Chào mừng 44 năm ngày thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2019)

Hai chữ quê hương cứ thổn thức trong lồng ngực!

TS Trần Văn Bình, Việt kiều Đức, chuyên gia trong lĩnh vực khai thác năng lượng và bảo vệ môi trường, trải lòng với Pháp Luật TP.HCM.

Dù có đi đâu vẫn là người Việt

Năm 1968, chàng thanh niên 18 tuổi Trần Văn Bình sang Cộng hòa Liên bang Đức nhận suất học bổng về chuyên ngành năng lượng. Sau khi tốt nghiệp và trải qua nhiều năm làm việc, cậu thanh niên ngày nào giờ đã là tiến sĩ, một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Năm 2008, TS Trần Văn Bình quay trở về Việt Nam với mong mỏi duy nhất là đem vốn kiến thức, kinh nghiệm mà mình có được sau 40 năm học tập, làm việc ở Đức để cống hiến cho quê hương. Từ đó đến nay, ông hầu như dành toàn bộ thời gian, 9-10 tháng/năm để làm việc ở Việt Nam.

“Trước thời điểm năm 2008, tôi có về Việt Nam vài lần và nhận thấy rằng mình có gần 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo thì tại sao không mang những hiểu biết, trải nghiệm đó về cho quê hương của mình” - TS Bình chia sẻ. Từ khi về nước, TS Trần Văn Bình đã tự mình đi khảo sát nhiều vùng địa hình; tìm hiểu, nghiên cứu về nhu cầu điện sinh hoạt ở những vùng khó khăn, nông thôn, vùng sâu, vùng xa để tìm cách đáp ứng ở mức tối thiểu cho người dân ở đó. Ông ấp ủ thực hiện dự án khai thác năng lượng tái tạo ngay chính nơi mình sinh ra là huyện Tuy Phong, Bình Thuận.

Sau bao nỗ lực, đến năm 2011, ông cùng các đồng nghiệp đã đưa 20 cánh quạt gió đầu tiên về lắp đặt hoàn chỉnh, giúp kết nối với mạng lưới điện quốc gia, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng tại Việt Nam. Ông cũng đã kết nối thành công cho các chuyên gia nước ngoài đến và tham gia vào lĩnh vực khai thác năng lượng gió ở Việt Nam.

TS Trần Văn Bình luôn muốn góp sức mình vào quá trình phát triển của đất nước. Ảnh: THANH TUYỀN

Khó khăn không là rào cản

Thời gian đầu, TS Bình gặp nhiều khó khăn về thói quen sinh hoạt, các vấn đề về thủ tục, giấy tờ trong nước. Nhưng đó chưa bao giờ là lý do để ông từ bỏ.

Ông thừa nhận: “Sống mấy chục năm ở nước ngoài, lúc đầu quay về nước cũng có những thứ mình không quen; cũng có những đụng chạm, bực mình nho nhỏ trong cuộc sống và cả công việc nữa. Tôi không có CMND, không có hộ khẩu ở Việt Nam nên tôi không thể mua được đất để mở công ty… Nhưng tất cả những điều đó tôi nghĩ không đủ lớn, không phải là rào cản làm tôi mất đi nhiệt huyết, mong mỏi được góp sức mình cho quê nhà. Những khó khăn đó cũng không quá lớn lao để phải từ bỏ gì cả. Xã hội nào cũng có chuyện này chuyện kia, tôi nghĩ vậy và cứ tiếp tục công việc của mình ở quê nhà”.

Ngoài công việc chuyên môn, TS Trần Văn Bình còn tham gia các hoạt động từ thiện để giúp đỡ cho những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như Quỹ học bổng Vừ A Dính, Quỹ học bổng Tiếp sức đến trường…

Cuối cuộc trò chuyện, TS Bình có nhắc đến chuyến đi thăm đảo Trường Sa vào năm 2015. “Đi ra đó, thấy các chiến sĩ ngày đêm căng mình để giữ vững biển đảo quê hương giữa biển khơi, tôi xúc động vô cùng. Hai chữ đất nước, quê hương lúc đó cứ thổn thức trong lồng ngực. Tôi ước sao nhiều anh em, bạn bè của mình cũng sẽ có cơ hội tham gia những chuyến đi như vậy để cảm nhận rõ hơn về quê hương, đất nước mình” - ông xúc động.

Việt kiều ĐẶNG TẤT THẮNG, nhà sáng lập Công ty TNHH Giải pháp công nghệ I3 Australia:

Mong ước cải thiện môi trường y tế Việt Nam

Hai chữ quê hương cứ thổn thức trong lồng ngực! ảnh 2
Việt kiều ĐẶNG TẤT THẮNG

Tôi là kỹ sư công nghệ thông tin thế hệ 8x, sống và làm việc ở Úc. Hơn 10 năm làm phần mềm liên quan đến lĩnh vực y tế tại Úc, tôi nhận thấy hệ thống y tế của họ luôn đem lại nhiều tiện lợi nhất cho bệnh nhân. Các bác sĩ biết tận dụng sức mạnh công nghệ thông tin để khám lâm sàng chính xác và giám sát chặt chẽ bệnh án bệnh nhân, nhờ đó bệnh nhân được khám, chữa bệnh rất nhanh và chính xác.

Trong những chuyến về thăm Việt Nam, tôi thấy các bác sĩ, điều dưỡng trong nước làm việc trong môi trường rất nhiều áp lực. Phần mềm tại các bệnh viện thiên về phục vụ quản trị hàng hóa, vật tư hơn là hỗ trợ khám lâm sàng cho bác sĩ. Thế là tôi quyết định trở về Việt Nam mở công ty để vừa thử thách bản thân, vừa muốn đóng góp kiến thức thu thập từ nước ngoài về phục vụ đất nước.

Việc chọn Việt Nam khởi nghiệp có lý do khác nữa là việc thiết lập công ty bên Úc có chi phí cao, việc phát triển phần mềm cũng không rẻ vì chi phí nhân công đắt. Trong khi đó về Việt Nam, tôi được Nhà nước miễn thuế trong vòng bốn năm do hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhân lực Việt Nam trong lĩnh vực này có trình độ tốt và hiện vẫn có mức lương khá hợp lý. 

Chưa kể, TP.HCM có Công viên phần mềm Quang Trung được trang bị tốt về nguồn lực, hỗ trợ mạnh cho các doanh nghiệp và có uy tín tổ chức các hội thảo quốc tế. Và tôi cũng hưởng lợi từ đây như giúp mình biết được bức tranh toàn cảnh thị trường ra sao, các công ty khác đang làm gì, gặp gỡ và kết nối được nhiều đối tác.

Sau bốn năm hoạt động tại Việt Nam, công ty đã ký được nhiều hợp đồng triển khai phần mềm phục vụ hoạt động cho các đối tác như BV Bạch Mai, BV Hoàn Mỹ, Saigon Co.opmart… Kỳ vọng thời gian tới, công ty tôi sẽ được tham gia xây dựng phần mềm y tế thông minh để cải thiện môi trường y tế cho Việt Nam. Phần mềm này hướng đến nhiều đối tượng khác nhau trong lĩnh vực y tế, như nhà quản lý biết vận hành bệnh viện một cách đúng và nhanh nhất có thể, rồi các bác sĩ, điều dưỡng phối hợp với nhau trong việc khám, chữa bệnh, bệnh nhân có thể làm chủ bệnh án, kết nối bác sĩ gia đình của mình…

Q.HUY-M.PHƯƠNG 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.