Cũng theo bản khảo sát, hình ảnh một trung tâm mua sắm ở Bangkok được chia sẻ nhiều nhất trên trang web chia sẻ hình ảnh Instagram, vượt qua cả tháp Eiffel (Pháp), hai quảng trường Times Square (Mỹ) và Taj Mahal (Ấn Độ).
Cuộc biểu tình do ông Suthep Thaugsuban vốn là cựu Phó Thủ tướng đảng Dân chủ lãnh đạo, phản đối chính phủ Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã kéo dài hai tháng qua với bảy người chết, hàng trăm người bị thương.
Ông Suthep Thaugsuban có kế hoạch biểu tình lớn ở Bangkok vào ngày 13-1. Kế hoạch của ông Suthep Thaugsuban là huy động hàng trăm ngàn người phong tỏa khoảng 20 giao lộ ở Bangkok, làm tê liệt giao thông thủ đô trong ít nhất một tuần để tăng áp lực buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức.
Với tình hình biểu tình này, khảo sát sắp tới của MasterCard Worldwide có lẽ sẽ khác.
Thành viên nhóm Sức mạnh con kiến - ANTs’ POWER tuần hành và thả bóng bay màu trắng trước Trung tâm Nghệ thuật và Văn hóa Bangkok, ủng hộ cuộc bầu cử ngày 2-2 tới. Ảnh: BANGKOK POST
Thái Lan vốn có biệt danh là Teflon Thailand - Thái Lan không dính, ám chỉ khả năng thoát khủng hoảng từ biểu tình. Tuy nhiên lần biểu tình này, Tổng Thư ký Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Arkhom Termpittayapaisith nhận định biểu tình kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế trong năm 2014, đặc biệt là du lịch.
Trước mắt, theo báo Bangkok Post (Thái Lan), đảng cầm quyền "Vì người Thái" cho biết cuộc biểu tình hơn hai tháng nay đã làm kinh tế thất thoát hơn 70 tỉ baht (hơn 2,1 tỉ USD, tương đương gần 44.299 tỉ đồng VN). Thiệt hại về kinh tế cho một tuần biểu tình tới sẽ là 20 tỉ baht (603,6 triệu USD, tương đương 12.656 tỉ đồng VN), theo ước tính của trường đại học của Phòng Thương mại Thái Lan.
Bộ Tài chính nước này đang lo ngại biểu tình có thể sẽ làm sức tiêu dùng nội địa vốn đã yếu càng yếu hơn, và chính phủ sẽ không đạt được mục tiêu về thuế đã đặt ra. Tổng thu thuế của ba tháng đầu tài khóa 2014 (tháng 10,11,12-2013) đã không đạt chỉ tiêu đề ra.
Tỷ giá đồng baht giảm mạnh nhất trong ba năm trở lại đây, xuống mức 33 baht ăn một USD trong tuần qua. Đến nay, thị trường chứng khoán Bangkok đã giảm 9,5% kể từ ngày biểu tình nổ ra 24-11. Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút 200 tỉ baht (hơn 6 tỉ USD, tương đương 126.568 tỉ đồng VN) khỏi Thái Lan thông qua việc bán tháo cổ phiếu trong hai tháng biểu tình. Chỉ trong ngày đầu tuần rồi (6-1), các nhà đầu tư nước ngoài đã bán tháo số cổ phiếu trị giá 100 triệu USD.
Nhiều doanh nghiệp ở Bangkok đang rất lo ngại ảnh hưởng của biểu tình đến kinh tế, đặc biệt nếu biểu tình biến thành bạo lực hay các sân bay ở Bangkok bị chiếm đóng hơn một tuần như năm 2008. Việc Bangkok bị phong tỏa chắc chắn sẽ làm khó khăn hơn công tác vận tải, vận chuyển, xuất nhập khẩu. 75% GDP của Thái Lan là từ xuất khẩu.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan Pornsil Patcharaintanakul khuyến cáo các công ty nên vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa ra lưu bên ngoài Bangkok để thuận tiện cho việc làm ăn hơn.
Trong quá khứ, công nghiệp du lịch – chiếm hơn 7% kinh tế Thái Lan – thường không quá chú ý đến các cuộc biểu tình lặp đi lặp lại 12 năm qua. Ngành du lịch Thái Lan vốn vẫn phát triển tốt sau sự kiện Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị đảo chính năm 2006. Tuy nhiên, ngành du lịch đã phải nhìn lại sau sự kiện biểu tình năm 2010 làm hơn 90 người chết, và đặc biệt là lần biểu tình này.
Hiện nhiều nước đã khuyến cáo công dân hạn chế đến Thái Lan. Vì khách đăng ký giảm, các hãng hàng không quốc tế đã hủy 112 chuyến bay đến Bangkok trong bảy tuần tới, trong đó riêng hãng hàng không Singapore Airlines (Singapore) thông báo sẽ hủy 19 chuyến bay đến Thái Lan trong thời gian từ ngày 14-1 đến 25-2.
Lượng khách đến Bangkok trong tuần đầu tháng 12-2013 giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Hội đồng Du lịch Thái Lan dự đoán chỉ riêng tháng 1-2014, lượng khách du lịch sẽ giảm khoảng 400.000, tương đương 16% so với cùng kỳ năm 2013, thất thu hơn 19,8 tỉ baht (600 triệu USD, tương đương hơn 12.579 tỉ đồng VN). Hiệp hội Khách sạn Thái Lan dự đoán tỷ lệ kín phòng ở Bangkok trong quý đầu năm 2014 sẽ chỉ từ 70%-75%, so với 80% năm trước.
Đầu tuần này, chính phủ Thái Lan dự báo, vì biểu tình kéo dài, tăng trưởng chỉ còn khoảng 3%-3,5% trong năm 2014, so với mức dự đoán 4%-5% trước đó.
Đảng "Vì người Thái" cảnh báo nếu biểu tình còn kéo dài thì kinh tế nước nhà sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt niềm tin quốc tế vào môi trường kinh doanh Thái Lan sẽ bị xói mòn nghiêm trọng nếu cuộc bầu cử không diễn ra vào ngày 2-2 như kế hoạch. Công ty thẩm định tài chính Moody (Mỹ), báo chí Thái Lan như Pattaya Mail, Bangkok Post…cũng đều chung nhận định.
Nhìn rộng hơn, báo The Globe and Mail (Anh) cho rằng, muốn khôi phục niềm tin của đầu tư nước ngoài và giúp ổn định tăng trưởng, Thái Lan nhất thiết phải có giải pháp hữu hiệu chấm dứt tình trạng biểu tình tới lui kéo dài 12 năm nay.
Đăng Khoa