Hệ thống ngân hàng Mỹ tiếp tục nhận tin xấu

(PLO)- Tín nhiệm ngân hàng ở Mỹ bị hạ xuống mức “tiêu cực”, trong khi nhiều ý kiến lo ngại vụ sụp đổ liên tiếp các ngân hàng sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái trong năm nay.

Hệ thống ngân hàng của Mỹ vốn đang mắc kẹt bởi ba vụ đổ vỡ liên tiếp của hàng loạt ngân hàng lớn Silicon Valley Bank (SVB), Silvergate Bank và Signature Bank (SB) vừa phải hứng chịu thêm “một đòn giáng mạnh” khi Moody’s Investors Service ngày 14-3 hạ triển vọng tín nhiệm đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng xuống mức “tiêu cực” từ mức “ổn định” trước đó, theo đài CNBC.

Bên ngoài trụ sở chi nhánh Ngân hàng Silicon Valley Bank ở TP San Francisco, Mỹ ngày 14-3. Ảnh: AFP

Ngân hàng Mỹ bị hạ tín dụng

Moody’s - một trong ba tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn và uy tín nhất thế giới cho biết xếp hạng mới được đưa ra trên cơ sở những vụ sụp đổ ngân hàng ở Mỹ đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tài chính Mỹ, buộc giới chức nước này phải tức tốc vào cuộc để bảo đảm tiền gửi của khách hàng và giữ vững các định chế khác không bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi phải thay đổi triển vọng của chúng tôi đối với hệ thống ngân hàng ở Mỹ sang “tiêu cực” từ “ổn định” để phản ánh sự xấu đi nhanh chóng trong môi trường vận hành của hệ thống ngân hàng sau các vụ rút tiền ồ ạt khỏi SVB, Silvergate Bank và Signature Bank” - Moody’s cho biết.

Theo Moody’s, thời gian lãi suất thấp kéo dài, cộng với các biện pháp kích thích kinh tế bằng tài khóa và tiền tệ trong thời gian đại dịch COVID-19 đã khiến cho hoạt động của các ngân hàng trở nên phức tạp.

Theo Moody’s, thời gian lãi suất thấp kéo dài, cộng với các biện pháp kích thích kinh tế bằng tài khóa và tiền tệ trong thời gian đại dịch COVID-19 đã khiến cho hoạt động của các ngân hàng trở nên phức tạp.

Chẳng hạn, SVB có khoản lỗ 16 tỉ USD chưa hiện thực hóa trong danh mục trái phiếu kho bạc Mỹ dài kỳ. Khi lợi suất trái phiếu tăng do triển vọng lãi suất tăng, giá trái phiếu giảm xuống khiến danh mục trái phiếu này mất giá trị và gây ra vấn đề thanh khoản cho ngân hàng. SVB đã phải bán những trái phiếu đó với mức giá thu lỗ để đáp ứng các nghĩa vụ nợ.

Moody’s ghi nhận các biện pháp mạnh mẽ mà cơ quan chức năng Mỹ đã triển khai để xử lý các ngân hàng sụp đổ đang có hiệu quả.

Hiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thiết lập cơ chế để đảm bảo rằng các định chế tài chính gặp vấn đề thanh khoản có thể tiếp cận với nguồn tiền mặt sẵn có. Bộ Tài chính Mỹ cũng sẵn sàng cấp 25 tỉ USD cho chương trình này, đồng thời cam kết người gửi tiền với số tiền hơn 250.000 USD - vượt trần bảo hiểm theo quy định liên bang - tại SVB và Signature sẽ được tiếp cận đầy đủ với tiền gửi của họ.

Dù vậy Moody’s nói rằng vẫn còn vấn đề đáng lo ngại. “Những ngân hàng có những khoản lỗ lớn từ danh mục đầu tư chứng khoán chưa được hiện thực hóa và có tiền gửi không thuộc diện bảo hiểm có thể vẫn còn rủi ro khi làn sóng rút tiền vẫn còn tiếp diễn” - báo cáo của Moody’s nêu rõ.

