út (Phó Chi cục trưởng Chi cục THA huyện Trảng Bàng) bày tỏ: “Cưỡng chế giao tài sản rất đơn giản nhưng làm sao cưỡng chế để giao một con người mà không tránh khỏi tổn thương?”. Đội THA đã phải ngừng lại khi thấy anh ôm con nhảy qua hàng rào, lên xe máy chạy trốn. Phương án của THA là vận động, không cưỡng chế nhằm tránh gây nguy hiểm cho cháu bé.
Chồng cũ của chị NTT đã nhiều lần lên xã để xin… đóng phạt hành chính chứ nhất định không giao con. Anh ra điều kiện chỉ giao con khi chị NTT đồng ý quay về. Sau nhiều lần thương lượng với vợ cũ, anh cho phép vợ cũ đến thăm con với sự… giám sát của cả gia đình chồng. Chị NTT nhiều lần năn nỉ được đưa con về nhà ngủ cùng mẹ nhưng anh không đồng ý, sợ vợ cũ “cướp lại con”.
Cuộc chiến đòi con cứ kéo dài như vậy, chị NTT nhiều lần gọi điện thoại khóc với phóng viên vì tuyệt vọng. Lúc đó, con của chị mới hai tuổi, cháu bé rất nhớ mẹ. Mỗi lần hai mẹ con gặp nhau dưới sự giám sát của nhà chồng, chị cứ ôm con khóc.
Chị NTT bày tỏ: “Có lúc tôi đã định nghĩ lại, cho ảnh một cơ hội. Nhưng ảnh không biết rằng việc giấu con để gây áp lực với tôi đã làm tôi vô cùng đau khổ và tình cảm càng khó hàn gắn thêm”.
Bị phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng nếu cản trở quyền thăm con Theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”. Theo Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc của cha mẹ đối với con cái có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Cần hiểu sự thiêng liêng của tình phụ tử, tình mẫu tử Nhiều người không ý thức được việc cản trở cha, mẹ ruột đến thăm con là vi phạm pháp luật. Tôi từng gặp những trường hợp có gia đình họ không nhằm trả đũa gì nhưng vì họ cho rằng người kia không tốt, có thể gây ảnh hưởng xấu tới con trẻ mà cấm cản việc gặp. Họ giải thích với tôi rằng họ chỉ làm điều tốt cho con. Họ không hiểu rằng tình phụ tử, tình mẫu tử là rất thiêng liêng, không ai có quyền cấm cản. Luật sư ĐẶNG THÀNH TRÍ, Đoàn Luật sư TP.HCM |