Các quốc gia châu Phi đang căng mình chuẩn bị đón làn sóng nhiễm COVID-19, đồng nghĩa số ca nhiễm ở châu lục này có thể tăng vọt trong thời gian tới, báo South China Morning Post đưa tin.
"Châu Phi mới ở trong giai đoạn đầu của sự bùng phát dịch COVID-19", Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi), ông Ahmed Ogwell nói.
Làn sóng COVID-19 đã lan đến châu Phi
Một tuần trước, châu Phi chỉ có hơn 200 ca nhiễm COVID-19. Nhưng đến trưa 24-3 (tính theo giờ Việt Nam), dịch bệnh đã xuất hiện tại hơn 40 nước ở châu lục này với tổng số ca nhiễm là hơn 1.700 người và 54 người tử vong, theo South China Morning Post.
Một tình nguyện viên phát xà phòng cho những đứa trẻ ở TP Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AFP
Trong số đó, Ai Cập và Nam Phi đang là hai nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ai Cập đã có 366 ca nhiễm bệnh và 19 trường hợp tử vong. Nam Phi có 402 ca nhiễm và chưa có bệnh nhân nào tử vong.
Bên cạnh đó, hai quốc gia châu Phi khác cũng có hơn 100 ca bệnh, đó là Algeria (201 ca nhiễm và 15 ca tử vong) và Morocco (143 ca nhiễm và 4 ca tử vong).
Ít nhất 10 quốc gia khác đã có người chết vì COVID-19, đó là Burkina Faso (4 ca), Tunisia (3 ca), Cộng hòa Dân chủ Congo (2 ca), Nigeria, Ghana, Mauritius, Gabon, Cộng hòa Congo, Zimbabwe, Sudan (1 ca).
Ông Mutahi Kagwe, Bộ trưởng Y tế Kenya. Ảnh: AFP
"Hai tuần tới là giai đoạn cực kỳ quan trọng khi chúng ta đang tìm cách ngăn chặn dịch bệnh", Bộ trưởng Y tế Kenya, ông Mutahi Kagwe, nói hôm 22-3.
"Bằng chứng từ các quốc gia khác cho thấy số ca nhiễm sẽ tăng đáng kể trong tuần thứ hai kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên", ông Kagwe nói.
Theo thông báo trên Twitter của Bộ Y tế Kenya, nước này đã phát hiện thêm tám ca nhiễm trong ngày 22-3 và một ca nhiễm trong ngày 23-3, nâng tổng số ca bệnh lên 16 trường hợp. Trong đó, ca nhiễm đầu tiên được xác nhận hôm 13-3.
Cuối tuần trước, Bộ Y tế Nam Phi cũng đã cảnh báo nguy cơ lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 trong cộng đồng sẽ tàn phá nước này.
"Một khi virus bắt đầu lây nhiễm trên taxi, xe lửa và ở các khu dân cư tự phát, nó sẽ tạo ra áp lực mới", Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize nói.
Hãy thức tỉnh
Trước mắt, nhiều quốc gia châu Phi đã tạm dừng các chuyến bay quốc tế. Nam Phi và Kenya là hai nước hành động quyết liệt nhất khi hoãn tất cả chuyến bay. Còn hãng hàng không Ethiopian Airlines đã tạm dừng các chuyến bay đến 30 nước trên thế giới.
Hàng loạt các sự kiện tập trung đông người như các hoạt động tôn giáo, đám cưới hay đám tang cũng bị cấm để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Do nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 không có triệu chứng rõ ràng, chuyên gia về ký sinh trùng Francine Ntoumi của ĐH Marien Ngouabi, Cộng hòa Congo cho rằng nhiều ca bệnh đã bị bỏ qua sau quá trình kiểm tra sàng lọc.
Xét nghiệm cũng là một vấn đề khó khăn ở châu Phi. CDC châu Phi cho biết hàng chục quốc gia không có năng lực tự xét nghiệm COVID-19.
Các nước này phải gửi mẫu bệnh phẩm tới các nước phát triển hơn như Nam Phi và chờ đợi kết quả. Trong khi đó, bản thân Nam Phi cũng phải đối mặt với số ca nhiễm ngày càng tăng trong nước.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo một cách nghiêm khắc rằng số ca nhiễm COVID-19 thấp ở châu Phi có thể do nhiều người bệnh chưa được chẩn đoán.
"Trên thực tế, tính theo số ca bệnh đã được xác nhận, đây là khu vực có số ca nhiễm thấp nhất nhưng chúng ta không thể lấy con số đó làm số ca bệnh ở châu Phi. Rất có thể chúng ta đã không phát hiện và không báo các nhiều trường hợp", ông Tedros nói.
"Ở các nước khác, chúng ta đã thấy virus lây lan nhanh chóng như thế nào sau một "điểm bùng phát" nhất định, cho nên lời khuyên tốt nhất cho châu Phi là hãy chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và chuẩn bị ngay từ hôm nay", Tổng Giám đốc WHO nói.
Một bác sĩ đo thân nhiệt cho người dân ở một khu ổ chuột ở ngoại ô Nairobi, Kenya. Ảnh: DPA
Là một người con của châu Phi (từng là Ngoại trưởng Ethiopia trong giai đoạn 2012-2016), ông Tedros cũng kêu gọi "lục địa của tôi nên thức tỉnh" trước nguy cơ dịch bệnh.
Khẩn trương ngăn chặn, bảo vệ hệ thống y tế mong manh
Các chuyên gia cảnh báo dịch bệnh có thể tạo thêm gánh nặng đối với hệ thống y tế yếu ớt của châu Phi và dẫn tới tình trạng quá tải. Do đó, các nước này cần kiểm soát để giữ nguy cơ lây nhiễm ở mức thấp và tập trung điều trị cho các ca bệnh hiện tại.
Phải thừa nhận hệ thống hạ tầng y tế ở châu lục này dễ bị tổn thương nếu số ca nhiễm COVID-19 tăng cao. Nam Phi được coi là nơi có hệ thống y tế tốt nhất châu lục nhưng cũng gặp khó khăn để kiểm soát dịch COVID-19 trong nước.
Ngoài ra, châu Phi còn phải đối mặt với các thách thức về thiếu nước sạch - ảnh hưởng tới việc rửa tay diệt khuẩn theo khuyến cáo của WHO - và các dịch bệnh khác như HIV. Trong khi chiến tranh và khủng hoảng nhân đạo vẫn đang đe dọa cuộc sống của người dân nơi đây.
Vì vậy theo ông Ogwell, điều cần chú ý là hành động nhanh chóng giúp giảm thấp nhất số ca nhiễm mới để "tránh những đau khổ và mất mát nặng nề về mặt con người".
"Nếu chúng ta tự mãn, virus sẽ tấn công chúng ta mạnh hơn ở châu Âu hay ở các phần khác của thế giới bởi vì hệ thống chăm sóc y tế của chúng ta rất mong manh", ông Ogwell nói. Ông cho rằng châu Phi nên nhìn thấy bài học từ các nước, các vùng khác để tránh đi theo vết xe đổ đó.