Ngày 14-3, hãng tin Reuters cho hay người dân Mỹ đã ồ ạt chuyển tiền gửi sang các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase & Co, Bank of America Corp và Citigroup Inc kể từ khi SVB phá sản. Số tiền chuyển này được cho là đã lên đến hàng tỉ USD.

Ảnh hưởng lâu dài

Về ảnh hưởng của vụ sụp đổ ba ngân hàng ở Mỹ, Moody’s cho rằng khủng hoảng sẽ tạo sức ép lớn hệ thống tài chính Mỹ trong thời gian dài và có thể sẽ trở nên trầm trọng khi Fed vẫn quyết tâm siết chặt chính sách tiền tệ để đưa lạm phát về đúng mục tiêu.

“Các ngân hàng ở Mỹ giờ đây phải đối mặt với lãi suất tiền gửi tăng mạnh sau nhiều năm lãi suất thấp. Điều đó sẽ khiến lợi nhuận suy giảm, nhất là ở những ngân hàng có tỉ trọng nắm giữ trái phiếu lớn hơn” - Moody’s nhận định.

Ngoài tác động đối với lĩnh vực ngân hàng, vụ sụp đổ còn tác động lên một số lĩnh vực khác, đặc biệt là công nghệ. Giám đốc đầu tư thuộc Công ty BMO Global Asset Management (Mỹ) Malcolm White nhận định các startup công nghệ mới nổi có thể sẽ gặp khó khăn hơn trong tiếp cận vốn vay khi SVB không còn hoạt động, bên cạnh việc các ngân hàng khác sẽ tăng phí bảo hiểm và các phí mạo hiểm khác để đảm bảo an toàn. Tương tự, những công ty thuộc ngành công nghệ sinh học và các công ty về bảo hiểm sức khỏe cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi đây là những khách hàng chiếm tỉ lệ lớn của SVB. Các công ty có thể sẽ phải kéo dài thời gian nghiên cứu và sẽ thận trọng khi theo đuổi những sáng kiến mới.

Một số chuyên gia cũng cảnh báo vụ khủng hoảng có thể đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái trong năm nay.

“Kỳ vọng của chúng tôi là nền kinh tế Mỹ sẽ chững lại trong hai đến ba quý tới do tác động của vụ sụp đổ các ngân hàng cùng ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ bị siết chặt. Điều kiện thị trường lao động eo hẹp trong khi nợ hộ gia đình đang tăng nhanh, chúng tôi hy vọng người tiêu dùng sẽ sáng suốt hơn trong các quyết định chi tiêu của họ trong tương lai” - báo cáo của Công ty tư vấn tài chính DBRS MorningStar (Mỹ) cho hay. Dù vậy, cuộc suy thoái này có thể sẽ không kéo dài và Mỹ được kỳ vọng tăng trưởng vừa phải trở lại vào đầu năm 2024.•

Sáu ngân hàng ở Mỹ nằm trong tầm ngắm của Moody’s

Ngoài hạ tín nhiệm toàn hệ thống ngân hàng ở Mỹ, còn thêm sáu ngân hàng khác cũng đang nằm trong tầm ngắm bị Moody’s hạ tín nhiệm riêng, theo đài CNN.

Cụ thể, Moody’s sẽ xem xét xếp hạng đối với Ngân hàng First Republic của San Francisco, Western Alliance Bancorporation có trụ sở tại Phoenix, Ngân hàng Comerica có trụ sở tại Dallas, UMB Financial của TP Kansas, Ngân hàng Zions của Utah và Intrust Financial có trụ sở tại Wichita, Kansas.

Các ngân hàng được cảnh báo sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của làn sóng rút tiền và có khả năng sụp đổ dây chuyền. Moody’s khuyến nghị nếu phải đối mặt với dòng tiền ra cao hơn dự đoán và các khoản dự phòng thanh khoản không đủ, các ngân hàng có thể cần phải bán tài sản, bằng cách đó kết tinh các khoản lỗ chưa thực nhận với chứng khoán của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới