Cũng vì tới tòa mà trong năm 2015 tôi được nghe, được biết nhiều câu chuyện không hiểu là nên buồn hay vui.
Ði lừa để tích đức cho con (!?)
Khi TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm Trần Long Ẩn về tội làm giả giấy tờ, con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, bị cáo luôn miệng kêu oan. “Bị cáo chỉ muốn giúp đỡ cho mọi người thôi. Chuyện làm chùa, bị cáo không được hưởng lợi gì. Bị cáo nóng ruột muốn góp công vào việc xây chùa để tích đức cho con cháu nên mới làm giả giấy tờ”.
Chủ tọa gặng hỏi: Việc làm giả giấy tờ, giả chữ ký của nhiều cán bộ cao cấp, theo bị cáo cũng chỉ để tích đức cho con cháu à?”. Bị cáo: “Dạ!” (Rõ to).
Số là năm 2012, Ẩn biết xóm Nhì, xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, Nam Định đang làm thủ tục khôi phục chùa Thông nhưng chưa được chính quyền chấp thuận. Ẩn đi gặp một số người trong xóm, giới thiệu mình có khả năng xin được chủ trương phục dựng chùa Thông. Sau đó Ẩn làm giả văn bản của Ban Tuyên giáo Trung ương với nội dung “... đề nghị tỉnh Nam Định phối hợp và hướng dẫn Công ty Hà Nam hoàn tất các thủ tục để đầu tư dự án”. Tin là thật, UBND tỉnh Nam Định ra các văn bản chấp thuận chủ trương xây dựng chùa Thông.
Đến ngày 29-6-2014, Ẩn bị bắt về hành vi làm giả giấy tờ, chữ ký của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội gửi cho Thành ủy TP.HCM yêu cầu phải… trả nhà cho một người dân. Nhận thấy các công văn trên có vấn đề nên công an đã vào cuộc, từ đó mọi chuyện mới bị phanh phui.
Dù mọi việc đã rõ rành rành nhưng Ẩn vẫn khăng khăng “Tội của bị cáo chỉ hưởng án treo thôi, vì không gây hậu quả nghiêm trọng”. Kết quả, Ẩn nhận sáu năm tù.
Hàng xóm, hơi đâu mà nhịn!
Ông Trần Văn Em và hai con có miếng đất trồng cỏ nuôi bò gần nhà anh T. (Tân Thạnh Đông, Củ Chi, TP.HCM). Cả ba thường đổ phân bò ở đây nên anh T. thấy rất… khó thở. Một bữa, thấy đống phân bò to thù lù, T. bức xúc đến trước cổng buông lời chửi mắng. Đôi bên cãi nhau kịch liệt rồi cùng mang dao, xẻng ra “nói chuyện”. Ai cũng thương tích đầy mình.
Tòa phạt ba cha con ông Em tổng cộng hơn 10 năm tù.
Chửi đổng cũng bị còng
Huỳnh Nhật Quang (Giá Rai, Bạc Liêu) vừa được tòa tuyên không phạm tội chống người thi hành công vụ. Trong một lần đi chơi khuya, Quang tấp xe vào xin công an “hỉ xả” cho người bạn vi phạm giao thông nhưng không được. Khi các công an xã rời đi thì Quang chửi đổng. Vị phó công an xã quay lại còng Quang đưa về trụ sở, dùng súng bắn đạn cao su “quất” một phát vào má phải Quang, thương tích 8%. Các cấp tòa khẳng định: Quang không vi phạm gì và công an cũng không phải đang thực thi nhiệm vụ. Việc bắn người bị còng là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần xem xét khởi tố.
Liệt hai chân vẫn chống người thi hành công vụ
Ông Trần Việt Hùng (Cù Lao Dung, Sóc Trăng) hai chân bị liệt phải đi xe lăn. Một bữa, nhà ông mất con chó bèn đi tìm và thấy con chó ở nhà một người trong xóm nên đòi về. Vài bữa sau, con trai ông dùng nón bảo hiểm đánh người nghi là trộm chó. Công an bắt con trai ông đưa về trụ sở thì ông chạy xe lăn đến la hét. Cáo trạng quy kết ông Hùng ném đá vào trụ sở, trúng người một công an, dùng xe lăn chặn xe máy của công an khác và đánh vào mặt anh này. Tòa huyện xử ông sáu tháng tù giam; sau đó tòa tỉnh sửa thành tù treo.
