XỬ LÝ HÀNH VI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ

Hết sức cẩn trọng khi huy động quân đội

Việc huy động quân đội tham gia như vậy cũng gây không ít băn khoăn.

Chống người THCV, theo dự thảo tờ trình của Bộ Công an, thường xảy ra nhiều nhất trong các lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quản lý và bảo vệ rừng, quản lý đất đai, giải quyết mặt bằng, giải quyết khiếu tố, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới, cửa khẩu, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đây là những lĩnh vực nội chính, liên quan đến quan hệ giữa người dân với cơ quan quản lý trong nước. Vậy có nên huy động quân đội phối hợp, hỗ trợ ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật có tính chất nội vụ như vậy?

Rành mạch chức năng quân đội, công an

Giải đáp vấn đề này, cần tìm cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ của công an, quân đội. Điều 4 Luật Công an nhân dân quy định: “Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt [...] trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”. Luật Quốc phòng, tại Điều 3 định nghĩa: “Quốc phòng là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng [...]”, Điều 14 cũng nêu rõ: “Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt [...] trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”.

Trên tinh thần ấy, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992, tại Điều 71 và 72 cũng diễn đạt lại, bóc tách rõ chức năng, nhiệm vụ chính của hai lực lượng: Quân đội làm nhiệm vụ quốc phòng, còn công an chịu trách nhiệm về bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Như vậy, có thể khẳng định cơ quan, tổ chức nào, dù công hay tư, cũng đều có nghĩa vụ phối hợp, hỗ trợ người THCV ngăn chặn kịp thời hành vi chống người THCV. Nhưng đây là vấn đề thuộc lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn xã hội nên nếu cần phải huy động lực lượng vũ trang vào cuộc thì trước hết là huy động lực lượng công an, bởi trách nhiệm chính thuộc về công an.

Hết sức cẩn trọng khi huy động quân đội ảnh 1

Quân đội chủ yếu chỉ xuất hiện khi có tình trạng chiến tranh, bạo loạn vũ trang uy hiếp chính quyền hoặc giúp dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong ảnh: QĐND diễn tập cứu hộ, cứu nạn trong bão lũ. Ảnh: TTXVN

Quân đội chỉ phối hợp thôi

Lý giải về quy định trong dự thảo, ông Trương Quang Hưng, Vụ Pháp chế (Bộ Công an), cho biết: “Khi dự thảo nghị định này, chúng tôi coi hành vi chống người THCV là phạm pháp quả tang. Đã là phạm pháp quả tang thì bất cứ lực lượng nào cũng có trách nhiệm tham gia để ngăn chặn, xử lý. Chẳng hạn, ở vùng rừng núi xa xôi, phát hiện vụ phá rừng, lực lượng kiểm lâm thì quá mỏng nên bị lâm tặc hung hãn tấn công, đe dọa tính mạng. Gần đó có đồn biên phòng thì phải huy động anh em biên phòng vào ngăn chặn, bắt giữ lâm tặc chứ”.

Cũng theo ông Hưng, dự thảo quy định theo hướng quân đội có tham gia thì chỉ là phối hợp với người THCV thôi. Phối hợp thế nào thì phải có hướng dẫn cụ thể hơn chứ không có nghĩa là quân đội đến thì có thể nổ súng. Chẳng hạn, cưỡng chế thu hồi đất thì phải thực hiện theo quy trình, thủ tục. Các lực lượng tham gia là theo chức năng, nhiệm vụ của mình, không ai làm thay ai cả. Ngay cả công an, nếu tham gia là để bảo vệ an ninh trật tự chứ không phải là phá dỡ, cưỡng chế thu hồi mặt bằng. “Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến góp ý, nghiên cứu thêm để diễn đạt trong nghị định chính xác, chặt chẽ hơn” - ông Hưng nói.

Phải cẩn trọng!

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - ĐBQH các khóa VIII, IX, X - cho biết việc huy động quân đội vào tham gia giải quyết các điểm nóng lâu nay thiếu hành lang pháp lý, quy chuẩn rõ ràng. Chẳng hạn, trong vụ cưỡng chế gia đình Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng diễn ra đầu năm 2012, quân đội huyện được huy động tham gia rồi bị bắn trả gây thương tích cho sĩ quan, binh lính. Việc cưỡng chế hóa ra trái luật, còn huy động quân đội thì thiếu cân nhắc. Kết quả, chính trị viên và tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Tiên Lãng bị kỷ luật...

“Khách quan thì tình hình chống người THCV thời gian qua là khá phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới kỷ cương phép nước, làm suy giảm hiệu lực quản lý nhà nước. Vì vậy, ban hành pháp quy về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn là cần thiết. Nhưng huy động quân đội tham gia thế nào, tôi cho rằng Bộ Quốc phòng cần tham gia ý kiến một cách cẩn trọng” - tướng Thước góp ý.

Theo ông, quân đội chủ yếu chỉ xuất hiện khi có tình trạng chiến tranh, bạo loạn vũ trang uy hiếp chính quyền hoặc giúp dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Với những việc nội vụ trong nước, xảy ra va chạm giữa người dân với chính quyền, nếu cần huy động lực lượng vũ trang thì trước hết là huy động công an. “Quân đội mà nhảy vào những việc không thuộc phận sự, chức năng của mình thì hậu quả khôn lường, thậm chí tổn thất chính trị” - ông nói.

Điều 19. Phối hợp, hỗ trợ trong xử lý hành vi chống người THCV

1. Trong trường hợp hành vi chống người THCV vượt quá khả năng giải quyết hoặc trường hợp có nhiều người thực hiện hành vi chống người THCV thì người THCV có thể yêu cầu các lực lượng vũ trang nhân dân nơi gần nhất hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phối hợp, hỗ trợ để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

2. Cơ quan công an, các lực lượng thuộc quân đội nhân dân nơi gần nhất và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm phối hợp ngay với người THCV để kịp thời ngăn chặn, xử lý người có hành vi chống người THCV.

(Theo Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa,  ngăn chặn và xử lý hành vi chống người THCV) 

Bộ Tư pháp sẽ thẩm định chặt chẽ

Liên quan đến dự thảo này, sáng 15-3, trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp), cho biết Bộ Công an chưa gửi văn bản và dự thảo sang cho Bộ Tư pháp thẩm định. Khi nào Bộ Công an hoàn thiện dự thảo và gửi sang thì Bộ Tư pháp sẽ lập tổ thẩm định và nêu rõ chính kiến của mình về những quy định trong dự thảo.

Một lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết thêm là ông rất quan tâm đến dự thảo trên. “Những vấn đề mà báo chí phản ánh trong thời gian qua về dự thảo, đặc biệt là các quy định nổ súng là rất kịp thời. Tôi đã yêu cầu các đơn vị trong bộ lưu ý đến dự thảo trên. Khi Bộ Công an gửi sang thì phải tiến hành thẩm định một cách chặt chẽ theo đúng quy định” - vị này nói.

Vị này cũng cho rằng về nguyên tắc, các nội dung trong nghị định không được phép trái với Pháp lệnh 16 của Ủy ban Thường vụ QH về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Nếu trái là không phù hợp và sẽ phải chỉnh sửa hoặc bãi bỏ.

THÀNH VĂN

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm