Hãng tin Reuters ngày 3-4 dẫn nguồn Cơ quan Bảo vệ dân sự Ý (CPD) ghi nhận nước này 24 giờ qua tăng gần 4.700 ca dương tính với COVID-19, nâng số bệnh nhân ở Ý lên hơn 120.000 trường hợp. Quốc gia Nam Âu này hiện là nước có người nhiễm SARS-CoV-2 cao thứ hai thế giới sau Mỹ.
Tình hình có thể còn nghiêm trọng hơn
Dù vậy, giới chức y tế Ý cho rằng số người nhiễm bệnh thực tế có thể cao hơn số liệu công bố vì hiện tại chỉ người có triệu chứng nghiêm trọng mới được xét nghiệm. Một quan chức cấp cao giấu tên tiết lộ với Reuters số người nhiễm bệnh thực tế có thể cao gấp 10 lần số liệu thống kê.
Trong khi đó, nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu InTwig (Ý) nhấn mạnh số người tử vong vì COVID-19 thực tế tại nước này có khả năng cao gấp hai lần thống kê chính thức do nhiều người có thể đã tử vong tại nhà hoặc tử vong mà chưa được xét nghiệm.
Theo ghi nhận của tờ The Guardian, hệ thống y tế quá tải, cạn kiệt vật tư y tế của Ý tiếp tục là rào cản lớn cho chiến dịch chống dịch COVID-19. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nước này không thể hãm được tốc độ lây lan của virus mặc cho nhiều nhận định chuẩn bị vượt qua đỉnh dịch trong vài ngày tới.
Đến nay, các bệnh viện ở tâm dịch Lombardy vẫn chưa có dấu hiệu được giảm tải, tiếp tục báo động thiếu giường. Do không còn chỗ trống ở các khoa chăm sóc đặc biệt, nhiều bệnh viện phải đưa người nhiễm ra hành lang hoặc nằm tạm trong các phòng phẫu thuật. Một số bệnh viện còn phải tiếp tục ưu tiên điều trị bệnh nhân theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế cũng tỏ ra kém hiệu quả khi số lượng y, bác sĩ bị lây virus từ người bệnh không ngừng tăng, bào mòn một lượng lớn nhân lực chống dịch.
The Guardian cho rằng dù hiện tại giới chức Rome nhiều khả năng đã rút ra bài học đắt giá từ thái độ chủ quan giai đoạn đầu của dịch nhưng với tình hình hiện tại, để khắc phục được những hậu quả từ sai lầm trong công tác chuẩn bị là điều không hề dễ dàng.
Trước mắt, tác động của đại dịch đã khiến nền kinh tế Ý thiệt hại nặng nề với các khoản thâm hụt lớn và một kịch bản suy thoái toàn diện đang chực chờ phía trước. Mất đi nguồn lực tài chính, Rome đang phải giải một bài toán khó để cân bằng mọi kẽ hở trong hệ thống y tế hiện nay.
Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện thuộc ĐH Agostino Gemell ở thủ đô Rome, Ý ngày 30-3. Ảnh: AFP
Nhiều người không tuân thủ lệnh cách ly
Là nước đầu tiên trên thế giới phong tỏa toàn quốc vì COVID-19, đến nay Ý đã ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm lệnh phong tỏa, gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, hãng tin Al Jazeera cho biết.
Theo Bộ Nội vụ Ý, các cơ quan chức năng trong tháng 3 đã xử lý hơn 50.000 người vi phạm lệnh phong tỏa. Hàng trăm chủ các quán bar, nhà hàng, tiệm ăn của nước này cũng bị xử phạt vì cố tình mở chui dù đã được yêu cầu đóng cửa. Được biết, hành vi vi phạm lệnh phong tỏa ở Ý nếu bị phát hiện sẽ bị phạt tiền đến 3.000 USD và ở tù ba tháng.
Đài CNN ngày 2-4 cho hay nhiều nước châu Âu đã đồng loạt ra khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi ra đường, từ bỏ quan điểm chỉ có người bệnh và nhân viên y tế mới cần mang. |
“Chúng ta nên có biện pháp mạnh xử lý những người vô trách nhiệm, virus này không phải là một trò đùa” - Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza gay gắt chỉ trích, đề cập tới các trường hợp nói trên.
Đến nay, thực nghiệm các quốc gia có dịch khác đều cho thấy áp dụng các biện pháp cách ly hay phong tỏa mang lại hiệu quả rõ ràng khi tốc độ lây lan của virus giảm so với trước khi áp dụng. Tuy nhiên, để chiến lược này phát huy hiệu quả thì ý thức và khả năng tự giác chấp hành quy định của người dân đóng vai trò rất lớn. “Nếu chúng ta muốn hạn chế số lượng các ca nhiễm, điều cần thiết là phải hy sinh một phần tự do, ít nhất là trong vài tuần tới. Bằng không, cái giá phải trả sẽ không phải là các con số về kinh tế, mà là tính mạng của những người xung quanh” - chuyên gia Luca Ricolfi thuộc ĐH Milan (Ý) cho biết.
EU nhận lỗi không hỗ trợ Ý kịp thời Trong bức thư đăng trên tờ La Repubblica ngày 2-4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã lên tiếng xin lỗi Ý thời gian qua đã không hỗ trợ kịp thời nỗ lực chống dịch của nước này. “Cần phải thừa nhận rằng trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng, trước nhu cầu cấp bách cần đưa ra phản ứng chung toàn châu Âu, quá nhiều người chỉ nghĩ đến vấn đề của riêng đất nước họ” - bà Leyen chia sẻ. Bên cạnh đó, Chủ tịch Ursula von der Leyen khẳng định đã huy động được gần 3.000 tỉ USD và đang cân nhắc lập kế hoạch tái thiết châu Âu sau đại dịch với quy mô tương tự kế hoạch Marshall hậu Thế chiến II. |