Số liệu do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 15-7 cho thấy trong năm ngoái, số trẻ em toàn cầu không được tiêm những mũi vaccine quan trọng đầu đời tăng mạnh, trong khi hàng triệu trẻ em khác bỏ lỡ các mũi tiêm nhắc lại. Có tới 23 triệu trẻ em trên thế giới không được tiêm các loại vaccine cơ bản, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua và nhiều hơn 3,7 triệu trẻ em so với con số thống kê năm 2019.
Trẻ em tiêm vaccine ngừa sởi tại một trung tâm y tế ở thủ đô Bắc Kinh,
Trung Quốc hồi tháng 9-2020. Ảnh: UNICEF
Một khảo sát do WHO thực hiện cuối năm ngoái tại hơn 150 nước cho thấy các dịch vụ y tế quan trọng ở hầu hết các nước đều bị gián đoạn do COVID-19. Khoảng 70% dịch vụ tiêm chủng định kỳ ở các nước được khảo sát chịu tác động, tiếp đó là dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (68%), chẩn đoán và điều trị ung thư (55%), dịch vụ cấp cứu (25%).
Theo Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, có một thực trạng rằng khi các nước ra sức tìm nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 thì thế giới lại đang tụt hậu trong việc tiêm chủng những loại vaccine khác, khiến trẻ em có nguy cơ cao mắc các bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được như sởi, bại liệt hoặc viêm màng não.
Đáng báo động nhất là các chương trình tiêm chủng vaccine thông thường. Theo đánh giá của Quỹ Bill & Melinda Gates (Mỹ), chỉ trong 25 tuần đầu tiên sau khi xuất hiện, đại dịch COVID-19 đã khiến thế giới thụt lùi tới 25 năm liên quan đến các chương trình tiêm chủng này. Đại dịch khiến hơn 60 quốc gia phải tạm ngưng các chiến dịch tiêm chủng diện rộng, ảnh hưởng tới 228 triệu người, phần lớn trong đó là trẻ em tại châu Phi.
COVID-19 còn khiến hoạt động điều trị những bệnh không truyền nhiễm giảm đáng kể. Trong số 155 quốc gia được WHO khảo sát, 53% cho thấy có sự gián đoạn một phần hoặc toàn bộ những dịch vụ điều trị các bệnh tăng huyết áp, 49% với bệnh tiểu đường, 42% với bệnh ung thư và 31% với những trường hợp khẩn cấp về tim mạch. WHO cảnh báo rằng sự chậm trễ đáng kể ở bất kỳ dịch vụ nào cũng có thể dẫn đến tác động tiêu cực lâu dài cho sức khỏe dân số.