Theo trang web thống kê WorldOmeters, tính đến nay tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (dịch COVID-19) gây ra là 52.977. Tổng số ca nhiễm là 1.013.748. Có 212.015 ca hồi phục.
Trong đó, Mỹ chiếm hơn 1/5 tổng số ca nhiễm toàn cầu với hơn 240.000 ca, theo sau là Ý và Tây Ban Nha với mỗi nước trên 100.000 ca.
Một cụ bà tại nhà dưỡng lão Palestine cầm một mô hình virus Corona. Ảnh: REUTERS
Châu Âu hiện nay vẫn là tâm điểm của dịch bệnh với hơn 500.000 ca nhiễm và và gần 38.000 ca tử vong, tương đương hơn 50% tổng nhiễm và hơn 70% tổng tử vong trên toàn cầu.
Hiện Ý là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới với 13.915 ca, Tây Ban Nha xếp thứ hai với 10.348 ca, Mỹ xếp thứ ba với 5.865 ca, Pháp xếp thứ tư với 5.387 ca, Trung Quốc xếp thứ năm với 3.318 ca.
Dịch COVID-19 khởi phát từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc cuối năm 2019, đến nay đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến nay có khoảng 212.000 người đã được chữa khỏi, trong đó phần lớn là tại Trung Quốc với hơn 75.000 người.
Cuộc khủng hoảng này đã đặt ra sức ép lớn cho các hệ thống chăm sóc y tế quốc gia và đội ngũ nhân viên y tế các nước.
“Mỗi sáng trước khi bắt đầu công việc, tôi làm dấu thánh giá và cầu nguyện mọi thứ sẽ ổn. Tôi hy vọng mọi thứ sẽ bình an cho các bệnh nhân của tôi”, Ester Piccinini, một y tá 27 tuổi tại bệnh viện Humanitas Gavazzeni ở Bergamo thuộc miền Bắc nước Ý nói với hãng tin AFP.
Hàng loạt quốc gia trên thế giới đã áp lệnh phong tỏa, đóng cửa các nhà máy, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, yêu cầu hàng tỉ người ở trong nhà, hạn chế đi lại.
Hiện tại, theo tính toán của hãng AFP, hơn 3,9 tỉ người, tức một nửa dân số thế giới đang được yêu cầu ở trong nhà để chống COVID-19.