Giữa tháng 7-2016, bốn vụ tấn công đã xảy ra trong vòng một tuần ở Đức làm 10 người chết và 56 người bị thương. Trong đó có ba vụ do đối tượng xin nhập cư thực hiện.
Vụ tấn công bằng xe tải tại chợ Giáng sinh ở Berlin tối 19-12 nghiêm trọng hơn vì nhiều người chết hơn (12 người) và cách thức gây án mới ở Đức.
Chuyên gia Sebastian Lange ở ĐH Humboldt (Đức) nhận xét vụ tấn công này tác động lớn đến Đức trong bối cảnh Đức đang chuẩn bị bầu cử Quốc hội trong năm 2017.
• Về chính trị:Người lãnh đòn đầu tiên là Thủ tướng Angela Merkel, người chủ trương mở cửa đón nhận người nhập cư.
Cách đây một năm rưỡi, dư luận đã bắt đầu công kích bà về vấn đề nhập cư. Năm 2015, Đức đã tiếp nhận đến hơn một triệu người nhập cư.
Đến tháng 7-2016, uy tín của bà Merkel và đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) bắt đầu phục hồi. Do đó cuối tháng 11, bà tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư.
Bây giờ lại xảy ra vụ tấn công ở Berlin. Bà Merkel sẽ là người giơ đầu chịu báng.
Các nhà phân tích dự báo sau vụ tấn công, xu hướng dân túy cực hữu có thể sẽ thắng thế. Đảng Lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo xu hướng cực hữu sẽ kiếm thêm phiếu cử tri.
Phong trào Pegida (cực hữu) cũng sẽ lợi dụng cơ hội để ráo riết biểu tình phản đối người nhập cư và người theo Hồi giáo.
Ngày 20-12, Thủ tướng Angela Merkel đặt hoa tại hiện trường vụ tấn công tại quảng trường Breitscheidplatz ở Berlin. Ảnh: AP
• Về chính sách nhập cư: Chính phủ Đức sẽ phải gia tăng tiến độ xem xét hồ sơ xin nhập cư. Mọi đối tượng xin nhập cư trong tình trạng bất thường, không có quyền tị nạn hay quyền lưu trú chắc chắn sẽ bị trục xuất về nguyên quán.
Nước Đức phải chấp nhận mất đi hình ảnh “miền đất hứa” đối với dân di cư.
• Về an ninh: Vụ tấn công bằng xe tải ở Đức tương tự vụ xảy ra ở Nice (Pháp) ngày 14-7-2016. Tuy nhiên, tình trạng pháp lý của hai nước khác nhau nên Đức không thể làm mạnh tay như Pháp.
Ở Đức, tòa án hiến pháp giám sát rất chặt chẽ về bảo vệ các quyền tự do cá nhân. Chưa kể Đức không quên quá khứ quân phiệt. Vì thế mà bảo vệ các quyền tự do cá nhân đã được nêu ngay trong chương đầu tiên của Luật Cơ bản Đức (Hiến pháp).
Khi nhà nước đưa ra các biện pháp tăng cường giám sát an ninh và hạn chế quyền tự do cá nhân, người dân lại rùng mình nhớ lại thời phát xít.
Do đó Đức rất khó ban hành các biện pháp như sử dụng triệt để máy ghi hình, kiểm tra thư tín và cuộc gọi, cho sử dụng súng trong khi tuần tra.
Dù vậy, trong bối cảnh đe dọa khủng bố gia tăng, Đức vẫn phải nỗ lực củng cố an ninh trong giới hạn đặc thù của mình.
Ngày 21-12 (giờ địa phương), nội các của Thủ tướng Angela Merkel đã thông qua nguyên tắc về củng cố giám sát bằng video tại nơi công cộng. Biện pháp giám sát bằng video sẽ được mở rộng tại nhiều địa điểm công cộng như cơ sở thể thao, trung tâm thương mại. Cảnh sát cũng có thể đeo máy ghi hình thu nhỏ trong người. Đây là biện pháp then chốt trong hàng loạt biện pháp được Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maizière công bố hồi tháng 8. Các biện pháp được đề nghị bao gồm tăng quân số cảnh sát liên bang, cảnh sát tư pháp và cơ quan tình báo; sửa đổi luật đối với người nước ngoài phạm tội và người được xác định là mối đe dọa an ninh. Biện pháp bị chỉ trích mạnh mẽ như điều động quân đội tham gia bảo vệ trị an cũng được nêu ra. _______________________________ Hiện trường vụ tấn công bằng xe tải hôm 19-12 ở quảng trường Breitscheidplatz đối diện nhà thờ tưởng niệm hoàng đế Wilhelm lại không được bố trí máy ghi hình an ninh dù đây là khu du lịch nổi tiếng. |