Ngày 4-5, hãng AP đưa tin Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói trừng phạt thứ sáu nhắm vào Nga liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Gói trừng phạt này bao gồm các biện pháp như cấm nhập khẩu dầu từ Nga và nhắm mục tiêu vào ngân hàng lớn nhất cùng các hãng truyền thông lớn của Nga. Bà von der Leyen cũng đã đề xuất với các quốc gia thành viên EU phương án loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu thô từ Nga trong vòng sáu tháng và nhập các sản phẩm tinh chế từ Nga vào cuối năm nay.
Người dân Nga xếp hàng chờ rút tiền tại một ngân hàng ở thủ đô Moscow hồi tháng 4. Ảnh: AP |
Thiệt hại đến từ nhiều phía
Các động thái trên là những diễn biến mới nhất trong chuỗi cấm vận kéo dài suốt hai tháng qua của phương Tây nhằm vào Nga liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine. Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo các biện pháp trừng phạt này giống con dao hai lưỡi, vừa gây tổn thất cho Nga nhưng cũng khiến chính những quốc gia áp trừng phạt phải trả giá.
Theo tờ Financial Times, các lệnh trừng phạt và tình hình chiến sự ở Ukraine đã đẩy giá hàng hóa và năng lượng lên cao trên phạm vi toàn cầu. Khi giá hàng hóa tăng cao, lạm phát sẽ gia tăng, gây ra những vấn đề nội tại cho các quốc gia áp đặt trừng phạt.
Lạm phát tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang đe dọa lợi nhuận của các tập đoàn phương Tây, trong khi việc tăng mức lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát càng khiến người tiêu dùng đối mặt nhiều khó khăn hơn. Với những rủi ro kinh tế tiềm ẩn phía trước, tháng 4 đã trở thành tháng tồi tệ nhất của giới đầu tư Mỹ kể từ lúc đại dịch COVID-19 bùng phát khi chỉ số S&P500 quan trọng giảm hơn 8,8%.
Nền kinh tế Nga cũng chịu tác động đáng kể của các đòn trừng phạt từ phương Tây. Ngân hàng Trung ương Nga mới đây dự báo GDP Nga sẽ giảm 8% trong năm nay, trong khi dự báo của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu là giảm 10%. Viện Tài chính Quốc tế có trụ sở tại Washington dự báo mức giảm 15%.
Nếu GDP Nga sụt giảm 10%, điều này sẽ đẩy Nga vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ đầu những năm 1990. Tuy nhiên, điều xấu nhất vẫn chưa đến vì dù nền kinh tế Nga có thể điều chỉnh về trạng thái cân bằng mới trong một hoặc hai năm, nó sẽ không thể sớm phục hồi về mức trước xung đột; Nga sẽ tiếp tục tụt hậu so với các nền kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, ngành xuất khẩu năng lượng của Nga thời gian qua vẫn đứng vững một cách đáng ngạc nhiên, mặc dù phương Tây liên tiếp đánh mạnh vào mũi nhọn này của Moscow. Nga trong hai tháng qua tăng gần gấp đôi doanh thu, lên khoảng 62 tỉ USD từ việc bán nhiên liệu hóa thạch, tờ The Guardian số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch tại Phần Lan cho hay.
Ai là bên chịu thiệt hại thực sự?
Trên thực tế, tờ The Wall Street Journal nhận định nếu chiến sự kéo dài và các lệnh trừng phạt vẫn ngày càng dày đặc thêm, bên chịu thiệt hại thực sự trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây trên thực tế lại là những quốc gia đang phát triển nghèo hơn. Từ Peru cho tới Sri Lanka, việc tăng giá nhiên liệu, thực phẩm và phân bón đã gây ra những cuộc biểu tình bạo loạn trên đường phố, trong khi một số quốc gia có nguy cơ đối mặt bất ổn chính trị. Những khoản nợ của nhiều quốc gia nghèo cũng ngày càng lớn hơn.
Bằng cách sử dụng tổng lực những vũ khí kinh tế của mình, phương Tây đang tìm cách gây ra “cú sốc và sự sợ hãi” cho Nga như thể để nhấn mạnh rằng trừng phạt cũng là một hình thức chiến tranh. Tuy nhiên, cũng giống xung đột vũ trang, như những gì diễn ra trong cuộc chiến ở Ukraine, kết quả của các lệnh trừng phạt đôi khi trở nên khó lường và thường dẫn đến những hệ lụy không mong muốn.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Nhật cũng là những bên phụ thuộc nguồn cung năng lượng từ Nga thì châu Âu nhập khẩu khoảng 46 tỉ USD khí đốt, dầu mỏ và than đá từ Nga trong hai tháng qua, so với khoảng 147 tỉ USD trong cả năm 2021, theo đài CNN.
Phương Tây sẽ tiếp tục đẩy mạnh áp lực lên Nga
Trong bài viết mới đây trên tờ The Hill, GS Brahma Chellaney thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách (Ấn Độ) cho rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine không còn là đối đầu vũ trang giữa hai quốc gia mà nó đã trở thành một biểu hiện của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa phương Tây và Nga. Khi cuộc chiến này ngày càng kéo dài, phương Tây sẽ trở nên ngày càng cứng rắn và can dự sâu hơn.
Lúc đó, phương Tây có thể cho rằng chỉ riêng các lệnh trừng phạt kinh tế - chính trị hiện nay là chưa đủ để răn đe Nga. Điều đó lý giải tại sao Mỹ tăng cường vận chuyển vũ khí cho Ukraine, trong đó có việc yêu cầu Quốc hội thông qua ngân sách 33 tỉ USD hỗ trợ quân sự bổ sung và hỗ trợ kinh tế cho chính quyền Kiev, cũng như cản trở các mục tiêu chiến tranh của Nga.
Hồi tháng 4, Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố cuộc chiến ở Ukraine sẽ có thể còn rất lâu mới chấm dứt. Nhận định này sau đó được củng cố bởi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley khi ông đánh giá cuộc xung đột ở Ukraine có thể kéo dài một vài năm. Tuy nhiên, khi xung đột kéo dài và những hiệu ứng ngược của các biện pháp trừng phạt làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, rạn nứt giữa phương Tây sẽ ngày càng rộng ra và tâm lý mệt mỏi vì cuộc chiến ở Ukraine sẽ ngày càng tăng lên.
Cựu Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Javier Solana trong bài viết cho trang Project Syndicate cho rằng phương Tây hầu như còn rất ít lựa chọn ngoại trừ đàm phán với Nga để chấm dứt xung đột. Những cuộc đàm phán như vậy sẽ có vai trò cấp thiết để chấm dứt sự tàn phá ở Ukraine và giúp cho thế giới không phải trả cái giá quá đắt. •
Nga lên tiếng về gói trừng phạt mới nhất của EU
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đang theo dõi quá trình chuẩn bị gói trừng phạt thứ sáu của EU nhắm vào Moscow và đánh giá theo nhiều kịch bản khác nhau. Ông Peskov nhấn mạnh các quốc gia đang cố gắng gây tổn hại cho Nga bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt cũng đang phải trả giá đắt và hậu quả của các biện pháp này đối với người dân châu Âu sẽ tăng lên mỗi ngày.