Theo trang web thống kê WorldOmeter, tính đến 6 giờ ngày 3-4, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (dịch COVID-19) gây ra là 52.932. Tổng số ca nhiễm là 1.012.489. Có 164.753 ca hồi phục.
Như vậy so với tối 2-4, số ca tử vong tăng 4.354 ca. Số ca nhiễm tăng 57.353 ca.
Hiện Ý là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới với 13.915 ca, Tây Ban Nha xếp thứ hai với 10.348 ca, Mỹ xếp thứ ba với 5.865 ca, Pháp xếp thứ tư với 5.387 ca, Trung Quốc xếp thứ năm với 3.318 ca.
Ngoài ra, các nước có số ca tử vong ở bốn con số: Iran 3.160 ca, Anh 2.921 ca, Hà Lan 1.339 ca, Đức có 1.107 ca, Bỉ 1.011 ca.
Các nước có số tử vong ba con số: Thụy Sĩ (536), Thổ Nhĩ Kỳ (356), Thụy Điển (308), Brazil (299), Bồ Đào Nha (209), Canada (173), Indonesia (170), Hàn Quốc (169), Áo (158), Đan Mạch (123), Ecuador (120), Romania (115), Philippines (107).
10 nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới: Mỹ (242.899), Ý (115.242), Tây Ban Nha (112.065), Đức (84.794), Trung Quốc (81.589), Pháp (59.468), Iran (50.468), Anh (33.718), Thụy Sĩ (18.827), Thổ Nhĩ Kỳ (18.315)
Pháp vượt 5.000 ca tử vong
Pháp ngày 2-4 ghi nhận 471 ca tử vong mới vì COVID-19 tại bệnh viện. Ngoài ra, nước này còn báo cáo 884 ca tử vong trong các viện dưỡng lão, nâng tổng số ca tử vong tại Pháp lên 5.387. Số ca tử vong trong các viện dưỡng lão trước đó không nằm trong thống kê.
Các nhân viên y tế đưa một bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới trực thăng y tế tại bệnh viện Emile Muller ở TP Mulhouse, Pháp. Ảnh: AP
Pháp hiện là nước có số tử vong vì COVID-19 cao thứ ba tại châu Âu, sau Ý (13.915) và Tây Ban Nha (10.348).
Pháp hiện có 59.468 ca nhiễm.
Chủ tịch quốc hội Iran nhiễm COVID-19
Quốc hội Iran cho biết ông Ali Larijani – Chủ tịch Quốc hội Iran đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và đang được cách ly.
Ông Larijani là quan chức cấp cao nhất trong chính phủ Iran nhiễm COVID-19.
Quốc hội Iran đã thông báo tình hình bệnh của ông Larijani trên trang web của quốc hội hôm 2-4 và cho biết ông Larijani đang được điều trị cách ly.
Iran là một trong những nước có dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất với 50.468 ca nhiễm, trong đó 3.160 người đã tử vong tính tới nay.
Bộ trưởng Y tế Israel nhiễm COVID-19
Bộ trưởng Y tế Israel - ông Yaakov Litzman cùng vợ mình đã nhiễm COVID-19 và đang được cách ly. Họ ổn và đang được điều trị, Bộ Y tế Israel thông báo.
Ngay sau thông báo này, Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã được cách ly trở lại do ông đã tiếp xúc với ông Litzman.
Ông Netanyahu trước đó cũng đã được cách ly sau khi một trợ lý hàng đầu nhiễm COVID-19. Lúc đó, ông Netanyahu đã được xét nghiệm âm tính.
Indonesia thả 18.000 tù nhân nhằm ngăn COVID-19
Khoảng 18.000 tù nhân đã được phóng thích ở Indonesia nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan ra khắp các nhà tù chật chội của nước này, theo hãng tin AFP.
Các tù nhân Indonesia tại nhà tù Jakarta nói chuyện với người nhà qua video sau khi các cuộc thăm tù bị đình chỉ do COVID-19. Ảnh: AFP
Hôm 1-4, chính phủ Indonesia cho hay nước này sẽ phóng thích hơn 30.000 tù nhân. Các nhà tù ở quốc gia Đông Nam Á này đối mặt tình trạng mất vệ sinh và các bệnh truyền nhiễm, theo AFP.
Các tù nhân sẽ được hướng dẫn tự cách ly tại nhà trong hai tuần.
Thái Lan áp đặt lệnh giới nghiêm toàn quốc
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha thông báo lệnh giới nghiêm toàn quốc sẽ bắt đầu vào ngày 3-4.
Ông Prayuth cho hay theo lệnh giới nghiêm, mọi người sẽ bị cấm ra đường trong thời gian từ 10 giờ tối tới 4 giờ sáng nhằm ngăn chặn lây lan COVID-19.
