“Ngày lễ kỷ niệm 30-4 là ngày của sự đoàn kết, ngày thống nhất, ngày hòa hợp trong lòng dân tộc”. GS-NGND (Nhà giáo nhân dân) Vũ Dương Ninh (ảnh, nguyên Chủ nhiệm khoa Quốc tế học, ĐH Quốc gia Hà Nội) đã nói như thế với Pháp Luật TP.HCM khi nhìn về mốc lịch sử, kỷ niệm 44 năm ngày thống nhất đất nước.
Cả dân tộc đã cùng vượt lên để xây dựng và hội nhập
. Phóng viên: Thưa ông, 30-4 năm nay, chúng ta kỷ niệm 44 năm ngày thống nhất đất nước, nhìn lại những chặng đường đã qua, ông có suy nghĩ gì?
+ GS-NGND Vũ Dương Ninh: Đất nước đã trải qua một thời gian dài cho phép chúng ta nhìn nhận vấn đề theo một góc độ khác. Khi mới giành được thắng lợi, chúng ta nghĩ đến việc thống nhất đất nước và hòa giải giữa người dân của hai miền. Trải qua nhiều năm, đã hơn một phần ba thế kỷ, nhân dân hai miền đã cùng nhau chia sẻ khó khăn, vất vả để xây dựng đất nước mặc dầu quá trình xây dựng đó không phải lúc nào cũng thông suốt mà gặp khá nhiều trở ngại.
. Đó là trở ngại gì, thưa ông?
+ Trở ngại đó đến từ cả bên ngoài lẫn bên trong. Nước ta chưa hoàn toàn đi vào thời kỳ phát triển thanh bình, mối đe dọa về vấn đề hải đảo vẫn là câu chuyện nóng. Ở bên trong, những tàn dư của sự phân cách trước đây chưa hoàn toàn được xóa bỏ, gây nên trở ngại nhất định đối với sự hòa hợp, thống nhất. Nhưng thực tế cho thấy cả dân tộc đã cùng vượt lên, cùng bước vào một thời kỳ đổi mới để xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế.
. Còn những lằn ranh của sự thống nhất, hòa hợp thì thế nào?
+ Những đồng bào ra đi từ miền Nam cho đến nay đã có một thế hệ mới, những chuyện ngày xưa thuộc về lịch sử, bây giờ phải làm thế nào người bên trong, người bên ngoài, người có công, người có của góp sức cùng nhau để cho đất nước tiến lên. Đã có nhiều người Việt ở nước ngoài về nước, trước hết là thăm gia đình, làng quê, sau đó là đầu tư làm ăn, tham gia vào các hoạt động văn hóa, giáo dục, xã hội, đem lại nhiều kết quả, thành tựu đáng phấn khởi. Vì cuối cùng người Việt Nam cũng vẫn là người Việt Nam, vẫn chung một cội nguồn, chung một tình yêu quê hương, chung một ước mong đất nước thanh bình và cường thịnh.
. Vậy theo ông, ở thời điểm hiện tại chúng ta cần có ứng xử như thế nào để thật sự tạo được sự hòa hợp, thống nhất trong muôn lòng người Việt Nam ?
+ Hiện nay chúng ta có điều kiện thích hợp nhất để tăng cường hòa hợp. Tôi nghĩ mấy chục năm vừa qua cũng đủ thời gian để cảm thông nhau, để hòa giải các vấn đề do lịch sử để lại. Nhất là bây giờ, những thế hệ mới người Việt ở trong nước hoặc ở nước ngoài có cái nhìn phóng khoáng hơn, lại học tập được nhiều kinh nghiệm của thế giới. Tất cả cùng nhìn về tương lai để xây dựng đất nước. Chuyện ngày xưa đã qua là do lịch sử tạo nên, bây giờ là lúc để hướng về tương lai, hướng về một nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và phát triển, một nước Việt Nam có vị thế (trí) quốc tế, hòa cùng công cuộc xây dựng hòa bình thế giới, cùng đà phát triển của thế giới.
Chúng ta cần hòa hợp một cách thực sự để cùng nhau xây dựng đất nước phồn thịnh. Sự phồn thịnh sẽ đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc đến từng gia đình, từng dòng họ và làng xóm, cộng đồng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với kiều bào vui xuân, đón Tết tại đền Ngọc Sơn trong chương trình Xuân quê hương 2019. Ảnh : TTXVN
Người Việt cùng đồng lòng sẽ làm được điều mong đợi
. Sự hòa hợp như ông nói không chỉ đến từ những người dân, mà còn chính sách của Đảng và Nhà nước ta?
+ Đảng và Nhà nước ta đã tìm nhiều biện pháp, chính sách để kêu gọi đồng bào ở nước ngoài hướng về quê hương. Người Việt Nam bất cứ đâu cũng có chung Tổ quốc, chung dòng máu, chung tình cảm, do đó cùng chung nghĩa vụ đối với dân tộc, với làng quê, với dòng họ của chính mình. Chính sách đó đã thực sự được phát huy do mỗi người Việt Nam đều cảm nhận được rằng nó xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng của mình. Chính sách đúng đắn đó đã tạo nên sự hòa hợp trong cuộc sống thực tế từ việc lớn cho đến việc nhỏ, từ phạm vi đất nước cho tới từng dòng họ và gia đình.
. Từ những thành quả chung đó, ông kỳ vọng gì về sự phát triển của đất nước?
+ Chúng ta thấy nhiều nước có những bước tiến rất mạnh mẽ, từ những nước được gọi là “đang phát triển” nay đã có trình độ cao, trở thành những “con rồng, con hổ”.
Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện tinh thần, sức lực và ý chí để làm được điều đó. Nếu tất cả người Việt Nam đang sinh sống ở trong nước và nước ngoài hòa thành một khối trên tinh thần hòa hợp dân tộc để xây dựng, chắc chắn chúng ta sẽ làm được điều mà chúng ta mong đợi.
. Xin cám ơn ông.
Xóa bỏ định kiến, đoàn kết người Việt trong và ngoài nước Nghị quyết 36 ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nghị quyết 23 ngày 16-6-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đều nhấn mạnh đã nêu rõ: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”. Phát biểu tại Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII (2014), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc”. Tại chương trình giao lưu nghệ thuật “Xuân quê hương 2015 - Tổ quốc vinh quang” năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi đó cũng nhấn mạnh rằng: “Không có lý do gì để còn bất kỳ ai trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn định kiến, mặc cảm về quá khứ mà cản trở sự củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam”. Đại hội lần thứ XII của Đảng một lần nữa khẳng định các quan điểm, chủ trương về đoàn kết, hòa hợp dân tộc: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước”... *** "Đồng bào ta ở nước ngoài về thăm quê hương rất nhiều, hiểu được đất nước rõ hơn, hiểu được tình hình trong nước, cảm nhận được sự đón tiếp nồng ấm của đồng bào ở quê hương. Dù không tránh khỏi đôi chút ngần ngại do ấn tượng cũ hoặc do ý đồ của một bộ phận rất nhỏ vẫn cố tình chia cắt giữa đồng bào trong nước và đồng bào ngoài nước nhưng ranh giới đó đã xóa đi rất nhiều". GS-NGND VŨ DƯƠNG NINH |