Mỹ và đồng minh đã áp đặt số lượng lớn lệnh trừng phạt mạnh “chưa từng có” đối với Nga kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24-2. Từ sau khi xuất hiện cáo buộc Nga có hành động thảm sát ở Bucha (Ukraine) thì làn sóng trừng phạt từ phương Tây càng dữ dội hơn. Mỹ từ đầu tháng 4 đã liên tục trừng phạt Nga.
Ngày 3-4 Mỹ cấm Nga rút tiền giữ trong các ngân hàng Mỹ để trả nghĩa vụ nợ - bước đi có thể buộc Nga đi tới bước vỡ nợ, theo báo Washington Post. Ngày 4-4, Mỹ trừng phạt nhắm vào hoạt động tội phạm mạng của Nga. Ngày 5-4, Mỹ cấm đầu tư mới vào Nga, tăng trừng phạt các tổ chức tài chính, doanh nghiệp nhà nước và quan chức chính phủ Nga.
Tính đến ngày 7-4 EU đã ra gói trừng phạt thứ năm với Nga. Tính đến giữa tháng 3 Anh đã áp hơn 1.000 lệnh trừng phạt với các cá nhân và thực thể ở Nga và với Belarus.
Khả năng phương Tây sẽ chưa dừng việc trừng phạt Nga nếu Nga không ngưng chiến dịch ở Ukraine. Trừng phạt từ phương Tây đối với Nga đã rộng khắp đến nỗi tờ Financial Times ngày 5-4 nhận định phương Tây sẽ ngày càng khó tìm ra những cách bổ sung để trừng phạt kinh tế Nga mà không gây ra những tác động tiêu cực lớn đến nền kinh tế toàn cầu.
Trừng phạt sẽ đẩy Nga vào “suy thoái sâu”
Từ giữa tháng 3, bà Gita Gopinath - Phó Giám đốc điều hành cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt "chưa từng có" của phương Tây sẽ đẩy Nga vào một cuộc suy thoái sâu, theo đài CBC.
Đồng rúp đã mất 1/3 giá trị kể từ cuối tháng 12-2021 và sẽ giảm hơn nữa nếu phương Tây mở rộng trừng phạt và nhắm tới cả mảng xuất khẩu năng lượng của Nga. Điều này sẽ mở ra một vòng xoáy lạm phát và sẽ góp phần đẩy Nga vào tình thế vỡ nợ.
Làn sóng rút tiền khỏi các ngân hàng đang mạnh ở Nga, và trong nỗ lực ngăn dòng vốn chảy ra, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất lên 20%, hạn chế người dân mua ngoại tệ tại các ngân hàng trong nước và hạn chế tiếp cận tiền gửi ngoại tệ.
Người dân Nga xếp hàng trước trụ ATM của Ngân hàng Tinkoff ở Moscow chờ rút tiền trước khi Nga áp đặt các biện pháp hạn chế. Ảnh: TASS
Trừng phạt đã xóa sổ đầu tư mà chưa biết khi nào khôi phục lại được, thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều công ty đã lên sàn giờ giá trị trở thành con số 0.
Việc Nga bị cắt đứt hệ thống thanh toán quốc tế Swift khiến nước này không thể thanh toán hàng nhập khẩu. Xuất hiện tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả và lạm phát cũng đang tăng.
Các biện pháp trừng phạt cũng nhắm đến các nhà tài phiệt Nga. Ý, Pháp đã tịch thu du thuyền và biệt thự của các nhà tài phiệt Nga.
Bên cạnh đó là sự cô lập về văn hóa và thể thao. Tất cả những điều này sẽ mang đến thông điệp cho người dân Nga rằng thế giới quyết tâm quay lưng lại họ.
Nỗ lực trong ngoài của Nga
Về trong nước, để ngăn chặn tình trạng khan hiếm và tăng giá hàng hóa, chính phủ Nga đã ra hàng loạt biện pháp: hạn chế bán lẻ chống đầu cơ, trợ giá nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm, trấn an dân không tích trữ, ngưng xuất khẩu một số mặt hàng thiết yếu.
