Một thực tế là hiện người dân tại nhiều nước châu Phi đang hối hả đi mua trữ thuốc chống sốt rét chloroquine, loại thuốc được cho là có thể trị COVID-19, theo hãng tin AFP.
Thuốc chloroquine và các dẫn xuất của nó như hydroxychloroquine trong nhiều thập niên qua đã được sử dụng như thuốc trị bệnh sốt rét rẻ tiền nhưng hiệu quả cao. Tuy nhiên gần đây hiệu quả của chloroquine trong điều trị sốt rét đang bị giảm đi nhiều do ký sinh trùng gây bệnh đã tăng khả năng kháng thuốc, theo AFP.
Châu Phi đổ xô sử dụng thuốc chloroquine
Hiện có thông tin thuốc sốt rét có thể có hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị COVID-19, tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn e dè, chưa thể khẳng định và khuyến cáo các cơ sở y tế lẫn người dân chưa dùng tới biện pháp này khi chưa có kết luận cuối cùng.
Phớt lờ cảnh báo, nhiều quốc gia trên khắp châu Phi vẫn đưa thuốc chloroquine vào điều trị COVID-19 ở các trung tâm y tế tuyến đầu.
Chẳng hạn, Burkina Faso, Cameroon và Nam Phi đã nhanh chóng cho phép các bệnh viện được sử dụng thuốc chloroquine để điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.
"Tại Senegal, khoảng một nửa số người nhiễm COVID-19 đã được kê đơn với hydroxychloroquine để điều trị” - Giáo sư Moussa Seydi từ Bệnh viện Fann ở thủ đô Dalar (Senegal) nói với AFP - “Mỗi bệnh nhân được khuyên dùng thuốc này đều chấp nhận sử dụng nó, không bất kỳ ngoại lệ, kiêng cữ nào”.
Một gói thuốc viên Nivaquine có thành phần là chloroquine. Ảnh: AFP
Còn tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Tổng thống Felix Tshisekedi tuần trước tuyên bố cần phải gấp rút sản xuất các dược phẩm chứa chloroquine với “quy mô công nghiệp”.
Tại Nam Phi, giới chức y tế cho biết nước này sẽ tiến hành một thử nghiệm quy mô lớn và một nửa số thuốc sẽ được một trong các công ty dược phẩm lớn nhất nước này tài trợ.
Cư dân tại một khu dân cư xếp hàng để nhận chất khử trùng tại thị trấn Alexandra, tỉnh Gauteng (Nam Phi) hôm 1-4. Ảnh: Reuters
AFP lý giải một phần việc sử dụng thuốc chloroquine bắt nguồn từ nỗi sợ hãi và khả năng của châu Phi còn hạn chế trong việc đối phó với đại dịch COVID-19.
Khi hiệu quả của các phương pháp điều trị COVID-19 chưa được chứng minh hiệu quả thì việc đảm bảo số thuốc chloroquine là sự quan tâm lớn của nhiều người.
Giáo sư Yap Boum tại Tổ chức Epicenter châu Phi cho biết: “Không thể tìm thấy thuốc này ở thủ đô Yaounde của Cameroon vì mọi cửa hàng đều hết thuốc này. Người dân địa phương đang mua rất nhiều mà không cần toa. Điều này rất nguy hiểm”.
Hiện chính phủ Cameroon đã chính thức yêu cầu các chuyên gia y tế đừng vì lợi nhuận mà kê toa thuốc có chứa chloroquine.
Hệ lụy từ việc dùng thuốc chloroquine
Nhu cầu mua thuốc chloroquine cũng diễn ra rầm rộ tại các hiệu thuốc ở TP Abidjan của Bờ Biển Ngà, ở thủ đô Luanda của Angola và Cộng hòa Malawi - những nơi chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào.
Việc đổ xô mua thuốc chloroquine cũng gây ra những lo lắng với những người mắc bệnh lupus ban đỏ (một bệnh tự miễn) và họ cũng yêu cầu được điều trị bằng chloroquine.
Bà Armelle Oyabi - người đứng đầu một hiệp hội của những người mắc bệnh lupus ở thủ đô Libreville (Gabon) nói rằng: “Nếu bệnh nhân có sử dụng loại thuốc này, họ sẽ không chỉ bị lupus tấn công mà còn dễ bị nhiễm COVID-19 hơn”.
Một quầy thuốc lề đường bán các sản phẩm thuốc có chứa chloroquine ở châu Phi. Ảnh: AFP
Bác sĩ Alice Desclaux tại Viện Nghiên cứu phát triển (IRD) ở Senegal cho biết rất nhiều rủi ro có thể có nếu tự chữa bệnh bằng loại chloroquine, mà phần lớn là mua một cách bất hợp pháp.
"Thuốc chloroquine vẫn được bày bán không chính thức tại châu Phi. Thuốc này còn có thể được sử dụng để gây sảy thai và dùng để tự tử" - bác sĩ Desclaux cho biết.
Chính vì nhu cầu quá cao như vậy, giá thuốc chloroquine đã bị đội lên rất nhiều. “Một viên thuốc bây giờ tương đương khoảng 0,71 USD, gấp bốn lần so với một tháng trước” - quản lý một nhà thuốc ở Cameroon cho biết.
Cơn sốt thuốc chloroquine còn thúc đẩy việc sản xuất thuốc giả. Chính phủ Cameroon đã đưa ra một cảnh báo về thuốc chloroquine giả, bởi đã có một số loại xuất hiện tại các trung tâm y tế của nước này, theo AFP.