Thằng lớn vui, “thằng nhỏ” bị nạn
Chị NTS ở Sông Cầu, Phú Yên có chồng ra ngoài quan hệ bất chính. Một đêm, đợi chồng đi nhậu về, S. yêu cầu chấm dứt nhưng ông chồng lớn tiếng thách thức: “Tao có bồ bịch thì kệ tao”. Giận quá mất khôn, S. xử lý “thằng nhỏ” của chồng, gây tổn hại 21%. Thông cảm vì chị S. bị bệnh hở van tim và đã bồi thường đầy đủ, ông chồng cũng có lỗi vì biết vợ đang ghen mà còn thách đố khiến chị bị kích động về tinh thần nên tòa chỉ phạt chị hai năm tù nhưng cho ở nhà.
Thư ký bán công lý
Sau khi bị phạt sáu tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thư ký TTDM của TAND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) đã gửi đơn kêu oan khắp nơi. M. cho rằng mình không lừa đảo mà chỉ đồng phạm vì “nhận tiền giùm” thẩm phán.
Chuyện là thẩm phán HHTH thụ lý một vụ án dân sự. Nguyên đơn mang hai phong bì để trong nhà vệ sinh và nhắn tin cho M. biết việc bồi dưỡng cho cả hai. M. báo lại là thẩm phán nói “Mướn luật sư không làm được gì mà một vụ còn 8-9 triệu đồng, còn thẩm phán giải quyết mà cho có 2 triệu đồng”. Nghe vậy, nguyên đơn bèn báo công an. Khi M. đang nhận 5 triệu đồng tiền đền ơn thắng kiện của nguyên đơn thì công an bắt quả tang. M. có đưa ra tin nhắn từ Facebook có tên Hienocken với nội dung: “Sáng mai, em hẹn gặp lấy cho chị, chị làm biếng đi quá” để biện bạch, nhưng CQĐT VKSND Tối cao kết luận thẩm phán H. không thừa nhận mình nhận tiền và đã xóa Facebook nên không đủ chứng cứ buộc tội.
Luật sư chả là cái đinh gì!
Một bị can bị truy tố tội cưỡng đoạt tài sản. Trước khi tòa xét xử, bị can này tìm gặp ông chánh án TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) nhờ giúp đỡ. Bị can được cho hay mức án có thể là bảy năm tù, nếu không mời luật sư thì tòa sẽ nghiên cứu xử ba năm hoặc có thể cho hưởng án treo. Mọi việc là do HĐXX và tòa quyết định, luật sư không làm được cái đinh gì cả!
Cục Điều tra VKSND Tối cao vào cuộc, truy tố thư ký tòa về hành vi nhận hối lộ; ông chánh án thì bị kiến nghị xử lý nghiêm.
“Công bộc” bị phản kèo • Quyền chánh án TAND huyện Thanh Liêm (Hà Nam) nhận 10 năm tù về tội nhận hối lộ. Trước đó, vị này gợi ý cho bố của bị can đưa 235 triệu đồng thì sẽ được hưởng án treo. Tuy nhiên, hai hội thẩm hổng chịu treo nên bị cáo vẫn bị một năm ở. Ðòi lại tiền không được, bố bị cáo bèn tố cáo. • Thẩm phán TVV (TAND huyện Ðạ Huoai, Lâm Ðồng) cũng đang vướng vào lao lý vì nhận tiền chạy án. Ông V. nhiều lần hối thúc gia đình bị cáo phải xoay xở đủ 50 triệu đồng mới xử treo và trả tự do tại tòa. Gia đình đã đi vay mượn đủ nhưng khi đưa tiền thì không quên… ghi âm, ghi hình lại. • Nguyên kiểm sát viên TTH (VKSND TP Hà Nội) bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản do nhận tiền chạy án để không xử lý hình sự một người đánh bạc. H. đánh giá hành vi của người này ít nghiêm trọng nên nhận lời chạy án với giá 200 triệu đồng. Gia đình thống nhất chi 250 triệu đồng, trong đó cảm ơn H. 50 triệu đồng. Sau khi “chạy” thành công, H. lại vòi thêm 200 triệu đồng nhưng gia đình đương sự lại đi “thỏ thẻ” với cơ quan điều tra. |