Thủ tướng Thái Lan nói thêm lệnh giới nghiêm sẽ được miễn trừ cho những người cung cấp các dịch vụ thiết yếu như y tế, tài chính, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, cung cấp thuốc men.
“Tôi yêu cầu công chúng không hoang mang và không tích trữ thực phẩm vì các bạn vẫn có thể mua hàng hóa trong thời gian này như thường lệ nhưng “giữ khoảng cách xã hội” nên được thực hiện nghiêm túc”, ông Prayut nói thêm.
Bất cứ ai vi phạm lệnh giới nghiêm đối mặt mức án tù tối đa hai năm.
Tính tới ngày 1-4, Thái Lan có 1.875 ca nhiễm COVID-19, trong đó 15 người đã tử vong.
Dự đoán nửa dân số Thụy Điển sẽ nhiễm COVID-19 trong tháng 4
Theo GS Tom Briton của ĐH Stockholm (Thụy Điển), nhà thơ người Anh T.S. Eliot từng viết rằng tháng 4 là tháng hung bạo nhất và đây cũng là tháng mà sư lây lan virus gây bệnh COVID-19 sẽ dữ dội nhất. Ông Briton là giáo sư thống kê toán học tại ĐH Stockholm và cũng là chuyên gia về mô hình hóa cách các bệnh truyền nhiễm hoạt động trong một quần thể.
“Dịch bệnh này rất dễ lây đến nỗi hơn nửa dân số Thụy Điển sẽ nhiễm bệnh trước cuối tháng 4. Sau đó, sự lây lan dịch bệnh sẽ không dừng lại nhưng sẽ chậm hơn một chút đến mức 2/3 dân số sẽ bị nhiễm vào cuối tháng 5” - GS Britton nói với đài truyền hình quốc gia Thụy Điển SVT.
Mọi người ăn tối tại một nhà hàng ở Stockholm hôm 27-3. Ảnh: CNBC
Ông Britton nói rằng có 250.000-500.000 người Thụy Điển bị nhiễm COVID-19 vào thời điểm này. Điều này trái ngược hoàn toàn với con số chính thức hiện nay là 4.947.
Theo GS Britton, điều này đồng nghĩa với việc đã đến lúc những người lớn tuổi và các nhóm người có nguy cơ nên ở nhà và tránh tiếp xúc xã hội.
Jan Albert, một giáo sư về kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại Viện Karolinska tuyên bố rằng dự đoán của ông Britton thiếu dữ liệu để kết luận, song cho rằng dự đoán của ông Britton không phải không hợp lý.
Ông Albert cũng dự đoán dịch COVID-19 sẽ đến đỉnh điểm trong tháng 4 tại Thụy Điển.
COVID-19 có thể được kiểm soát vào cuối tháng 4
Chuyên gia về bệnh hô hấp hàng đầu của Trung Quốc - ông Chung Nam Sơn nói rằng đại dịch COVID-19 có thể được kiểm soát vào cuối tháng 4, song ông không chắc liệu có bùng phát thêm một đợt dịch mới vào mùa xuân tới hay không, theo SCMP.
“Với việc mọi quốc gia thực hiện các biện pháp quyết liệt và hiệu quả, tôi tin rằng đại dịch có thể nằm trong tầm kiểm soát. Tôi đoán vào khoảng cuối tháng 4”, ông Chung - người dẫn đầu một nhóm chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc làm cố vấn cho chính phủ về kiểm soát dịch COVID-19 trả lời phỏng vấn đài truyền hình Thâm Quyến hôm 1-4.
Mô hình 3D virus Corona. Ảnh: REUTERS
“Sau thời điểm cuối tháng 4, không ai có thể nói chắc được liệu có thêm một đợt bùng phát dịch nữa vào mùa xuân tới hay không hay dịch sẽ biến mất khi thời tiết ấm hơn… mặc dù hoạt động của virus chắc chắn sẽ giảm trong môi trường nhiệt độ cao hơn” - ông Chung nói.
Ông Chung không nói ông dựa vào đâu để đưa ra dự đoán này nhưng các chuyên gia khác cũng đưa ra khung thời gian tương tự như vậy dựa vào những diễn biến mới nhất về tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ và châu Âu - những nơi là tâm điểm của đại dịch COVID-19 hiện nay.
Ông Mike Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần này cũng nói rằng có dấu hiệu cho thấy dịch tại châu Âu đang trở nên ổn định khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng hồi tháng trước bắt đầu gặt hái kết quả.
Ở Mỹ, Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe tại ĐH Washington cho hay các bệnh viện tại Mỹ có thể đối mặt với đỉnh điểm bệnh nhân COVID-19 vào khoảng ngày 20-4.