HĐND: Trồng rừng ở Đắk Lắk chỉ đạt 33% kế hoạch

(PLO)- Kế hoạch trồng rừng không đạt với kế hoạch đề ra, tỷ lệ che phủ rừng cũng không hoàn thành trong mục tiêu của nghị quyết đại hội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-8, nguồn tin của PLO cho biết HĐND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành kết luận của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác trồng rừng tập trung; phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2019 – 2022.

Vụ hủy hoại hơn 400 ha rừng ở địa bàn xã Ea Tờ Mốt, huyện Ea Súp hồi tháng 4-2022. Ảnh: HT

Vụ hủy hoại hơn 400 ha rừng ở địa bàn xã Ea Tờ Mốt, huyện Ea Súp hồi tháng 4-2022. Ảnh: HT

Độ che phủ rừng, trồng rừng không đạt

Trong giai đoạn 2016-2020, nhiệm vụ trồng rừng tỉnh Đắk Lắk không đạt so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, kế hoạch đặt ra, bình quân trồng 7.000ha rừng/năm; nhưng chỉ thực hiện được 2.337ha rừng/năm. Tương đương với việc đạt 33,4% kế hoạch.

Giai đoạn 2021 - 2022, tỷ lệ che phủ rừng giảm hằng năm. Trong đó, năm 2021 đạt 38,35% (giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2020); năm 2022 đạt 38,03% (giảm 0,32% so với cùng kỳ năm 2021). Trong khi, theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, đến hết nhiệm kỳ, tỷ lệ che phủ rừng đạt từ 40 - 42%.

Khoanh nuôi, tái sinh rừng, đầu tư trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và hỗ trợ trồng rừng sản xuất chưa được quan tâm bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện.

Chất lượng rừng tự nhiên là rừng sản xuất tại một số địa phương rất thấp, nhiều diện tích rừng nghèo kiệt. Rừng không có trữ lượng gỗ, cây rừng thưa thớt xen lẫn những diện tích đất rừng đã bị xâm canh, lấn chiếm trải rộng trên nhiều lâm phần quản lý của các đơn vị chủ rừng.

Điều này là nguy cơ dễ bị mất những diện tích rừng này nếu không được quản lý, bảo vệ chặt chẽ và có biện pháp cải tạo, phục hồi.

Bên cạnh đó, công tác trồng rừng, phát triển các mô hình lâm nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Dự án của doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả

Vẫn theo kết luận của HĐND tỉnh Đắk Lắk, nhiều dự án nông lâm nghiệp bộc lộ những tồn tại, yếu kém như: do nguồn lực hạn chế; công tác lựa chọn mô hình phát triển cây trồng chưa phù hợp, chậm tiến độ, cây trồng bị chết, sinh trưởng kém; chưa thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, để rừng bị chặt phá, đất đai bị xâm canh lấn chiếm, giải quyết việc làm cho người lao động chưa đáng kể, còn có dự án vi phạm pháp luật về đất đai; hồ sơ, thủ tục về việc giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án còn chậm, nhiều dự án chưa thực hiện ký hợp đồng thuê rừng.

Lâm phần của Công ty TNHH Trồng rừng 27-7 (huyện Ea Súp) bị mất với diện tích rất lớn. Ảnh: VŨ LONG

Lâm phần của Công ty TNHH Trồng rừng 27-7 (huyện Ea Súp) bị mất với diện tích rất lớn. Ảnh: VŨ LONG

Tiến độ đầu tư cải tạo rừng, trồng rừng, trồng cây cao su thực hiện chậm so với quy hoạch của dự án (cải tạo trồng rừng được 835,67ha, đạt 32,50% so với quy hoạch; trồng rừng, trồng cây cao su được 14.560,54ha, đạt 61,16% so với quy hoạch).

Một số dự án đất quy hoạch trồng rừng, trồng cây cao su bị xâm canh, lấn chiếm, tranh chấp không đúng pháp luật vẫn chưa được thu hồi để thực hiện dự án.

Một số dự án phát triển cây cao su, mặc dù đã được đề xuất giải pháp thâm canh nhưng trong quá trình thực hiện chưa được đầu tư đúng mức, chưa thực hiện đúng giải pháp kỹ thuật, hiệu quả kinh tế không cao.

Các công ty TNHH một thành viên, hai thành viên lâm nghiệp quản lý, kinh doanh không hiệu quả, thiếu kinh phí để trang trải cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở một số địa phương vẫn còn, chưa xử lý dứt điểm; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép diễn biến phức tạp, nhất là các địa phương có nhiều dân di cư ngoài kế hoạch đến sinh sống nhưng chưa thực hiện được quy hoạch ổn định dân cư.

Gần 95.000 ha rừng bị mất

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, từ năm 2006 đến năm 2016 diện tích rừng tự nhiên của Đắk Lắk suy giảm hơn 67.200 ha.

Còn Thanh tra Chính phủ kết luận, từ năm 2017 – 2020 rừng Đắk Lắk tiếp tục suy giảm thêm hơn 27.400 ha.

Có bốn công ty lâm nghiệp để mất rừng với diện tích lớn, gồm Công ty TNHH Ea Hmơ, Ya Lốp, Rừng Xanh, Cư Mlan...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm