Ngày 17-4, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết Bộ NN&PTNT vừa có đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk về việc xử lý tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện Ea Súp và huyện Lắk (Đắk Lắk).
Vụ phá rừng gần 400 ha ở huyện Ea Súp đã được cơ quan chức năng khởi tố vụ án. Ảnh: QN |
Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, tình hình vi phạm các quy định về bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có diễn biến phức tạp. Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp cho biết từ ngày 1-4, Cục Kiểm lâm phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức kiểm tra, làm rõ tình trạng phá rừng trái pháp luật tại huyện Ea Súp và huyện Lắk. Kết quả kiểm tra ban đầu phát hiện khoảng 432 ha rừng các loại bị phá.
Trong đó, kiểm tra một số khu vực tại các tiểu khu 205, 212 (thuộc địa giới hành chính xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp), phát hiện diện tích rừng bị phá khoảng 382 ha. Hiện trường cho thấy toàn bộ cây rừng bị chặt phá trắng, còn lại các gốc cây có đường kính 6-30 cm và một số thân cây, cành ngọn nằm rải rác, một số còn tươi. Đây là loại rừng tự nhiên núi đất, lá rộng do UBND xã Ya Tờ Mốt quản lý.
Còn tại huyện Lắk, kiểm tra một số khu vực tại các tiểu khu 1391, 1392 và 1400, thuộc địa giới hành chính xã Đắk Phơi, phát hiện diện tích rừng bị phá ước tính khoảng 50 ha. Hiện trạng là rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng lồ ô. Tại hiện trường, toàn bộ cây rừng đã bị chặt phá trắng, còn lại các gốc cây có đường kính 6-20 cm. Diện tích rừng bị phá do Công ty CP Tập đoàn Tân Mai - Chi nhánh Đắk Lắk và UBND xã Đắk Phơi quản lý.
Liên quan đến vụ việc phá rừng xảy ra tại huyện Lắk, ông Nay Phú, Chủ tịch UBND huyện Lắk, cho biết sau khi nhận được thông tin, huyện đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp xác minh cụ thể để có báo cáo ban đầu.
Theo tìm hiểu của PV, trước đó Cục Kiểm lâm phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường vụ phá rừng xảy ra tại huyện Lắk. Qua kiểm tra hiện trường, đoàn kiểm tra đã xác định diện tích rừng bị phá là 74,6 ha (trong đó có 63,7 ha tại các tiểu khu 1391, 1392 và 1400 thuộc lâm phần do Công ty CP Tân Mai quản lý, số diện tích còn lại do UBND xã Đắk Phơi quản lý).
Trạng thái rừng gỗ tự nhiên nghèo, thuộc quy hoạch rừng sản xuất. Sau đó, Cục Kiểm lâm đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Hạt Kiểm lâm cùng đơn vị liên quan khẩn trương lập hồ sơ, điều tra đối tượng liên quan đến khu vực rừng bị phá.
Tại văn bản trên, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk phải xử lý trách nhiệm của chủ rừng và các tổ chức, cá nhân liên quan khi để xảy ra phá rừng, khai thác rừng mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Liên quan đến vụ phá rừng ở huyện Ea Súp, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án về tội hủy hoại rừng và đang tiếp tục điều tra.