Theo hãng thông tấn Interfax, hiện có tình trạng nhiều công ty Nga, bao gồm cả các công ty do nhà nước sở hữu một phần, từ chối làm việc với các ngân hàng và công ty bị phương Tây trừng phạt do lo ngại mình cũng có thể bị đưa vào danh sách trừng phạt.
Hiện Nga tính ra luật bỏ tù chủ thể né làm ăn với các ngân hàng và công ty Nga bị trừng phạt, nhằm ngăn chặn tình hình kinh tế xấu đi. Theo dự thảo luật các nhà lập pháp Nga đệ trình lên Hạ viện đầu tháng 4 thì mức phạt với các chủ thể bị phát hiện có hành vi này có thể lên đến 10 năm tù, Interfax dẫn lời nhà lập pháp Pavel Krasheninnikov. Dự luật đang chờ được quốc hội thông qua và Tổng thống Vladimir Putin ký trước khi trở thành luật.
Với bên ngoài, ngày 31-3, ông Putin đã ký thông qua sắc lệnh chính thức yêu cầu các nước “không thân thiện” mua khí đốt của Nga phải thanh toán bằng đồng rúp. Động thái này chủ yếu nhắm tới các nước châu Âu vốn lệ thuộc 40% nhu cầu khí đốt vào Nga và đang thanh toán bằng đồng euro và đồng USD.
Ý ông Putin là các nước phải mở tài khoản đồng rúp trong Gazprombank – ngân hàng Nga chưa bị phương Tây trừng phạt, và Gazprombank sẽ thay mặt bên mua khí đốt mua đồng rúp vào và chuyển đồng rúp và thanh toán cho nhà cung cấp thuộc sở hữu nhà nước Gazprom. Điều này sẽ giúp củng cố đồng rúp vốn giá trị đang bị sụt giảm mạnh, trong khi đó làm suy yếu đồng USD và đồng euro.
Ngày 15-3 Nga đã công bố các biện pháp trừng phạt của riêng mình nhằm vào Tổng thống Mỹ Joe Biden, con trai ông là ông Hunter Biden, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và nhiều quan chức khác của Mỹ, theo hãng thông tấn Tass. Bộ Ngoại giao Nga cho biết động thái này nhằm "đáp lại một loạt các biện pháp trừng phạt chưa từng có trước đây cấm các quan chức hàng đầu của Liên bang Nga nhập cảnh vào Mỹ".
Báo The New York Times cho biết các nhà tài phiệt Nga đang trốn tránh các lệnh trừng phạt bằng cách đưa máy bay phản lực và du thuyền riêng đến những nơi như Dubai và Maldives để khỏi bị tịch thu.
"Người Nga, đặc biệt những người đang cảm nhận triệt để ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt và cuộc sống của họ đang đi xuống rất nhiều, ngày càng ủng hộ chiến tranh và ủng hộ ông Putin. Vì thông điệp mang lại với họ là phương Tây luôn cố gắng tiêu diệt Nga và những gì Nga đang cố gắng làm lúc này là: Chúng tôi chỉ đang cố gắng cứu đất nước mình” - anh Vadim Ismakaev, người sinh ra ở Omsk (Nga) và chuyển đến Mỹ năm 18 tuổi, nói với FOX NEWS.
Xung đột Nga-Ukraine sẽ thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu Bà Gita Gopinath - Phó Giám đốc điều hành cấp cao IMF cảnh báo rằng xung đột Nga-Ukraine sẽ tác động tiêu cực và sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu. Thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng giá hàng hóa tăng, sự gián đoạn cung ứng ở các nước Đông Âu và sự suy giảm niềm tin vào nền kinh tế ở người tiêu dùng và nhà đầu tư. Bà Gopinath dự đoán nếu làn sóng trừng phạt từ phương Tây không dừng lại thì sẽ đến lúc biện pháp trừng phạt tiếp theo sẽ là loại bỏ Nga khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới. Vì vậy, “những thay đổi lớn sẽ xảy ra, và nó càng kéo dài, chúng ta càng có nhiều khả năng chứng kiến những thay đổi lớn trong trật tự toàn cầu”, theo bà.